Sign In

Kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp vi phạm

20:58 28/05/2024
Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm, kiên quyết thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo, rau quả nếu vi phạm các quy định của pháp luật.

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng nông sản diễn ra chiều 28/5, tại Hà Nội.

Cuộc họp được tổ chức nhằm đánh giá tình hình xuất khẩu gạo và rau quả 4 tháng đầu năm 2024 và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm do Liên bộ: Công Thương và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đồng chủ trì với sự tham dự của đại diện Bộ Nội vụ, Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đơn vị chức năng của các bộ, ngành liên quan.

Xuất khẩu gạo, rau quả khởi sắc nhưng vẫn còn những “hạt sạn”

Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - ông Nguyễn Anh Sơn, hoạt động xuất khẩu ngành hàng nông sản đã khắc phục khó khăn, đạt được kết quả tích cực.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp (ảnh Cấn Dũng)

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về trị giá. Xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ (đối với ngành gạo, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia chiếm 70,69% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng). Đối với ngành hàng rau quả, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 61,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục.

Cụ thể, theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu; một số doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định, chính sách của thị trường nhập khẩu hay các yêu cầu kèm theo ưu đãi từ các FTA; một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm...

Đồng thời, hoạt động thương mại mặt hàng gạo và rau quả trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với tình trạng bất ổn an ninh chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực; tỷ lệ lạm pháp vẫn ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ… tạo áp lực lớn lên thương mại hàng hóa; yêu cầu về quy chuẩn, chất lượng sản phẩm ngày càng gia tăng…

Để đạt được mục tiêu phục hồi xuất khẩu, tăng khoảng 6% so với năm 2023, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất; đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, đàm phán mở cửa thị trường, ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại…

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - ông Nguyễn Anh Sơn phát biểu tại cuộc họp
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - ông Nguyễn Anh Sơn phát biểu tại cuộc họp (ảnh Cấn Dũng)

Ở khâu sản xuất, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – thông tin, dự kiến diện tích sản xuất lúa năm 2024 ước khoảng 7,09 triệu ha, năng suất trung bình đạt 61,2 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm 2023; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc, giảm khoảng 35 nghìn tấn so với năm 2023.

Dự kiến diện tích rau năm 2024 sản xuất khoảng 1.030 nghìn ha (tăng khoảng 30 nghìn ha so với 2023), năng suất dự kiến đạt 191,5 tạ/ha (cao hơn so với năm 2023 khoảng 0,5 tạ/ha), sản lượng dự kiến đạt 19,7 triệu tấn (cao hơn 2023 khoảng 624 nghìn tấn). Nếu từ nay đến cuối năm, không có diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì sản xuất lúa, rau năm 2024 đảm bảo kế hoạch đề ra về diện tích, năng suất, sản lượng; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và đồng thời đảm bảo lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn.

Với việc diện tích, sản lượng một số trái cây đang tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch (sầu riêng,...), ông Nguyễn Như Cường cho biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai việc khuyến cáo các điều kiện vùng trồng, giống, quy trình canh tác, thu hoạch,..; tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, giám sát các mã vùng trồng, đóng gói xuất khẩu theo các yêu cầu Nghị định thư đã ký; không ngừng hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để chuẩn hóa các quy trình thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm theo yêu cầu thị trường.

Đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo

Cuộc họp đã ghi nhận 10 ý kiến từ các bộ, ngành, hiệp hội trong việc phân tích tình hình, kết quả, nguyên nhân xuất khẩu gạo và rau quả 4 tháng đầu năm 2024 và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (ảnh Cấn Dũng)

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam – thông tin, 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 2 tỷ USD. Ước đến ngày 30/5, tổng sản lượng 3,6 tấn, kim ngạch thu hơn 2,3 tỷ USD, tăng 11% số lượng, tăng 34% giá trị.

Việt Nam cũng tập trung vào thị trường lớn như Phipinnies, Trung Quốc, Indonesia…Trong 5 tháng đầu năm, giá gạo trong nước tăng hơn so với cùng kỳ, đảm bảo hiệu quả bà con nông dân, người trồng lúa.

Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu cấm xuất khẩu gạo do Elnino, khả năng đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam.

Dù vậy, ông cũng nêu một số vấn đề tồn tại, như việc doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá. Đồng thời đề nghị Liên bộ và Hiệp hội chỉ đạo rốt ráo xử lý vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, trong số 157 đầu mối xuất khẩu gạo, chỉ 70 doanh nghiệp thuộc hiệp hội, số còn lại họ không báo cáo và khó chỉ đạo. Theo quy định thì cũng không có biện pháp nào để chế tài. Do vậy, chỉ có Bộ Công Thương mới có thể xử lý được. Ông Nguyễn Ngọc Nam đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo.

Nhấn mạnh về văn hóa thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt về gạo trong việc cạnh tranh không lành mạnh về giá, ông Phạm Thái Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam – đề nghị các bộ, ngành vào cuộc ngăn chặn tình trạng này, tránh mất tiền của quốc gia và nông dân.

ông Phạm Thái Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam
Ông Phạm Thái Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (ảnh Cấn Dũng)

Bà Bùi Thanh Tâm - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) – thông tin, đến 15/5 Việt Nam xuất khẩu được 3,6 triệu tấn gạo, tăng 11% về sản lượng và tăng 34,9% giá trị, thể hiện giá trị hạt gạo của Việt Nam được đánh giá cao.

Về nỗi lo khi doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, và kiến nghị về áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo, bà Tâm cho hay, trước đây khi chúng ta áp dụng giá sàn, cũng có nhiều ưu điểm, nhưng sau đó áp dụng cũng có nhiều ý kiến và bỏ giá sàn. Bây giờ quay lại giá sàn thì đề nghị cần có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng.

Bà Bùi Thanh Tâm - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1)
Bà Bùi Thanh Tâm - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) (ảnh Cấn Dũng)

Với ngành hàng rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam – thông tin, cập nhật đến ngày 20/5 kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 2,490 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường chủ lực tiếp tục tăng tốc độ cao, Trung Quốc đứng đầu 1,156 triệu USD, Hàn Quốc 107 triệu USD...

Nhận định của giới chuyên gia và cơ quan chức năng, ông Bình cho hay, tình hình xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, đặc biệt là sầu riêng, dưa hấu, xoài.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Bình, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý. Tiếp đến là vấn đề tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng, đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được (đó là liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu thụ) khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.

ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam (ảnh Cấn Dũng)

Vấn đề tiếp theo, ông Nguyễn Thanh Bình nêu về hiệu quả của các FTA đã ký, dù đã có sự cải thiện, giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Bởi hiện một số nước như châu Âu với rau quả đã có Hiệp định EVFTA nhưng thị phần chưa cải thiện nhiều. Theo ông Nguyễn Thanh Bình chất lượng liên quan đến khâu sản xuất (từ vật tư đầu vào, chế biến, bảo quản, thực hiện mã số vùng trồng, đóng gói) làm chưa tốt, nên vẫn xảy ra vi phạm, vì vậy các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt các sản phẩm thu hoạch, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán. Việc cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả; đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu chính ngạch với bơ, dừa tươi… nâng cao xuất khẩu.

“Việt Nam đã có chính sách thúc đẩy công nghiệp chế biến nên cần có cơ chế ưu việt nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư, nâng cao chất lượng cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu. Vì xuất thô hiện quá lớn”, ông Nguyễn Thanh Bình nêu ý kiến, đồng thời cho biết số lượng doanh nghiệp ngoài hiệp hội còn nhiều, chủ yếu là do doanh nghiệp không muốn vào vì họ có tiềm lực và không chịu áp lực phải báo cáo.

Muốn đi xa nhưng lại chưa đi cùng nhau

Câu chuyện các doanh nghiệp không đi cùng nhau, và vẫn còn sự cạnh tranh về giá, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội, ngành hàng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho hay, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu sản phẩm của một doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (ảnh Cấn Dũng)

Nhìn thẳng vào sự yếu kém trong khâu hợp tác, liên kết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng: Khi chúng tôi đi hội chợ quốc tế, các bạn Trung Quốc trưng bày là cả 1 không gian, nhưng với Việt Nam, có những doanh nghiệp vẫn thuê riêng 1 góc ngoài chứ không đi chung với Hiệp hội hay bộ, ngành. Rõ ràng, nếu bản thân các doanh nghiệp không thay đổi thì thì sẽ không thể đi xa được.

Cần phải nhấn mạnh việc chúng ta xuất khẩu gạo Việt Nam, nói đến hình ảnh gạo Việt Nam, hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo Trung An, hay một doanh nghiệp gạo nào khác. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể lớn lên được.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi, liệu Hiệp hội đã làm hết vai trò của Hiệp hội chưa? Nếu Hiệp hội chỉ là người cộng các con số xuất khẩu của doanh nghiệp thành viên thì đây không phải là chức năng của Hiệp hội. Hiệp hội phải là người kết nối các doanh nghiệp. Rõ ràng, cần phải thay đổi hoàn toàn tư duy, cách làm việc của Hội và Hiệp hội. khi và chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác, khi đó, mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế.

Về việc này, bà Thang Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ Bộ Nội vụ - thông tin, hiện nay, trong danh mục các hội, ngành hàng, Bộ Nội vụ cho phép thành lập 3 hiệp hội (lương thực, lúa gạo, rau quả). Góc độ quản lý thì hội lĩnh vực nào thì chịu sự quản lý của Bộ chuyên ngành, do vậy các bộ có thẩm quyền với các hiệp hội này.

Đối với các hội viên, theo báo cáo Hiệp hội Lương thực có hơn 128 hội viên (120 hội viên chính thức) còn hiệp hội rau quả có khoảng 112 hội viên còn lúa gạo mới và hội viên phải đáp ứng các điều lệ, do vậy bà đề nghị các hiệp hội rà soát lại để tăng tính thực hiện văn hóa của hiệp hội. Bên cạnh đó, vai trò của hiệp hội cũng cần làm tốt vị thế của mình từ đó mới có thể kêu gọi được các doanh nghiệp tham gia hiệp hội. Về phía Chính phủ tạo điều kiện để các hiệp hội tham gia các dịch vụ công.

Kiên quyết thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo, rau quả nếu vi phạm các quy định

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu và của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc có mặt của 3 bộ ở đây cùng với các hiệp hội để nâng vai trò của hiệp hội, và thông qua các hiệp hội cùng nhau nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gạo, rau quả.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận cuộc họp
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận cuộc họp (ảnh Cấn Dũng)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao và ổn định. Nhiều hàng rào kỹ thuật ở các nước nhập khẩu đã và đang được dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước. Thị trường truyền thống cũng còn dư địa rất lớn, ngoài ra, còn nhiều thị trường tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả, như: Sản phẩm thực phẩm Halal, thị trường châu Phi, Mỹ Latinh,... Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết và nâng cấp các FTA với các đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Hiệp hội ngành hàng cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt tới hộ sản xuất, doanh nghiệp và hội viên đầy đủ và kịp thời về các chỉ đạo, chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về sản xuất, xuất khẩu trong tình hình hiện nay để nghiêm túc thực hiện.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp và hội viên tiếp cận thông tin, khai thác tối đa ưu đãi từ các FTA, đồng thời đảm bảo đáp ứng những yêu cầu của từng thị trường, những yêu cầu hoặc thích nghi kịp thời với động thái chính sách của nước nhập khẩu, xử lý hiệu quả tranh chấp thương mại (nếu phát sinh).

Bên cạnh đó, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng xanh, sạch. Tư vấn cho các địa phương trong việc tổ chức, quy hoạch vùng trồng đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ mã số vùng trồng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu.

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò ảnh hưởng của Hiệp hội ngành hàng với các hội viên. Rà soát sửa đổi bổ sung quy chế, quy định gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, và cần có chế khuyến khích, quy chế rõ ràng, rằng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp thành viên trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn hội viên xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, cũng như thương hiệu của ngành và thương hiệu quốc gia. Trong trường hợp vi phạm cũng cần lên tiếng để cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý vì đây là là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Tích cực tham gia ý kiến với các bộ, ngành trong việc xây dựng cơ chế chính sách về xuất nhập khẩu trong tương lai.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao để đẩy mạnh và kiện toàn sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản nói chung và gạo, rau quả nói riêng theo hướng bền vững, minh bạch, hiệu quả.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành lúa gạo, rau quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời làm tốt việc định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản. Bên cạnh đó chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định trên thị trường truyền thống cũng như mở rộng tại các thị trường tiềm năng.

Chủ động theo dõi thị trường, nắm bắt diễn biến thị trường nông sản, hướng dẫn hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất để tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và ổn định giá thị trường. “Trong trường hợp các doanh nghiệp không tuân thủ, bán phá giá thì sẽ có chế tài xử phạt”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các đối tác áp dụng với hàng gạo và rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận về kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật về chất lượng thóc, gạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Phối hợp với Bộ Công Thương trong xử lý những vi phạm của các doanh nghiệp, tổ chức trong hoạt động xuất nhập khẩu và thực thi các FTA. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý các đơn vị vi phạm trong sản xuất không bảo đảm an toàn thực phẩm và các vi phạm khác có liên quan.

Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, tạo nguồn cung ổn định, chất lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, hướng dẫn Hiệp hội ngành hàng rà soát, xây dựng điều lệ, quy chế hoạt động theo hướng kiện toàn các quy định cần thiết để đảm bảo doanh nghiệp hội viên tuân thủ quy định của pháp luật và chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng, từ đó nâng cao uy tín, phát triển thương hiệu Quốc gia.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm gạo, rau quả nói riêng một cách trọng tâm, trọng điểm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sử dụng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quốc gia... nhằm gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, khai mở các thị trường ngách và thâm nhập các thị trường mới, tiềm năng.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn để kịp thời báo cáo Chính phủ và thông tin tới các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, thương nhân để kịp thời có phản ứng chính sách và điều tiết hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng hỗ trợ doanh nghiệp khai tác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta đã ký kết, nhất là tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam. Đồng thời, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả các vụ kiện phòng vệ thương mại và tranh chấp thương mại quốc tế (nếu phát sinh).

Tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động đàm phán, trong đó chú trọng công tác phối hợp đàm phán mở cửa thị trường, kiểm dịch động – thực vật, và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan để tạo thuận lợi cho hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu...

Đấu tranh hiệu quả với những rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý đối với nông sản của Việt Nam để giữ vững ổn định thị trường; đồng thời theo dõi hoạt động nhập khẩu để kịp thời triển khai biện pháp phù hợp, góp phần bảo vệ chính đáng sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển qua biên giới, tránh buôn lậu, gian lận thương mại sản phẩm nông sản.

Tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý các vi phạm, kiên quyết thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo, rau quả nếu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp vi phạm.

“Đối với các kiến nghị hôm nay của các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, đề nghị các đơn vị trong bộ nghiêm túc tiếp thu có chọn lọc, kịp thời đề xuất, sửa đổi bổ sung hoàn thiện trong dự thảo sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định khác”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Nguyễn Hạnh- Cấn Dũng

Tag:

File đính kèm