Tham dự tọa đàm có thành viên Ban chỉ đạo và Tổ Thư ký giúp việc Ban chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT; đại diện Sở GDĐT một số tỉnh, thành phố; đại diện một số cơ sở giáo dục đại học.
Quang cảnh tọa đàm
Ngày 18/9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tại khoản 1 Điều 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết trong năm 2023, xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, lộ trình, tiến độ và kinh phí bảo đảm hoàn thành từng nhiệm vụ, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Tại Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kèm theo Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 có Luật Giáo dục 2019.
Ngày 20/3/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15. Tại Phụ lục nhiệm vụ triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-CP, Bộ GDĐT được giao chủ trì nhiệm vụ rà soát Luật Giáo dục 2019, thời gian thực hiện là năm 2024.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu mở đầu tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúcnhận định, trong quá trình gần 5 năm ban hành, Luật Giáo dục đã có đóng góp to lớn, tạo khuôn khổ, thể chế cho ngành giáo dục thực hiện được nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, sự phát triển của khoa học công nghệ, đã đặt ra nhiều vấn đề, nhiều vướng mắc cần điều chỉnh, giải quyết.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ, Bộ GDĐT đã giao đầu mối chủ trì xây dựng báo cáo, ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020-2024 và ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký giúp việc Ban chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục, giai đoạn 2020-2024.
Bộ GDĐT cũng đã có công văngửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc báo cáo rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục, giai đoạn 2020-2024.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh trao đổi tại tọa đàm
Đến nay, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ, 45 Sở GDĐT, 18 bộ, cơ quan ngang bộ,gần 90 cơ sở giáo dục đại học, Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo Báo cáo của Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về rà soát Luật Giáo dục.
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến không chỉ về những vấn đề đang được thực hiện, mà còn đề xuất, bổ sung những vấn đề mới chưa được đề cập trong Luật; thể chế hóa các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế; đề xuất trên cơ sở số liệu cụ thể và căn cứ lý luận khoa học thực tiễn.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các nhóm vấn đề cơ bản như: Thống nhất quản lý trong giáo dục trên cả nước; chế độ với nhà giáo ở vùng sâu vùng xa; quy định rõ, thống nhất về giáo dục bắt buộc; quy định về chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non; quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự trong các cơ sở giáo dục; quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; quy định về chính sách học phí, học bổng; hợp tác quốc tế…
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trao đổi tại tọa đàm
Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cảm ơn các ý kiến, đóng góp từ thực tiễn của các đại biểu cho một nhiệm vụ rất quan trọng của ngành.
Khẳng định Luật Giáo dục là hành lang pháp lý rất quan trọng, góp phần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị bộ phận thường trực tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để hoàn thiện báo cáo rà soát. Thứ trưởng cũng mong muốn các sở GDĐT, các cơ sở giáo dục tiếp tục nghiên cứu và góp ý cụ thể, có căn cứ khoa học và thực tiễn trong thời gian tới.