Tham dự hội thảo có nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT, các chuyên gia, nhà khoa học và thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Bộ.
Đại biểu dự hội thảo
Hội thảo trong khuôn khổ Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong các môn học và hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018”, nhằm thông tin về kết quả nghiên cứu của Chương trình và là nơi để các nhóm nghiên cứu các đề tài thuộc Chương trình, các nhà quản lý, chuyên gia, trao đổi, thảo luận về hướng sử dụng, phát triển các kết quả nghiên cứu.
Khẳng định sự phù hợp của đề tài đối với yêu cầu thực tiễn triển khai Chương trình GDPT mới, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định: Chương trình GDPT 2018 được xây dựng với quan điểm, định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học.
Theo nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, với đặc điểm “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hệ thống mở nên mức độ, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực theo yêu cầu cần được đánh giá. Do đó, việc xây dựng chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong các môn học và hoạt động giáo dục là cấp bách và cần thiết. Sau một thời gian thực hiện nghiên cứu, đề tài đã được nghiệm thu với những nỗ lực, công phu của các chuyên gia, nhà khoa học, đảm bảo yêu cầu đề ra và tính khả thi thực hiện.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo
Đánh giá cao sự phối hợp của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam với các đơn vị Bộ GDĐT, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vũ Thanh Bình cho biết: Đề tài được xây dựng, triển khai xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khi triển khai chương trình GDPT 2018. Trong qua trình triển khai, các đơn vị đã có những cuộc kiểm tra, trao đổi, điều chỉnh nhằm mục đích phù hợp với đánh giá từng môn học, cả chương trình đề hoàn thiện tối ưu nhất các đề tài nghiên cứu.
Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh chia sẻ: Chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong các môn học và hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo các tiêu chuẩn bao gồm: chuẩn nội dung là những nội dung cần học tập và đánh giá; chuẩn yêu cầu là mức độ của các nhiệm vụ trong bài đánh giá; chuẩn hoàn thành là mức độ cần hoàn thành để được xếp loại; chuẩn đạt được là mức độ sẵn sàng của học sinh cho các giai đoạn tiếp theo: học tập, công việc, cuộc sống…
Theo Viện trưởng Lê Anh Vinh, đánh giá năng lực được chia thành hai loại là đánh giá năng lực chung và đánh giá năng lực đặc thù. Năng lực chung bao gồm: tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết các vấn đề và sáng tạo. Năng lực đặc thù là những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, tính toán, tin học, thể chất, thẩm mỹ, công nghệ, tìm hiểu tự nhiên và xã hội…
Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh chia sẻ về đề tài
Việc đánh giá năng lực có thể thông qua các hình thức như câu hỏi trắc nghiệm; bài tự luận, câu hỏi mở rộng; dự án học tập và một số hình thức khác. Trong đó, ví dụ như thông qua dự án học tập có thể đánh giá về giá trị thực tiễn, tính ổn định, sự thu hút học sinh và hoàn thiện mô hình qua quá trình thực hiện dự án của học sinh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày, trao đổi, thảo luận về nội dung, hướng dẫn sử dụng chuẩn đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh trong các môn học ở các cấp học cụ thể như Giáo dục thể chất, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Hoạt động trải nghiệm, Ngữ văn, Toán, Âm nhạc, Tiếng Việt…