Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau hơn 15 năm kể từ khi thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay đã có những bước tiến nhanh chóng. Những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển lên một tầm cao mới. Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và hai Chính phủ thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc song phương và tại các diễn đàn đa phương với các hình thức linh hoạt. Các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước đều phát triển tốt. Trong đó, hợp tác giáo dục và đào tạo là một điểm nhấn quan trọng trong quan hệ hai nước, là một lĩnh vực hợp tác rất thực chất, ngày càng có chiều sâu và kết quả quan trọng.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ GDĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Trung Quốc
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Hoài Tiến Bằng đã mời đoàn công tác Bộ GDĐT Việt Nam tới thăm và làm việc tại Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, song được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và sự hỗ trợ của các nước đối tác quan trọng, giáo dục và đào tạo Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Một số kết quả cụ thể của giáo dục Việt Nam được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin tới người đồng cấp Trung Quốc như: Trong 10 năm qua Việt Nam đã có những đổi mới sâu rộng về giáo dục; đã xây dựng và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với những chuẩn mới, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá mới; đã hoàn thành phổ cập giáo dục với bậc THCS, tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục phổ thông thời gian tới. Hiện nay tỷ lệ người dân biết chữ đạt 98%. Việt Nam có khoảng 52 nghìn trường phổ thông, 243 trường đại học và có một số trường nằm trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu thế giới.
“Có một điểm tương đồng giữa giáo dục Việt Nam và giáo dục Trung Quốc, đó là đều được lãnh đạo các cấp của hai nước coi trọng, quan tâm”, nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời bày tỏ ngưỡng mộ với kết quả giáo dục và đào tạo của Trung Quốc và mong muốn được học hỏi kinh nghiệm quý báu của giáo dục Trung Quốc từ phát triển các trường phổ thông đến đại học, từ nâng cao dân trí đến bồi dưỡng, phát triển nhân tài cho đất nước.
Khẳng định Bộ GDĐT Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trên cơ sở Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác giáo dục do chính hai Bộ trưởng ký năm 2022, nhiều hoạt động hợp tác giáo dục giữa hai nước đã được thực hiện như đào tạo công dân Việt Nam tại Trung Quốc; đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên Việt Nam dạy tiếng Trung; trao đổi giảng viên, sinh viên,… Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, Trung Quốc đã tiếp nhận 92 du học sinh Việt Nam sang đào tạo dài hạn tại Trung Quốc.
Để tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tới một số mong muốn sẽ được Bộ Giáo dục Trung Quốc quan tâm hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.
Đó là, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Trung cho Việt Nam và cung cấp tình nguyện viên sang hỗ trợ công tác giảng dạy tiếng Trung; hỗ trợ đào tạo chuyên gia, đào tạo các kỹ sư xuất sắc cho Việt Nam.
Mở rộng ngành nghề và cơ sở đào tạo tiếp nhận du học sinh Việt Nam sang đào tạo để có thêm nhiều cơ hội cho du học sinh Việt Nam tham gia học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo trọng điểm của Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Hoài Tiến Bằng
Tăng cường học bổng bậc đại học, đặc biệt là học bổng học các ngành khoa học kỹ thuật, đào tạo cấp chuyên gia ở các trường hàng đầu Trung Quốc. Hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh như đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị và sinh học, chiến lược phát triển giáo dục, chiến lược phát triển các đại học trọng điểm, chuyển đổi số trong giáo dục, sử dụng các công cụ số, trí tuệ nhân tạo trong giáo dục…
“Cần có cơ chế giao lưu giáo dục giữa 2 nước có tính thường niên, luân phiên theo từng chủ đề. Các diễn đàn giao lưu giáo dục có thể được các trường đại học 2 bên đăng cai tổ chức luân phiên”, gợi mở điều này với Bộ trưởng Hoài Tiến Bằng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đồng thời mời Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào dịp thích hợp.
Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ GDĐT Việt Nam đã tới làm việc với Bộ Giáo dục Trung Quốc, Bộ trưởng Hoài Tiến Bằng chia sẻ những đánh giá tích cực về giáo dục Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Hoài Tiến Bằng, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó có sự đóng góp quan trọng của giáo dục và đào tạo. Trong nhiều năm qua, quan hệ về giáo dục giữa Trung Quốc và Việt Nam được triển khai khá rộng, trên nhiều mặt và đạt được nhiều kết quả. Tăng cường giao lưu và hợp tác giáo dục là tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Trong đó, hai bên chú trọng tăng cường hợp tác bậc phổ thông và đại học.
Giới thiệu một số nét về giáo dục Trung Quốc, Bộ trưởng Hoài Tiến Bằng cho biết: Trung Quốc ưu tiên phát triển giáo dục và đưa giáo dục là một trong những ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế.
Giáo dục Trung Quốc đạt tiêu chuẩn các nước thu nhập cao và được người dân Trung Quốc đánh giá tốt. Hiện, Trung Quốc đã đạt được tiêu chuẩn phổ cập giáo dục đại học và có nhiều đại học nằm trong nhóm các đại học hàng đầu thế giới.
Bộ trưởng Hoài Tiến Bằng trao đổi về các đề nghị của Bộ GDĐT Việt Nam trên tinh thần nhất trí và sẽ hỗ trợ, đáp ứng các đề nghị. Trong đó, sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Trung; bồi dưỡng nhân lực trong ngành giao thông và đường sắt cao tốc; có thể hỗ trợ đào tạo các kỹ sư xuất sắc cho Việt Nam.
“Giáo dục kỹ thuật số sẽ là một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa hai nước. Chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục AI với Việt Nam”, trao đổi nội dung này, Bộ trưởng Hoài Tiến Bằng mời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sang thăm và tham gia một số diễn đàn chuyển đổi số trong giáo dục tại một số đại học của Trung Quốc, trước mắt là mời Bộ trưởng GDĐT Việt Nam tham dự Hội nghị Giáo dục số thế giới năm 2025.