Tiếp đón và làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam có ông Khưu Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thanh Hoa, cùng đại diện Ban giám hiệu và lãnh đạo các đơn vị của Đại học Thanh Hoa.
Quang cảnh buổi làm việc
Vui mừng tiếp đón đoàn công tác Bộ GDĐT, ông Khưu Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thanh Hoa chia sẻ, Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ khăng khít, thân thiết và sự hợp tác hiệu quả về giáo dục và đào tạo với vai trò quan trọng của hợp tác giáo dục đại học. Trong đó, Đại học Thanh Hoa đã có nhiều quan hệ hợp tác giáo dục quan trọng, ý nghĩa với các đại học Việt Nam.
“Chúng tôi đã có mối quan hệ hợp tác tốt với các đại học hàng đầu ở Việt Nam và mối quan hệ hợp tác này cần được duy trì, phát triển. Trước mắt, cần thống nhất triển khai diễn đàn hợp tác giáo dục thường niên giữa Đại học Thanh Hoa với các đại học khác của Việt Nam, đặc biệt là Đại học Quốc gia Hà Nội”, ông Khưu Dũng nói.
Cho biết, 100% sinh viên đến từ Việt Nam học ở Đại học Thanh Hoa đều đang được cấp học bổng; ngoài học bổng từ nhà nước, còn có học bổng từ thành phố Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, ông Khưu Dũng mong muốn tăng cường cấp thêm học bổng cho học sinh, sinh viên đến từ Việt Nam, mong muốn mở rộng giao lưu hợp tác với các đại học ở Việt Nam trong các lĩnh vực mới, tiên tiến như lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Ông Khưu Dũng và lãnh đạo Đại học Thanh Hoa tại buổi làm việc
Cũng theo ông Khưu Dũng, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa và thực hiện tốt các ký kết hợp tác giáo dục đại học giữa 2 nước.
Cảm ơn Ban giám hiệu Đại học Thanh Hoa đã đón tiếp và làm việc với đoàn công tác Bộ GDĐT, chia sẻ ấn tượng với các thành tựu của Đại học Thanh Hoa với lịch sử 110 năm, cũng như những thành tựu về đào tạo đội ngũ nhân lực tinh hoa và nghiên cứu khoa học của nhà trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng Đại học Thanh Hoa tiếp tục tăng hạng trong nhóm các đại học hàng đầu thế giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau hơn 15 năm kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện đến nay đã có những bước tiến nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực, bao gồm giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở Hiệp định hợp tác Giáo dục được ký kết giữa hai Chính phủ, hoạt động hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được mở rộng và phát triển, nội dung hợp tác ngày càng phong phú, đa dạng và là kim chỉ nam cho các địa phương và các trường đại học triển khai chương trình hợp tác.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ GDĐT tại buổi làm việc
Nhắc lại những nội dung đã hội đàm với Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc Hoài Tiến Bằng trước đó, Bộ trưởng cho biết: Hai bên đã thống nhất cao cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác giáo dục ở tất cả các cấp, để đến năm 2025 hoạt động hợp tác giáo dục giữa hai nước sẽ thực sự có chiều sâu. Thiết thực kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, phù hợp với khẳng định về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc trong tình hình mới của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và hai Chính phủ.
“Chúng tôi thống nhất dự kiến thành lập các diễn đàn giáo dục luân phiên thường niên hàng năm giữa các đại học của hai nước theo chủ đề từng năm”, Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời trân trọng cảm ơn Đại học Thanh Hoa đã dành nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam theo học tại trường và mong rằng nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này.
Bộ trưởng cũng đề nghị Đại học Thanh Hoa hỗ trợ đào tạo nhân tài cho Việt Nam ở các lĩnh vực mà Đại học Thanh Hoa có thế mạnh, gồm cả các lĩnh vực AI, công nghệ, kỹ thuật, các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn. Ưu tiên nhận du học sinh Việt Nam sang học ở môi trường nhiều du học sinh mơ ước, tăng cường giao lưu giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ông Khưu Dũng và các thành viên hai bên tại buổi làm việc
Có chính sách cấp học bổng cho công dân Việt Nam sang học những ngành mà Đại học Thanh Hoa có thế mạnh và Việt Nam đang rất cần cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: Khoa học môi trường, Kỹ thuật cầu đường, Kỹ thuật công nghiệp, Điện tử Thông tin, Công nghệ sinh học, Toán và Toán ứng dụng, ...
Đại học Thanh Hoa xem xét khả năng liên kết đào tạo hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam để hỗ trợ đào tạo tại chỗ nhân lực trình độ cao cho Việt Nam. Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển các đại học: quản lý phát triển, tầm nhìn, định hướng. Lập các chương trình đào tạo liên kết giữa Đại học Thanh Hoa và các trường đại học ở Việt Nam….
Theo kế hoạch, đoàn công tác của Bộ GDĐT còn làm việc với Đại học Giao thông Thượng Hải và Trung tâm đào tạo giáo viên của UNESCO tại Thượng Hải.
Đại học Thanh Hoa được thành lập năm 1911, nằm ở phía Tây Bắc của Bắc Kinh. Trường nằm trong số các đại học có khuôn viên đẹp nhất thế giới và nổi tiếng về đào tạo chất lượng cao tại Trung Quốc. Đại học Thanh Hoa có thư viện rộng rãi, hiện đại với hàng triệu tư liệu phục vụ sinh viên tra cứu, học tập. Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Thanh Hoa hiện có hơn 13.000 vật phẩm, bao gồm sáu loại: hội họa và thư pháp, dệt, gốm sứ, đồ nội thất, đồ đồng và nghệ thuật toàn diện. Khu phức hợp thể thao rộng 220.000 mét vuông, đáp ứng nhu cầu tập luyện cho hơn 100 môn thể thao khác nhau. Đại học Thanh Hoa luôn nằm trong số các trường có thứ hạng cao của các bảng xếp hạng các trường đại học danh giá nhất châu Á và thế giới. Kể từ khi Trung Quốc mở cửa với thế giới vào năm 1978, Đại học Thanh Hoa đã phát triển thành một đại học nghiên cứu toàn diện, là cái nôi sản sinh ra rất nhiều những tài năng, những nhà nghiên cứu khoa học có tiếng. Sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đều đảm nhiệm những vị trí cao tại những cơ quan, doanh nghiệp quốc tế. Nhận thấy môi trường đào tạo quốc tế hiện nay cực kỳ quan trọng đối với sinh viên nên Đại học Thanh Hoa rất chú trọng đến định hướng phát triển, giao lưu quốc tế, giao lưu văn hoá với các nước trên thế giới. Hiện nay trường mở rộng liên kết với rất nhiều trường lớn trên thế giới để tạo cho sinh viên có một môi trường học tập tốt nhất. Hiện nay, Đại học Thanh hoa có 14 trường trực thuộc và 56 khoa chuyên ngành đào tạo về khoa học, kỹ thuật, nhân văn, luật, y học, lịch sử, triết học, kinh tế, quản lý, giáo dục và nghệ thuật. Với hơn 25.900 sinh viên trong đó 13.100 sinh viên đại học và 12.800 sinh viên sau đại học. Không chỉ là trung tâm giáo dục đào tạo, Đại học Thanh Hoa còn là trung tâm nghiên cứu khoa học quan trọng của quốc gia, gồm có 1 Trung tâm nghiên cứu quốc gia, 18 Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 15 Trung tâm nghiên cứu công trình quốc gia, 15 Phòng thí nghiệm trọng điểm Bộ Giáo dục, 19 Phòng thí nghiệm trọng điểm thành phố Bắc Kinh. |