Sign In

Hội thảo Quốc tế VietTESOL tổ chức lần thứ 9 tại Việt Nam

21:06 26/08/2023
Trong 2 ngày (26-27/8), Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia phối hợp với Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy Tiếng Anh, Văn phòng tiếng Anh khu vực thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ và Học viện An ninh Nhân dân tổ chức Hội thảo Quốc tế VietTESOL năm 2023.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; đại diện Bộ GDĐT, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng hơn 650 chuyên gia, giảng viên, giáo viên đến từ các đơn vị, tổ chức, trường học, học viện trong và ngoài nước.

Các đại biểu dự Hội thảo

Năm nay, với chủ đề “Giảng dạy tiếng Anh hiệu quả trong thế kỷ 21”, hội thảo được tổ chức với mục tiêu tạo ra cơ hội tiếp cận, trao đổi nhiều quan điểm mới, đặc sắc trong dạy, học Tiếng Anh mang lại những tác động tích cực, nâng cao công tác nghiên cứu, dạy, học và thực hành tiếng Anh trong thực tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công An Trần Quốc Tỏ cho biết: Trong thời kỳ hội nhập quốc tế và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang trở thành những yếu tố quan trọng, quyết định đến sự phát triển, thành công của mỗi quốc gia, dân tộc. Một trong những yêu cầu và điều kiện đầu tiên mang tính tiên quyết, đặc biệt quan trọng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao là khả năng ngoại ngữ.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ GDĐT, Bộ Công an luôn coi trọng vấn đề này, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ nhằm đáo ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới, hội nhập. Đặc biệt, chú trọng đến mục tiêu đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu khai mạc hội thảo

Thứ trưởng Bộ Công an tin tưởng rằng, thông qua 3 nhóm nội dung cơ bản là: Chính sách mô hình, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy tiếng Anh và ngôn ngữ học ứng dụng; Áp dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập tiếng Anh; Bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên tiếng Anh, hội thảo sẽ làm tốt vai trò là diễn đàn kết nối, hướng tới xây dựng, phát triển một cộng đồng nghiên cứu, giảng dạy tiếng Anh bền chặt, không chỉ trong nước mà vươn ra tầm khu vực và quốc tế.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) Nguyễn Ngọc Hà nhận định: Thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19 với rất nhiều khó khăn nhưng cũng mở ra cơ hội mới, thách thức mới cho giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên và đặc biệt là cho các nhà quản lý giáo dục. Cơ hội và thách thức đó đòi hỏi cần tái thiết nền giáo dục để có thể ứng đáp tốt nhất với các vấn đề có thể xảy ra, chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho những thay đổi, phát triển vượt trội đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ… của thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ tại hội thảo

Trong bối cảnh đó, đối với các quốc gia cần sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ. Việc dạy, học tiếng Anh đóng vai trò rất quan trọng. “Tiếng Anh là ngôn ngữ lưu trữ kho tri thức khổng lồ nhất của nhân loại, là ngôn ngữ phổ biến nhất trong học tập, nghiên cứu và làm việc. Việc biết tiếng Anh thật sự tạo ưu thế vượt trội cho người sử dụng trong học tập và công tác”, ông Nguyễn Ngọc Hà cho hay.

Nhận định tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong việc xích lại mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ, bà Mary Elizabeth Rose Polley, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Việc sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp trên toàn cầu ngày càng được mở rộng, trong đó, các tổ chức quốc tế xem đây là ngôn ngữ chính. Do đó, đào tạo, phát triển, nâng cao trình độ chuyên môn trong việc dạy, học tiếng Anh là điều cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ trao chứng nhận cho Ban Tổ chức Hội thảo

Trong nhiều năm qua, Hội thảo Quốc tế VietTESOL đã và đang là một trong những hoạt động thường niên hàng đầu được tổ chức tại Việt Nam, là diễn đàn chuyên môn uy tín, nơi các nhà chuyên môn, các chuyên gia, các thầy cô giáo và các em sinh viên giao lưu, trao đổi kết quả nghiên cứu, ý tưởng, phương pháp… liên quan đến công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập tiếng Anh.

Với thời gian 2 ngày, hội thảo trải qua 5 phiên hội thảo toàn thể, 5 phiên thuyết trình chính, 36 phiên tiểu ban, nhiều phiên tham luận, thảo luận, tổ chức các hoạt động workshop của các đại biểu, đại diện, chuyên gia đến từ các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước nhằm trao đổi, góp ý, đề xuất, hoàn thiện các nội dung liên quan đến các vấn đề về nâng cao năng lực, kỹ năng, xây dựng phương pháp, tài liệu, học liệu dạy, học môn tiếng Anh tại Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.

Tag:

File đính kèm