Sign In

Hơn 60.000 ý kiến của giáo viên TPHCM góp ý dự thảo Luật Nhà giáo

16:43 21/06/2024
Ngày 21/6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM tổ chức Hội thảo tham vấn chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT, các thành viên Ban soạn thảo Luật Nhà giáo; lãnh đạo, chuyên viên Sở GDĐT TPHCM, các Phòng GDĐT quận, huyện, thành phố và đại diện các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập trên địa bàn TPHCM.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu mở đầu hội thảo, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết: TPHCM là một trong những địa phương có số lượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục lớn nhất cả nước. Trong thời gian qua, Sở GDĐT TP đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về dự thảo Luật Nhà giáo và đã nhận được hơn 60.000 ý kiến, trong đó đều đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật và góp ý chi tiết vào các quy định, chính sách trong dự thảo Luật.

Phát biểu định hướng hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh quan điểm quan trọng nhất khi xây dựng Luật Nhà giáo là để phát triển đội ngũ nhà giáo, nhà giáo được phát triển về số lượng, chất lượng, về không gian, môi trường làm việc chứ không phải thêm những ràng buộc để quản lý nhà giáo. “Nếu có thêm các quy định thì bản chất cuối cùng là làm sao để nhà giáo được thuận lợi về môi trường làm việc, về chế độ chính sách”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu định hướng tại hội thảo

Theo Thứ trưởng, xây dựng Luật Nhà giáo cần lắng nghe được ý kiến của 5 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học - các chuyên gia, nhà đào tạo - các cơ sở đào tạo giáo viên; nhà sử dụng và người thụ hưởng. Do đó, thời gian qua, Bộ GDĐT đã tổ chức nhiều hội thảo với nhiều góc độ để lắng nghe, tiếp thu, từng bước hoàn thiện dự thảo Luật.

Đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Sở GDĐT cùng các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của TPHCM khi tới thời điểm này đã có hơn 60.000 ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo, Thứ trưởng mong muốn các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục từ mầm non đến phổ thông của TPHCM trong cuộc hội thảo này sẽ trao đổi, góp ý thẳng thắn xuất phát từ chính mong muốn của bản thân, xuất phát từ thực tiễn thực hiện công việc. Và sau hội thảo, vẫn tiếp tục góp ý đề hoàn thiện dự thảo Luật với mục đích cao nhất là tháo gỡ được những vướng mắc, nút thắt hiện nay.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức và Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu chủ trì thảo luận

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến góp ý từ đại diện các Phòng thuộc Sở GDĐT, Phòng GDĐT huyện, thành phố; cán bộ quản lý trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp nghề, trường giáo dục chuyên biệt xung quanh chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Về chính sách tuyển dụng, sử dụng giáo viên, Trưởng Phòng GDĐT quận Gò Vấp và Trưởng Phòng GDĐT quận 3 đều có chung quan điểm ủng hộ quy định nội dung này trong dự thảo Luật. Trưởng Phòng GDĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh chia sẻ: Cán bộ, giáo viên trong ngành rất phấn khởi với dự thảo Luật Nhà giáo, dự thảo Luật thể hiện sự nhân văn, tôn trọng nhà giáo, gỡ rối được những khó khăn trong quá trình tuyển dụng, sử dụng, mang lại nhiều lợi ích.

Trưởng Phòng GDĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh trao đổi tại hội thảo

Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, công tác tuyển dụng giáo viên ở cấp quận hiện đang gặp khó khăn do phải thông qua Phòng Nội vụ. Việc tổ chức một kỳ tuyển dụng công phu, tốn kém, tuy nhiên thực tế do quy định của ngành Nội vụ là cho phép tuyển dụng dụng bất cứ thời điểm nào, người tuyển dụng có thể tham gia tuyển dụng nhiều nơi nên các Phòng GDĐT khi tuyển dụng rất bị động. Nhiều giáo viên khi tuyển dụng đã trúng tuyển ở quận này, sau đó tiếp tục trúng tuyển và lựa chọn làm việc ở quận khác dẫn tới bị động ở các phía tuyển dụng.

Từ đó, ông Thanh kiến nghị nên quy định tuyển dụng giáo viên mỗi năm một lần vào đầu năm học, hoặc thật cần thiết tuyển dụng thêm một lần nữa vào đầu học kỳ 2. Ngoài ra cần có quy định ràng buộc khi đã trúng tuyển không được tham gia tuyển dụng ở quận, huyện khác trong năm đó để không gây xáo trộn trong đội ngũ.

Trưởng Phòng GDĐT quận 3 Lê Minh Đạt đề nghị cho phép ngành giáo dục được tự chủ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Đồng thời, trong dự thảo Luật Nhà giáo cần có chính sách để thu hút và giữ chân đội giáo viên ở các môn học khó tuyển dụng.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận I, TPHCM trao đổi tại hội thảo

Cũng về quy định tuyển dụng, sử dụng giáo viên trong Luật Nhà giáo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận I, TPHCM bày tỏ ủng hộ cao với đề xuất trong dự thảo Luật về việc điều động, thuyên chuyển, biệt phái, bố trí giáo viên dạy liên trường. Bởi việc này sẽ giải quyết được bài toán thiếu giáo viên ở nhiều trường học hiện nay.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm trao đổi, góp ý tại hội thảo liên quan tới chứng chỉ hành nghề nhà giáo. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ và phân tích tích cực về quy định này như sẽ giúp giáo viên thuận lợi trong hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho những giáo viên đã nhiều tuổi nhưng vẫn có mong muốn cống hiến cho ngành giáo dục được làm nghề giáo… một số ý kiến đề nghị cần quy định về thời hạn cấp chứng chỉ, cần có quy định rõ hơn vê sử dụng chứng chỉ hành nghề, nhất là trong dạy thêm - học thêm…

Cô Đặng Thị Lệ Hằng - Trung tâm giáo dục khuyết tật huyện Bình Chánh trao đổi tại hội thảo

Đại diện cho hệ thống trường chuyên biệt, cô Đặng Thị Lệ Hằng - Trung tâm giáo dục khuyết tật huyện Bình Chánh góp ý cần đưa giáo viên giáo dục đặc biệt vào các quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo. Đánh giá điểm sáng của dự thảo Luật là quy định giáo viên mầm non được nghỉ hưu 55 tuổi, cô Đặng Thị Lệ Hằng mong muốn giáo viên giáo dục đặc biệt cũng được hưởng tuổi nghỉ hưu tương tự như vậy.

Với đại diện các trường ngoài công lập, các ý kiến chia sẻ vui mừng, ủng hộ khi dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều nội dung quy định về chính sách và quyền lợi của giáo viên, không phân biệt loại hình cơ sở giáo dục công lập, tư thục; quy định chứng chỉ hành nghề cũng tạo điều kiện cho giáo viên nước ngoài được ghi nhận đầy đủ nếu đáp ứng điều kiện theo quy định.

Theo bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Vinschool, điểm sáng của dự thảo Luật Nhà giáo là dành sự quan tâm cho giáo viên ngoài công lập, giáo viên người nước ngoài. Bà Lê Thị Ngọc Điệp mong muốn, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện các quy định để đảm bảo khi Luật ban hành sẽ đáp ứng được mong mỏi của nhà giáo.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, chuyên gia giáo dục trao đổi về một số nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo

Các nội dung khác trong dự thảo Luật Nhà giáo như thống nhất về quy định thuyên chuyển giáo viên, quy định về xử lý vi phạm của nhà giáo, quy định bồi dưỡng cho giáo viên về đổi mới khoa học, công nghệ, quy định chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục… cũng nhận được quan tâm góp ý tại hội thảo.

Các ý kiến tại Hội thảo tham vấn chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo do Sở GDĐT TPHCM tổ chức sẽ được Ban biên soạn ghi nhận, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện Luật Nhà giáo.

Tag:

File đính kèm