Sign In

Hội nghị Giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên toàn quốc

14:58 06/12/2024
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Ngày 6/12, tại Trường Đại học Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên toàn quốc.

Dự hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, Sở GDĐT và giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên trong toàn quốc.

Quang cảnh hội nghị

Luật Giáo dục 2019 quy định hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, giáo dục thường xuyên là một hệ thống cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân với hệ thống 19.391 cơ sở giáo dục thường xuyên gồm: Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Học tập cộng đồng và các Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.

Trung tâm thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên gồm: Chương trình xóa mù chữ; chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp; chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.

Giáo dục thường xuyên hướng tới tạo ra hệ sinh thái giáo dục linh hoạt, bền vững và hiệu quả

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên Hoàng Đức Minh cho biết: Trong 3 năm gần đây, số lượng các Trung tâm ổn định về quy mô và số lượng. Đặc biệt, đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập từ các trung tâm cấp huyện đến nay hoạt động đã từng bước đi vào ổn định.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh báo cáo tại hội nghị

Năm học 2023-2024 cả nước có 92 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 526 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; số phòng học và phòng chức năng tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là 10.658; phòng thí nghiệm, thư viện, máy tính là 4.438. Cơ bản đến nay điều kiện cơ sở vật chất của các trung tâm đã đảm bảo tối thiểu cho việc dạy học các chương trình giáo dục thường xuyên.

Thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên, năm học 2023-2024, cả nước đã huy động được 90.508 học viên tham gia học các lớp xoá mù chữ, tăng gần 2,8 lần số học viên so với năm học trước trong đó học viên là người dân tộc thiểu số chiếm 93,73%.

Năm học 2023-2024, số lượt người học tham gia các lớp chuyên đề phổ biến cập nhật kiến thức, kỹ năng và các lớp bồi dưỡng thường xuyên khác tại Trung tâm học tập cộng đồng và Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là 23.677.962 lượt người học (tăng 7.266.436 lượt người học so với năm học 2022-2023).

Các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên đã đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho khoảng hơn 1.187.701 lượt người học.

Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội Nguyễn Văn Trào phát biểu chào mừng hội nghị

Cùng với đổi mới Giáo dục phổ thông 2018, giáo dục thường xuyên cũng đồng bộ triển khai thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên tương ứng với các cấp học của Chương trình phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết 29/NQ/TW.

Chương trình xoá mù chữ được ban hành (tương đương với cấp Tiểu học), Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT được ban hành  (tương đương từ lớp 6 đến lớp 12). Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học và các Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp được Bộ GDĐT ban hành đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người dân.

Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên có vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập. Trung tâm không chỉ cung cấp cơ hội học tập cho mọi đối tượng mà còn giúp nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, tạo ra môi trường học tập suốt đời, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

Mặc dù Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập và phát triển nguồn nhân lực, nhưng cũng có một số hạn chế cần phải được khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm này. Đó là, chất lượng giáo dục chưa đồng đều; cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu thốn; khả năng cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; một số địa phương còn thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra chất lượng giảng dạy và học tập hiệu quả…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Vụ trưởng Hoàng Đức Minh chủ trì phần thảo luận

Theo ông Hoàng Đức Minh, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của giáo dục thường xuyên là do nhận thức của xã hội về giáo dục thường xuyên còn hạn chế, nguồn lực tài chính đầu tư cho quy mô phát triển Trung tâm còn hạn hẹp, thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn giáo dục thường xuyên, chương trình đào tạo chưa linh hoạt và chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, cơ sở vật chất và trang thiết bị lạc hậu, đặc biệt là ở vùng nông thôn và miền núi, thiếu sự đổi mới và ứng dụng công nghệ trong giáo dục, công tác chỉ đạo trực tiếp tại các địa phương chưa có sự phân hóa đối với từng vùng miền.

“Chính sách phát triển Trung tâm trong thời gian tới cần tập trung vào việc tạo ra một hệ sinh thái giáo dục linh hoạt, bền vững và hiệu quả, với sự kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Các giải pháp chính sách phải hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện học tập cho mọi đối tượng, cũng như đảm bảo rằng các trung tâm có thể cung cấp những chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp với nhu cầu thay đổi của xã hội và thị trường lao động”, ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh.

Phát huy hơn nữa “dư địa” của giáo dục thường xuyên

Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở GDĐT, Giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên đã trao đổi về kết quả quản lý, kinh nghiệm hoạt động, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các giải pháp để khắc phục khó khăn, phát huy hơn nữa “dư địa”, hiệu quả của giáo dục thường xuyên với phát triển giáo dục, đào tạo và xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Phó Giám đốc Sở GDĐT thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam trao đổi tại hội nghị

Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm để triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng hoạt động hiệu quả các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở GDĐT thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam cho biết: Trước tiên cần phải nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT, kịp thời hướng dẫn các trung tâm triển khai thực hiện đồng bộ, tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo tổ chức các chương trình giáo dục thường xuyên đúng quy định.

Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành giáo dục thành phố với các địa phương trên địa bàn trong công tác quản lý các trung tâm, quan tâm đầu tư, cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng điều kiện tổ chức các chương trình giáo dục thường xuyên.

Tăng cường công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên Tổ chức các kỳ thi, hội thi cấp thành phố, tạo sân chơi riêng cho học viên giáo dục thường xuyên, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, cập nhật những phương pháp giảng dạy mới, góp phần xây dựng uy tín và thương hiệu cho các trung tâm, thúc đẩy các trung tâm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục thường xuyên, chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức dạy và học.

Ông Nguyễn Quang Thuận, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La

Từ phân tích thực tế những nỗ lực, kết quả, khó khăn của giáo dục thường xuyên thời gian qua, ông Nguyễn Quang Thuận, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La mong muốn mỗi người làm giáo dục thường xuyên sẽ có “nhãn quan” rộng hơn để thấy có rất nhiều việc để làm. Mong muốn lãnh đạo địa phương sẽ tiếp tục dành sự quan tâm cho giáo dục thường xuyên. Bộ GDĐT có các chính sách ưu việt cho giáo dục thường xuyên, có thêm nhiều hội nghị lớn để anh em giáo dục thường xuyên được trao đổi, chia sẻ và đưa giáo dục thường xuyên ngày càng phát triển.

Trong bối cảnh chung nhiều khó khăn song Trung tâm giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp để đạt được nhiều kết quả quan trọng, theo ông Trần Lam Sơn - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh Nghệ An, kết quả đó xuất phát từ một số yếu tố như: Tư duy năng động, hành động quyết liệt, tạo đồng thuận trong nội bộ, nhạy bén với nhu cầu của người học, hiện đại hóa điều kiện dạy học, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý và phục vụ, tối ưu hóa các hình thức truyền thông, quảng bá…

Ông Trần Lam Sơn - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh Nghệ An,

Trao đổi về công tác tự chủ đối với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, ông Hoàng Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Hải Dương cho biết: Chính sách tự chủ tài chính đã mang lại những thay đổi quan trọng trong cách thức hoạt động tài chính của các Trung tâm giáo dục thường xuyên như, tăng cường tính chủ động trong quản lý, có quyền tự quyết định về các vấn đề tài chính, khuyến khích các trung tâm tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn thu nhập…

Khẳng định tự chủ là cần thiết để giáo dục thường xuyên phát triển, ông Hoàng Tiến Dũng kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế chính sách và khung pháp lý để hỗ trợ các Trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Đồng thời, cần có chính sách đào tạo chuyên biệt về đội ngũ cung cấp cho hệ thống giáo dục thường xuyên để đảm bảo nguồn nhân lực về lâu dài cho hệ thống.

Đại biểu trao đổi tại hội nghị

Mong muốn sớm có chính sách thống nhất về quản lý và phân cấp đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là trao đổi, mong mỏi của đại diện các địa phương. Sự liên kết giữa các Trung tâm giáo dục thường xuyên với các trường cao đẳng, dạy nghề; chế độ tuyển dụng, chính sách cho cán bộ, giáo viên giáo dục thường xuyên hiện còn khó khăn cũng là kiến nghị của địa phương mong được tháo gỡ.

Điều chỉnh tâm thế, tư duy, cách làm để chuẩn bị cho đổi mới sắp tới

Tổng hợp các nhóm vấn đề lớn được quan tâm trao đổi và kiến nghị tại hội nghị như vai trò của Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, quản trị mô hình giáo dục thường xuyên, chính sách, định biên giáo viên, mô hình quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, chuyên môn, học liệu số… Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ GDĐT ghi nhận, tổng hợp giải đáp và tham mưu chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định lại vai trò lịch sử của giáo dục thường xuyên trong quá khứ, đó là lịch sử dài, vẻ vang và có đóng góp to lớn cho đất nước; từ phong trào xoá mù chữ, bình dân học vụ ngay khi đất nước giành độc lập, tới hình thành các trường bổ túc văn hoá và sau đó là hệ thống giáo dục thường xuyên.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới vai trò của giáo dục thường xuyên trong quá trình phát triển, đổi mới giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, cũng từ nhấn mạnh này, Bộ trưởng cho rằng, cần phải làm nổi bật hơn nữa, trong đổi mới giáo dục 10 năm qua, giáo dục thường xuyên đổi mới được đến đâu, trong tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện, hợp phần, thực thể, giáo dục thường xuyên rất quan trọng.

“Giáo dục thường xuyên đã vượt khó, đã nỗ lực, đã làm được nhiều việc, nhưng thẳng thắn rằng sự đổi mới ở mảng giáo dục thường xuyên còn vừa phải và còn nhiều việc phải làm phía trước. Mục tiêu đặt ra là đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cho tương xứng với đổi mới của toàn ngành”, Bộ trưởng nhận định, đồng thời cho rằng, đã đến lúc có các khảo sát, đánh giá cần thiết về giáo dục thường xuyên và cuộc hội nghị hôm nay có tính chất đặt vấn đề để sau đây bắt tay nhiều hơn vào một chặng đường đổi mới với giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp.

Thẳng thắn chỉ ra rằng sự quan tâm dành cho giáo dục thường xuyên còn ở mức vừa phải, cho nên theo Bộ trưởng, trước mắt một trong những vấn đề cần bàn là đánh giá, định vị, nhận thức lại để có thái độ, ứng xử cần có đối với giáo dục thường xuyên từ bên ngoài, bên trong và từ trên xuống dưới.

Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến “nhận thức, thái độ từ chính chúng ta”. “Nếu bản thân chúng ta không coi việc của chúng ta quan trọng sẽ không thuyết phục được ai, không thuyết phục được xã hội. Xã hội càng phát triển, đất nước càng giàu có, đời sống càng thay đổi, nhu cầu học tập kiến thức mới, kỹ năng mới để thích ứng lại càng lớn, chỉ là chúng ta có thấy mình quan trọng hay không”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng nhắc tới yêu cầu cần có kế hoạch đổi mới về cách thức, quản trị, chính sách, đầu tư… với mảng giáo dục thường xuyên để cung cấp nhân lực trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Chỉ ra hàng loạt công việc mà giáo dục thường xuyên sẽ phải tiếp tục làm “nòng cột”, Bộ trưởng nhắc tới việc vẫn phảỉ tích cực thực hiện xoá mù chữ, tái mù ở người trưởng thành; tích cực trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời và chuẩn bị cho xây dựng Luật học tập suốt đời.

Với chỉ đạo “Trung tâm giáo dục thường xuyên phải làm nòng cột, chỗ dựa cho các Trung tâm học tập cộng đồng”, Bộ trưởng nhắc tới những việc mới của giáo dục thường xuyên. Đó là chuẩn bị cho phong trào bình dân học vụ số, “xoá mù số”, phổ cập số; đó là cùng với toàn bộ hệ thống giáo dục triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học…

“Vì nhiều nòng cột nên có rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên bám rất sát với địa phương, nắm bắt chiến lược phát triển, nhu cầu nhân lực của địa phương. Các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng cần quan tâm tổ chức mô hình đa dạng, linh hoạt, phát huy hơn nữa giáo dục cá thể hoá…

“Rất mong các Giám đốc Trung tâm chủ động đề xuất chính sách, mô hình, mạnh dạn đổi mới, thí điểm đổi mới… Giáo dục thường xuyên cần điều chỉnh tâm thế, tư duy, cách làm, bắt tay chuẩn bị cho giai đoạn đổi mới sắp tới”, Bộ trưởng chia sẻ.

Tag: