Dự buổi lễ có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, các Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và Hội Khuyến học Việt Nam.
Quang cảnh lễ ký kết
Chương trình phối hợp giữa Bộ GDĐT với Hội Khuyến học Việt Nam nhằm mục đích tăng cường sự phối hợp giữa hai bên trong thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Quyết định 1373, Quyết định 387, Quyết định 677 và Quyết định 1315 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông qua việc phối hợp tổ chức các hoạt động tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hội viên về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; về vị trí, vai trò của việc học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh 3 chức năng của Hội khuyến học Việt Nam là khuyến khích, thúc đẩy toàn dân học tập suốt đời, hỗ trợ, giáo dục trong và ngoài nhà trường và liên kết, phối hợp, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Từ đó khẳng định, 3 chức năng này đã được Hội Khuyến học cụ thể hoá đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước trong suốt gần 28 năm qua.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi lễ
Nhắc lại sự nghiệp giáo dục của đất nước trong từng thời kỳ, bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, giai đoạn hiện nay khi giáo dục đang triển khai đổi mới theo hướng mở là khó hơn với ngành giáo dục; bởi bối cảnh mới, giáo dục và đào tạo con người không chỉ giữ vững bản sắc mà còn hội nhập quốc tế, trở thành những công dân toàn cầu. Bà Nguyễn Thị Doan cũng đánh giá, tổng kết 10 năm Nghị quyết 29 cho thấy những việc ngành Giáo dục đã làm được là vô cùng lớn và trong đó có sự đóng góp, đồng hành của Hội Khuyến học Việt Nam.
Dùng hình ảnh “Bộ GDĐT là người kéo, Hội Khuyến học là người đẩy”, bà Nguyễn Thị Doan chia sẻ, trong thời gian tới, cần tìm mọi biện pháp thúc đẩy sự học; thực hiện tốt phong trào xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời thông qua các mô hình học tập, phong trào thi đua.
Bà Nguyễn Thị Doan đề nghị hai bên Bộ GDĐT và Hội Khuyến học Việt Nam thành lập Ban Khuyến học làm đầu mối điều hành để triển khai và đạt được các tiêu chí về công dân học tập, xã hội học tập.
Khẳng định việc ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ GDĐT và Hội Khuyến học Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, bà Nguyễn Thị Doan mong muốn sẽ có nhiều hơn sự thấu hiểu về xã hội học tập, học tập suốt đời qua đó thực hiện tốt chương trình phối hợp này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ
Cảm ơn những phát biểu tâm huyết, sâu sắc của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo, các hội viên Hội Khuyến học Việt Nam về những đóng góp, hỗ trợ hiệu quả cho Bộ GDĐT và ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua.
Bộ trưởng cho biết, ngành Giáo dục đang trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện, có nghĩa là đang trong cuộc cải cách mạnh mẽ với rất nhiều sự đổi mới, từ giáo dục mầm non, phổ thông tới giáo dục đại học, sau đại học. Một trong những điểm quan trọng của sự đổi mới đó là xây dựng một nền giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
“Trong quá trình thực hiện đổi mới, Bộ GDĐT ý thức sâu sắc những việc đã, đang và sẽ làm luôn cần sự chung tay, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trong đó có Hội Khuyến học Việt Nam”, nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng khẳng định, thời gian qua giữa Bộ GDĐT và Hội Khuyến học Việt Nam đã có nhiều phối hợp. Hội đã quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ, ủng hộ trong nhiều hoạt động của ngành, như tổng kết Nghị quyết 29, đổi mới giáo dục phổ thông, đổi mới giáo dục đại học, đội ngũ giáo viên, biên chế giáo viên, giáo dục thường xuyên…
Trong bối cảnh đổi mới, Bộ trưởng chia sẻ, sự quan tâm tới giáo dục dục thường xuyên cần phải tăng cường hơn nữa; phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời là công việc lâu dài, là triết lý giáo dục của thời đại mới, do đó cũng cần phải quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan ký kết Chương trình phối hợp
Bộ trưởng mong muốn, phối hợp 2 bên thời gian qua đã tốt sẽ tốt hơn nữa, đã mạnh mẽ sẽ mạnh mẽ thêm, bởi đây là giai đoạn quan trọng rất cần thúc đẩy cho sự đổi mới giáo dục và đào tạo.
5 nội dung cụ thể của Chương trình phối hợp gồm: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia; định hướng của Bộ GDĐT, của Hội Khuyến học Việt Nam về đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, về chính sách phát triển giáo dục thường xuyên, phục vụ việc học tập của người lớn, thúc đẩy học tập suốt đời, góp phần tích cực trong việc xây dựng xã hội học tập và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Xây dựng các diễn đàn về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GDĐT và Hội Khuyến học Việt Nam. Lồng ghép nội dung khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào các lĩnh vực công tác, các phong trào thi đua thuộc nhiệm vụ chuyên môn do cơ quan phát động trong hệ thống.
Phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai Quyết định số 324/QĐ-HKHVN ngày 25/10/2023 của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ban hành Bộ tiêu chí và hướng dẫn công nhận danh hiệu “Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030; Thông tư số 24/2023/TT-BGDĐT ngày 11/12/2023 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh và Thông tư số 25/2023/TT-BGDĐT ngày 27/12/2023 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Quy định về đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh.
Chương trình phối hợp giữa Bộ GDĐT và Hội Khuyến học Việt Nam gồm 5 nội dung cụ thể
Phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của Ban/tổ chức khuyến học và vận động xây dựng Chương trình khuyến học, khuyến tài trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học nhằm thực hiện các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong nhà trường; xây dựng Nhà trường để được công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, cấp tỉnh.
Phối hợp lựa chọn, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong học tập, giảng dạy, và quản lý của ngành Giáo dục, trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (trao giải thưởng “Nhân tài đất Việt”; trao học bổng “Học không bao giờ cùng”,…) qua đó tạo sự lan tỏa, khích lệ, góp phần thực hiện thành công chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Bộ GDĐT và Hội Khuyến học Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn Sở GDĐT, Hội khuyến học các tỉnh, thành phố tổ chức ký kết Chương trình phối hợp; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình phối hợp; định kỳ hằng năm tổ chức sơ kết đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp.