Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Nguyễn Thanh Đề
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Phó trưởng Ban Tổ chức ASG lần thứ 13 trong cuộc trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Bộ GDĐT chiều 31/5, một ngày trước khi diễn ra lễ khai mạc sự kiện thể thao này.
Xin ông chia sẻ về ý nghĩa của Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 cũng như thông điệp mà nước chủ nhà Việt Nam muốn gửi gắm qua sự kiện này?
Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á (ASEAN Schools Games - ASG) lần thứ 13 là sự kiện thể thao học đường lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN rất quan tâm. Việc tổ chức Đại hội vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của các quốc gia thành viên.
Đây là dịp để đánh giá toàn diện về thực trạng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, sự kiện này còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao và du lịch; góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân ta với nhân dân các nước ASEAN.
Đoàn thể thao các nước đã đến Đà Nẵng để tham dự Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13
ASG lần thứ 13 là cơ hội để các thầy cô giáo, các em vận động viên học sinh được giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ tổ chức và thành tích chuyên môn trong thể thao học đường, thúc đẩy sự quan tâm chung tay của nhà trường, gia đình, cộng đồng xã hội vì sứ mệnh nâng cao thể chất, tầm vóc người Việt Nam.
Với thông điệp “Kết nối cùng toả sáng”, nước chủ nhà Việt Nam mong muốn ASG lần thứ 13 không chỉ là nơi tôn vinh tài năng thể thao mà còn kết nối học sinh các quốc gia trong khu vực, cùng đoàn kết vì một thế hệ trẻ Đông Nam Á hội nhập và phát triển.
Ban Tổ chức đã có sự chuẩn bị như thế nào và điểm nhấn của Đại hội này là gì?
Với vai trò nước chủ nhà, Việt Nam đã sẵn sàng cho ASG lần thứ 13. Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo từ khâu tổ chức, hậu cần, an ninh, công nghệ…; hệ thống hình ảnh nhận diện chuyên nghiệp; đồng thời Đại hội cũng nhận được sự quan tâm, đồng hành của đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông ở Trung ương, thành phố Đà Nẵng và nhiều địa phương khác trong cả nước.
Khởi tranh môn Bóng rổ tại Nhà thi đấu đa năng Trung tâm Thể thao Đại học Đà Nẵng, ngày 31/5
Song song với hoạt động thi đấu, Đại hội hướng tới việc tăng cường sự giao lưu, hội nhập giữa các nước trong khu vực thông qua các hoạt động trải nghiệm đa dạng, các hội thảo nhằm thảo luận, nghiên cứu thúc đẩy phong trào thể thao học đường và phát triển thể lực cho học sinh Đông Nam Á.
Diễn ra tại thành phố biển Đà Nẵng vào thời điểm đẹp nhất trong năm, chuỗi hoạt động của Đại hội sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa, du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Thông qua việc tổ chức các sự kiện thể thao như Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á, ngành giáo dục sẽ có những định hướng gì để phát triển thể thao học đường trong thời gian tới?
Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh coi trọng phát triển thể chất để phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ cho học sinh.
Tổng duyệt chuẩn bị cho lễ Khai mạc Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 vào ngày 1/6
Trong những năm qua, Bộ GDDT đã triển khai các chương trình, hoạt động nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên cho học sinh; gắn giáo dục thể chất, thể thao trường học với giáo dục ý chí, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống nhằm phát triển đội ngũ nhân lực có trí tuệ phát triển cao, thân thể cường tráng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam lần này là cơ hội để các em vận động viên - học sinh được giao lưu, học hỏi, nâng cao thành tích chuyên môn của thể thao trường học. Đại hội cũng là cơ hội để lan toả thông điệp đến nhà trường, gia đình, cộng đồng xã hội nhằm chung tay vì sứ mệnh nâng cao thể chất, tầm vóc người Việt Nam, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”.
Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kế hoạch tổ chức các sự kiện thể thao học đường một cách thường xuyên, khoa học, phù hợp với thể chất của học sinh, tạo môi trường cho các em phát triển toàn diện.
Xin cảm ơn ông!
VIỆT NAM ĐẶT MỤC TIÊU LỌT VÀO TOP 3 Đoàn Thể thao học sinh Việt Nam tham dự ASG 13 có 176 huấn luyện viên, vận động viên; tranh tài ở tất cả 6 môn của Đại hội gồm: Điền kinh, pencak silat, vovinam, bơi, bóng rổ, cầu lông. Mỗi vận động viên khi góp mặt đều mang trách nhiệm lớn với chuyên môn, sự vinh dự của bản thân và ý thức mình là một đại sứ cho thể thao học sinh Việt Nam giao lưu trước các bạn bè của khu vực. Tại buổi lễ xuất quân của Đoàn Thể thao học sinh Việt Nam tổ chức vào chiều 30/5, ông Trần Văn Lam, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GDĐT), Trưởng đoàn cho biết, mục tiêu của Đoàn thể thao học sinh Việt Nam là lọt vào top 3 đoàn có thành tích tốt nhất tại Đại hội lần này. Trải qua 12 lần tổ chức, Đoàn thể thao học sinh Việt Nam đã giành tổng số 209 huy chương vàng, 149 huy chương bạc và 141 huy chương đồng. Lần gần nhất Việt Nam đăng cai Đại hội là năm 2013, chúng ta giành 50 huy chương vàng, 27 huy chương bạc và 23 huy chương đồng, xếp thứ nhất toàn đoàn. |