Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chủ trì buổi giao ban Quý I/2023, sáng nay (31/3)
Cần nỗ lực hơn nữa mới có thể hoàn thành nhiệm vụ năm
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà toàn Ngành đã đạt được trong 3 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng 1 lần nữa nhấn mạnh, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của từng cá nhân trong các cơ quan, đơn vị.
"Trong quá trình làm việc cũng như từ kết quả phản ánh đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt rất tốt từ ý thức, trách nhiệm đến phương pháp thực hiện nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo đến người lao động từng cơ quan, đon vị", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận.
Bên cạnh đó, tại buổi Giao ban, sau khi nghe báo cáo tổng thể do Chánh Văn phòng Bộ GTVT Uông Việt Dũng trình bày, cùng các báo cáo chuyên đề của các đồng chí lãnh đạo các Vụ tham mưu, các Cục quản lý chuyên ngành cũng như ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, ghi nhận và chỉ rõ từng nhiệm vụ của Quý II/2023 và từ nay đến cuối năm.
Theo Bộ trưởng, đối với lĩnh vực hoạt động vận tải, mặc dù các con số cho thấy vận tải hành khách tăng cao so với cùng kỳ các năm nhưng vận tải hàng hóa lại giảm mạnh. Bộ trưởng cũng chỉ rõ các cơ quan liên quan tập trung vào các giải pháp trước mắt và lâu dài, để rút kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn.
Đối với công tác giải ngân, theo Bộ trưởng, “dù thành tích là đã nhìn thấy là rất tốt nhưng cần phải xác định rõ, giá trị đã giải ngân đạt được đang tập trung phần lớn vào tạm ứng hợp đồng của các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Thách thức đặt ra trong tháng 4 và các tháng tiếp theo là chủ đầu tư, nhà thầu phải đổi mới cách làm, tập trung nguồn lực để hoàn ứng và tạo ra khối lượng giải ngân mới, tuyệt đối không được chủ quan”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ.
Từ đó, Bộ trưởng chỉ đạo các chủ đầu tư/ban QLDA hoàn thành và đưa vào khai thác một số dự án cao tốc thành phần: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây trong tháng 4/2023 theo đúng kế hoạch. Song song với đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA cũng phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GPMB, vật liệu đảm bảo tiến độ triển khai các dự án theo đúng yêu cầu, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Riêng các dự án đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Các tuyến Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoàn chỉnh thủ tục về đầu tư xây dựng, sớm khởi công các dự án trước ngày 30/6 theo yêu cầu.
“Đồng thời, các cơ quan liên quan phải phối hợp với các địa phương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án cao tốc: Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP.HCM - Chơn Thành”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Đối với công tác đăng kiểm, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi do có sự nỗ lực từ chính cán bộ đăng kiểm, các cơ quan của Bộ và hỗ trợ từ các cơ quan, bộ ngành khác, công tác này sẽ dần đi vào hoạt động ổn định sau khi giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, Bộ GTVT đã kịp thời ban hành Thông tư 02/2023 sửa đổi Thông tư 16/2021 về kiểm định xe cơ giới, cơ bản giải quyết tình trạng ùn tắc đăng kiểm, đạt được sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp.
“Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn nghiên cứu, trình dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 139/2018 quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Nghị định này được sửa đổi sẽ góp phần xử lý triệt để các tồn tại của đăng kiểm”, Bộ trưởng nói đồng thời yêu cầu, mạng lưới trung tâm đăng kiểm cũng cần tập trung vào các thành phố lớn, có nhu cầu cao như: Hà Nội, TP.HCM, TP.Hải Phòng. Quá trình thực hiện, trung tâm nào vi phạm sẽ yêu cầu đóng cửa ngay.
3 tháng đầu năm, Bộ GTVT giải ngân cao hơn mức bình quân chung cả nước
Báo cáo tại cuộc họp giao ban quý 1/2023 của Bộ GTVT sáng nay (31/3), ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Vụ KHĐT) cho biết, tính đến ngày 31/3/2023, Bộ GTVT giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng, đạt hơn 18% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (đạt khoảng 14%).
“Tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ GTVT cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%), là một trong hai bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%”, ông Thái thông tin, đồng thời cho biết, giá trị giải ngân 3 tháng đầu năm tập trung ở các dự án cao tốc Bắc Nam với giá trị 11.198 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 80% giá trị giải ngân của cả Bộ GTVT.
Cụ thể, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân 2.227 tỷ đồng, đạt 12,5% kế hoạch năm.
Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân 11.199 tỷ đồng, đạt 24,8% kế hoạch năm.
Các dự án trọng điểm, cấp bách, giải ngân gần 98 tỷ đồng, đạt 4,3% kế hoạch năm.
Các dự án ODA giải ngân xấp xỉ 485 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch năm.
Các dự án trong nước khác giải ngân 2.997 tỷ đồng, đạt 14,3% kế hoạch năm.
Xét theo nhóm chủ đầu tư, ban QLDA, giá trị giải ngân tập trung ở các chủ đầu tư, ban QLDA thuộc Bộ với giá trị giải ngân gần 16.900 tỷ đồng, đạt 19,6% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 99,3% giá trị đã giải ngân của Bộ GTVT.
"Các chủ đầu tư khác tiến độ giải ngân đã có chuyển biến trong tháng 3 nhưng vẫn rất chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Trong đó, có 8/23 chủ đầu tư giải ngân với giá trị khoảng hơn 112 tỷ đồng, đạt trung bình 5% kế hoạch giao, gồm: VEC, Sở Đồng Tháp, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn và Lào Cai. Có 15/23 chủ đầu tư chưa giải ngân, kế hoạch vốn bố trí cho các chủ đầu tư này chủ yếu phục vụ hoàn ứng và quyết toán dự án.
Riêng dự án tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột do Ban QLDA công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk là chủ đầu tư có khối lượng và công địa thi công, song, tiến độ triển khai chậm, từ đầu năm đến nay chưa thực hiện giải ngân”, lãnh đạo Vụ KH-ĐT thông tin.
Nhận định thời gian tới tình hình kinh tế tiếp tục có diễn biến khó lường, tốc độ tăng lạm phát vẫn ở mức cao, giá vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao, đặc biệt là giá cát khu vực miền Trung, lãnh đạo Vụ KH-ĐT cũng đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu lường trước các khó khăn, xây dựng kế hoạch tập kết vật liệu xây dựng dự phòng trong trường hợp biến động mạnh giá vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công các dự án, công trình giao thông trọng điểm.
Được biết, Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 94.161 tỷ đồng. Đến nay, Bộ GTVT đã giao chi tiết cho các dự án với tổng số 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%).
Cần hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công 10 dự án, hoàn thành 9 dự án
Cũng tại buổi Giao ban, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng ông Lê Quyết Tiến cho biết, theo kế hoạch, trong quý 2/2023, các chủ đầu tư/ban QLDA cần hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công 10 dự án, hoàn thành 9 dự án.
Riêng tháng 4/2023, có 2 dự án sẽ được khởi công, gồm: dự án cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Km90-Km108 địa bàn tỉnh Gia Lai; Dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc.
Bên cạnh đó, 5 dự án sẽ được hoàn thành, gồm: dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 các đoạn: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây; Tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau; Cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ TX Ngã Bảy (nay là TP Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
“Về công tác chuẩn bị đầu tư, trong quý 2/2023, các chủ đầu tư/ban QLDA cũng cần tập trung chỉ đạo tư vấn thiết kế phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư để phê duyệt 11 dự án trong quý 2/2023 theo kế hoạch.
Riêng tháng 4/2023, có 5 dự án cần phê duyệt, gồm: Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tích hợp phục vụ chuyển đổi số Cục Đường thuỷ nội địa VN; Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ GTVT giai đoạn 2021-2025; Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải”, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết.
Trước đó, trong quý 1/2023, Bộ GTVT đã hoàn thiện thủ tục, khởi công 6/6 dự án theo đúng kế hoạch, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; Dự án cải tạo, nâng cấp QL14E đoạn Km15+270-Km89+700, tỉnh Quảng Nam; Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Dự án cải tạo trụ sở Bộ GTVT tại 80 Trần Hưng Đạo.
Đổi mới tư duy, làm việc nào dứt điểm việc đó, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Chánh văn phòng Bộ GTVT Uông Việt Dũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư, ban QLDA phải đổi mới tư duy, cách làm với phương châm làm việc nào dứt điểm việc đó, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
“Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và các Thứ trưởng dành nhiều thời gian đi kiểm tra, chỉ đạo hiện trường, làm việc với lãnh đạo các địa phương nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, trong đó tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án phải hoàn thành trước 30/4/2023 và trong năm 2023, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...”, Chánh Văn phòng Bộ cho biết.
Chánh Văn phòng Bộ Uông Việt Dũng báo cáo tình hình hoạt động toàn Ngành Quý I/2023
Đồng thời, theo ông Uông Việt Dũng, lãnh đạo Bộ GTVT đã tiếp thu, giải quyết ngay kiến nghị để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền trong lĩnh vực GTVT, phối hợp và hướng dẫn các địa phương được giao là cơ quan chủ quản các dự án cao tốc. Trong quý I/2023, Bộ GTVT đã hoàn thiện thủ tục, khởi công 6/6 dự án.
Về tiến độ giải ngân các dự án, Bộ trưởng đã chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác đầu tư xây dựng; xây dựng danh mục các dự án trong giai đoạn 2023 - 2030 để chuẩn bị hội nghị xúc tiến kêu gọi nguồn lực đầu tư; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt đến từng cá nhân, tổ chức tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng.
"Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chủ trì nhiều cuộc họp, làm việc với tập thể lãnh đạo các ban QLDA để quán triệt, nhận diện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, ban hành chỉ thị tăng cường kiểm soát chất lượng các dự án do Bộ GTVT quản lý", ông Uông Việt Dũng thông tin.
Ông Uông Việt Dũng cho biết thêm, trong Quý II/2023, công tác đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục là một trọng tâm quan trọng trong công tác của Bộ GTVT.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm tra hiện trường để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án, đặc biệt là 3 dự án có tiến độ hoàn thành trong tháng 4/2023, gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2023.
Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc để hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng, sớm khởi công trước ngày 30/6/2023.
Đồng thời tổ chức hội nghị với các địa phương để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức triển khai dự án; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các dự án trong giai đoạn 2023-2030 để thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài.
Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát củng cố, hoàn thiện báo cáo xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT do Bộ GTVT quản lý để báo cáo cấp có thẩm quyền theo tiến độ yêu cầu. Triển khai các bước tiếp theo trong quá trình nghiên cứu sử dụng cát biển cho đường bộ cao tốc.
Báo cáo thêm về kết quả đạt được trong quý I/2023 của Bộ GTVT, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Uông Việt Dũng cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm tạo khí thế mới, thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết, trách nhiệm, đồng lòng của cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan từ trên xuống dưới đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy hoạch, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả góp phần giải quyết kịp thời nhiều vấn đề nóng, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành hai thông tư rất quan trọng. Đầu tiên là Thông tư hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.
"Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng làm căn cứ để chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư trong thời gian sắp tới", ông Uông Việt Dũng khẳng định.
Thứ hai, Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó có 2 nội dung đáng chú ý, gồm: Miễn kiểm định lần đầu đối với xe mới mà chủ phương tiện không phải xuất trình xe, chỉ xuất trình hồ sơ phương tiện theo quy định; Kéo dài chu kỳ kiểm định đối với một số đối tượng xe ô tô.
P.V