Sign In

Đầu tư mở rộng ga Sóng Thần, đẩy mạnh khai thác liên vận quốc tế

13:31 18/08/2023
Ngày 17/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã đi khảo sát và họp bàn việc đầu tư mở rộng cũng như triển khai hoạt động liên vận quốc tế tại khu ga Sóng Thần.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh
khảo sát hiện trường ga Sóng Thần

Thống nhất đầu tư mở rộng ga Sóng Thần

Đại diện tư vấn lập quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM cho biết, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hai ga đầu mối Sóng Thần, Dĩ An. Ga Dĩ An tác nghiệp tàu khách, ga Sóng Thần tác nghiệp tàu hàng. Ga Sóng Thần có hai bãi hàng Sóng Thần và An Bình.

Tư vấn đề xuất bố trí ga An Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là ga đầu mối cho cả hành khách và hàng hóa cho tuyến xây dựng mới khổ 1.435mm và đường sắt Bắc - Nam hiện hữu khổ 1.000mm; định hướng chức năng liên vận quốc tế. Tại ga cũng quy hoạch xây dựng các cơ sở sửa chữa, chỉnh bị, vận dụng đầu máy, toa xe cho hàng hóa; tác nghiệp đón và gửi các đoàn tàu hàng.

Đồng thời đề xuất bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt vành đai. Như vậy, sẽ có 5 tuyến đường sắt quốc gia đi qua Bình Dương gồm: Đường sắt Thống Nhất, Trảng Bom - Hòa Hưng, Dĩ An - Bàu Bàng, TP.HCM - Cần Thơ, Vành đai ngoài.

Về khai thác vận tải ga Sóng Thần hiện hữu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho biết, đường sắt chủ trương đưa cửa khẩu đường sắt vào sâu nội địa, trong đó có ga Sóng Thần để thúc đẩy vận tải hàng hóa. Sóng Thần là khu ga hàng hóa lớn nhất của đường sắt Việt Nam, năm 2022 sản lượng xếp dỡ đạt hơn 1,6 triệu tấn.

Để triển khai hoạt động kho bãi ngoại quan theo quy định tại ga Sóng Thần cần bãi hàng rộng 10.000m2, nhưng hiện diện tích đất chỉ có khoảng 8.500m2. Từ đây, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị tỉnh Bình Dương bố trí quỹ đất liền kề để đầu tư kho bãi.

“Năm 2023, Bộ GTVT đang triển khai thực hiện đầu tư sửa chữa, cải tạo ga Sóng Thần - bãi hàng An Bình, giai đoạn 1 thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM", ông Mạnh nói và kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, với vốn khái toán khoảng 180 tỷ nhằm đồng bộ đầu tư, phát huy hiệu quả đã đầu tư giai đoạn 1.

Liên quan đến quy hoạch đường sắt, đại diện lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ GTVT xem xét di dời ga Dĩ An về khu ga An Bình do ga Dĩ An nhỏ, trong khi lượng khách đi tàu lớn, giao thông đường bộ trước ga không thuận lợi, dễ bị ùn tắc. Cùng đó bổ sung tuyến đường sắt Bàu Bàng - Tây Ninh vào quy hoạch vì đây là tuyến vành đai đi qua nhiều khu công nghiệp hai tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, kết nối thuận lợi giữa các khu vực này với cửa khẩu Mộc Bài cũng như ra cảng Cái Mép - Thị Vải.

Bố trí quỹ đất quy hoạch khu đường sắt tập trung

Ủng hộ chủ trương mở rộng kho bãi và triển khai hoạt động liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết việc khai thác hiệu quả vận tải đường sắt trên địa bàn sẽ là lợi thế, tạo đà để Bình Dương phát triển.

Lãnh đạo Bình Dương cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét đề xuất tuyến đường sắt vành đai; đồng thời bổ sung quy hoạch tuyến Bàu Bàng - Tây Ninh chạy dọc, kết nối vành đai công nghiệp hai tỉnh.

 
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy phát biểu tại buổi làm việc
 
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam xem xét cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học về đề xuất của tư vấn lập quy hoạch các tuyến, ga khu đầu mối đường sắt TP.HCM về bổ sung đường sắt vành đai, trong đó có đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời phối hợp với Bình Dương rà soát các phương án giao thông chung, trong đó có phương án gom hành khách về ga An Bình và phương án giải tỏa hành khách, hàng hóa từ ga.

"Khi xác định ga An Bình là ga đầu mối hỗn hợp ga hàng, ga khách, phải quy định rõ các phân khu chức năng, đảm bảo khai thác hiệu quả, lâu dài", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói và đề nghị tỉnh Bình Dương ủng hộ, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng; bố trí đất để đường sắt mở rộng bãi hàng An Bình phục vụ chạy tàu liên vận quốc tế.

Phía Tổng công ty Đường sắt VN, Thứ trưởng yêu cầu khẩn trương lập phương án khai thác chi tiết, nêu rõ nhu cầu đất cần sử dụng để khai thác tàu hàng liên vận quốc tế, nhất là tàu vận chuyển hàng đi Châu Âu.

Ga Sóng Thần (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là ga đầu mối hàng hóa lớn nhất đường sắt khu vực phía Nam. Đây là ga liên vận quốc tế nhưng chưa tổ chức thực hiện vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt, nên chưa bố trí hải quan cũng như các cơ quan chức năng thường trực quản lý xuất nhập khẩu.

Tổng công ty Đường sắt VN xây dựng 2 tuyến vận chuyển liên vận quốc tế (LVQT) từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc và các nước thứ ba.

Theo đó, một tuyến từ ga LVQT Sóng Thần (Bình Dương) - ga LVQT Kép (Bắc Giang) - ga LVQT Đồng Đăng (Lạng Sơn) - ga Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), từ đó đi sâu nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc sang các nước Trung Á, Nga, EU,...

Tuyến thứ 2 từ ga LVQT Sóng Thần (Bình Dương) - ga LVQT Lào Cai - ga Sơn Yêu (Hà Khẩu bắc, Trung Quốc), chuyển đổi phương tiện đi sâu nội địa Trung Quốc.

Thành phần đoàn tàu dự kiến 20 - 25 container 40”/45” (container thường và container lạnh tự hành).

Thời gian chạy tàu từ ga LVQT Sóng Thần đến ga biên giới Bằng Tường (Quảng Tây) khoảng 5 ngày; đến ga Sơn Yêu (Vân Nam) khoảng 6 ngày.


Tag:

File đính kèm