Sign In

Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: năng động và hợp tác

12:54 02/10/2024
(MPI) - Đây là chủ đề của Hội thảo được diễn ra ngày 02/10/2024 tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc. Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện chính nhân Kỷ niệm 5 năm thành lập NIC và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024.

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan; Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng; các thành viên và đối tác của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI), các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quan tâm.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, Hội thảo được diễn ra vào đúng ngày NIC tròn 5 tuổi (02/10/2019 - 02/10/2024) và cũng là hoạt động trong chuỗi các sự kiện chính của Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 đã chính thức diễn ra ngày 01/10 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ban ngành, các cơ quan trung ương, địa phương; viện nghiên cứu và trường đại học; tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; ngân hàng, quỹ đầu tư; đại sứ quán, tổ chức quốc tế; các  tổ chức, chuyên gia hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tuyên bố lấy ngày 01/10 hằng năm là Ngày Đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Về mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI), ông Vũ Quốc Huy thông tin, mạng lưới này ra đời dưới sự bảo trợ của NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với mục tiêu gắn kết, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức có cùng chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phát triển năng lực toàn diện cho cơ sở giáo dục và đào tạo.

Theo ông Vũ Quốc Huy, với sứ mệnh và tầm nhìn của mình nhằm thực hiện chủ trương trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong thời gian qua, VNEI có bước phát triển nhanh với nhiều hoạt động sôi nổi, được đánh giá cao và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Ông Vũ Quốc Huy mong muốn, trong thời gian tới các bên liên quan sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ để triển khai các nhiệm vụ đổi mới sáng tạo nói chung và phát triển NVEI nói riêng; nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của VNEI, tập hợp và đưa ra các ý kiến của các mạng lưới thành viên để đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với cấp có thẩm quyền để thúc đẩy mạng lưới đổi mới sáng tạo nói chung và mạng lưới đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng; gắn các hoạt động với phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nói riêng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", trong đó đặt ra mục tiêu quan trọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo và phát triển ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn. Trong đó, chương trình đặt trọng tâm vào việc nắm bắt công nghệ sản xuất bán dẫn, từng bước xây dựng một lực lượng lao động đủ khả năng tham gia và đóng góp vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Ông Vũ Quốc Huy nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế,… trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu Chương trình trên.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Hội thảo được nghe các bài trình bày đến từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về các hình thức hợp tác, liên kết đổi mới sáng tạo giữa Đại học và hệ sinh thái; Một số mô hình đổi mới sáng tạo của Đại học tại Pháp; … Trình bày về sự năng động và hợp tác của VNEI, TS. Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch VNEI, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, sứ mệnh của đại học là đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, trong đó đổi mới sáng tạo phải dựa trên nền tảng vững chắc, là kết quả của việc nghiên cứu cộng với khả năng thương mại hóa. Hiện nhiều trường đại học và các thành viên VNEI cũng đang nghiên cứu hoạt động này.

Từ 13 thành viên đầu tiên của Mạng lưới trong buổi ra mắt vào tháng 11/2022, hiện nay số lượng thành viên chính thức của Mạng lưới đã lên đến 71 thành viên là các Trường Đại học, Cao đẳng và các Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trực thuộc Trường được định hướng trở thành nền tảng kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp và cơ quan chính sách nhằm phát triển năng lực và đẩy mạnh hợp tác trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Hội thảo là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện chia sẻ các mô hình đại học tiên tiến trong việc phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Sự kiện nhằm mục đích thúc đẩy xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng, góp phần tạo ra môi trường hỗ trợ mạnh mẽ cho khởi nghiệp sáng tạo trong giáo dục. Đây cũng là dịp để các trường học, doanh nghiệp và cơ quan chính sách gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển mô hình đại học sáng tạo, qua đó nâng cao vai trò của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Sự kiện hôm nay thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của các trường đại học, các tổ chức quốc tế đối với việc giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu. Chính vì vậy, tại Hội thảo đã diễn ra nghi thức công bố VINC FORUM với sự tham dự của đại diện bộ, ngành, lãnh đạo một số trường đại học, tổ chức quốc tế. Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện tâm điểm hoạt động liên kết, hợp tác VNEI trong thời gian tới; Cũng là cam kết mạnh mẽ của các trường đại học, các tổ chức đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế đối với việc góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, giảm phát thải và xây dựng tương lai bền vững.

Ảnh: MPI

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Diễn đàn mở nhằm trao đổi về hợp tác giữa đại học và tập đoàn công nghệ; giữa Đại học và hệ sinh thái khởi nghiệp (startup); giữa Đại học và Khu vực chính sách công; Vị trí của Đại học trong chiến lược phát triển vùng, phát triển quốc gia. Tại Diễn đàn, các diễn giả đến từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo và lãnh đạo các cơ sở giáo dục đào tạo như Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế, FPT Uni, Phenikaa, Đại học Hà Nội... với những chia sẻ đa chiều về mô hình và thực tế triển khai đổi mới sáng tạo của khu vực đại học; nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam; kết hợp doanh nghiệp và nhà trường; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo hướng tới mục tiêu gắn kết cộng đồng và hành động bền vững./

Tag:

File đính kèm