Sign In

Họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất

12:55 26/04/2024
(MPI) - Ngày 26/4/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu chủ trì cuộc họp.

 Tham dự cuộc họp có thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập là đại diện các bộ, ngành, địa phương và đại diện các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Trần Hào Hùng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hào Hùng cho biết, Luật Đấu thầu đã bổ sung tiếp tục duy trì quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; đồng thời mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật này đối với việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật chuyên ngành phải đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực.

Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trong đó Điều 126 của Luật này quy định trường hợp, điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất. Tại Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định quy định chi tiết đối với dự án đầu tư có sử dụng đất. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Việc ban hành Nghị định để quy định chi tiết việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là cần thiết và cấp bách để bảo đảm thi hành Luật Đất đai và Luật Đấu thầu (đối với quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2) kể từ ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành.

Theo dự thảo Nghị định được trình bày tại cuộc họp có kết cấu 07 Chương, 34 Điều và 02 Phụ lục, trong đó: Chương I: Những quy định chung (các Điều từ 1 đến 4); Chương II: Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ (các Điều từ 5 đến 11); Chương III: Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án cần xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm (các Điều từ 12 đến 19); Chương IV: Phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu (các Điều từ 20 đến 25); Chương V: Triển khai thực hiện dự án đầu tư kinh doanh (các Điều từ 26 đến 28);  Chương VI: Xử lý tình huống ( Điều 29); Chương VII: Điều khoản thi hành (các Điều từ 30 đến 34).

Dự thảo có 02 Phụ lục kèm theo, gồm: Phụ lục I - Hướng dẫn lập hợp đồng mẫu dự án đầu tư kinh doanh và Phụ lục II - Sửa đổi, bổ sung Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 23/2024/NĐ-CP.

Dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh là dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của đất đai, gồm: Dự án được HĐND cấp tình quyết định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu; Dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực thuộc trường hợp thu hồi đất, không đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập nhấn mạnh sự cần thiết và cấp bách của việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Đồng thời đánh giá cao sự chủ động phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng dự thảo Nghị định. Dự thảo quy định chi tiết, đầy đủ các điều, khoản, điểm đã được Quốc hội giao Chính phủ, đồng thời kế thừa, hoàn thiện các quy định về lựa chọn nhà đầu tư đã áp dụng ổn định, phát huy hiệu quả trên thực tế, vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Đất đai năm 2024; Bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị định, trong đó tập trung vào các vấn đề về quan điểm, mục tiêu, định hướng xây dựng Dự thảo; tính đồng bộ, thống nhất của các quy định; phạm vi điều chỉnh các dự án sử dụng đất mà phải đấu thầu theo quy định của dự thảo Nghị định, đồng bộ với Luật Đất đai; quan hệ giữa đấu thầu và đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai và dự thảo Nghị định này; quan hệ của Luật Đấu thầu, Luật Đất đai với dự thảo Nghị định và các quy định về kinh doanh bất động sản, nhà ở, nhà ở xã hội…; đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả sử dụng đất; thành lập doanh nghiệp, tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà đầu tư trúng thầu;…

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Các ý kiến góp ý của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập là cơ sở quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung hoàn thiện dự thảo, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Nghị định được xây dựng với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh phù hợp với quy định mới của Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đồng thời,  tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong lựa chọn nhà đầu tư./.

Tag:

File đính kèm