Sign In

Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

14:57 17/05/2024
(MPI) - Ngày 17/5/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến các trường đại học về dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu một số cơ sở đào tạo, trường đại học. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cùng đại diện lãnh đạo các học viện, đại học, trường đại học.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Đảng và Nhà nước đã xác định ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về đào tạo nguồn nhân lực. Quan điểm xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, là nguồn nhân lực, động lực cho phát triển. Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược ưu tiên, trong đó phát triển khoa học công nghệ cao sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành phụ trợ khác.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các các bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu hết sức khoa học, bài bản, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xu hướng phát triển và cung cầu nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn thế giới; tổ chức khảo sát trong nước và quốc tế; lấy ý kiến chuyên gia, đặc biệt các chuyên gia người Việt Nam đang công tác trong ngành bán dẫn trên thế giới và các cơ quan liên quan để hoàn thiện Đề án.

Để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện Đề án, các trường đại học, cơ sở đào tạo đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là các trường, cơ quan chủ trì các trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và các trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn về thiết kế vi mạch tại các trường đại học công lập có năng lực đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo đó, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo Đề án, trong đó tập trung vào cơ chế triển khai Đề án, đặc biệt là các nội dung liên quan đến cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo tiếp cận nguồn vốn xây dựng trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia; và các trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn về thiết kế vi mạch tại các trường đại học; cơ chế bố trí nguồn lực.

Đồng thời, cho ý kiến vào dự kiến chỉ tiêu đào tạo của các trường hằng năm để thực hiện mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn có trình độ từ đại học trở lên; chỉ tiêu đào tạo đối với các trường công lập được đầu tư cơ sở vật chất; hỗ trợ kinh phí, học bổng cho các cơ sở đào tạo, cơ sở hỗ trợ đào tạo; quy trình tham gia Đề án, sử dụng vốn đầu tư công, vốn chi sự nghiệp.

Theo dự thảo Đề án, Mục tiêu đến năm 2030: Đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn có trình độ từ đại học trở lên với cơ cấu như sau: Theo trình độ chuyên môn: 500 tiến sĩ, 7.500 thạc sĩ và 42.000 kỹ sư.  Theo các công đoạn: 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo lĩnh vực chuyên sâu, có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; Mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo như Đại học Bách khoa Hà Nội, các trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giao thông vận tải, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Kỹ thuật mật mã, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh,… đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bày tỏ thống nhất và ủng hộ cao việc triển khai Đề án; thống nhất cách tiếp cận, các mục tiêu, và các nhóm giải pháp, nhiệm vụ thực hiện Đề án như nhóm các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho công tác đào tạo; về đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo; về đào tạo (giảng viên, đại học hệ chính quy, sau đại học, đào tạo ngắn hạn, đào tạo tiếng Anh chuyên ngành; về huy động, đa dạng hóa nguồn lực; về xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu và phát triển; các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ triển khai.

Phát biểu tại điểm cầu Trường Đại học Cần Thơ, đại diện trường này bày tỏ thống nhất cao với nội dung dự thảo Đề án, thấy rõ mục tiêu, tính khả thi cũng như đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đồng thời nhấn mạnh đến một số nội dung liên quan lên kết, liên thông đào tạo; cơ chế đặc thù để xác định chỉ tiêu và tăng năng lực đào tạo; việc cải thiện cơ sở vật chất, đảm bảo tính đồng bộ hiện đại và đáp ứng nhu cầu; kinh phí mời chuyên gia trên thế giới, tạo sự giao lưu hợp tác giữa các trường đại học trong nước với nước ngoài để tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng bày tỏ thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra tại Dự thảo. Ông cũng bày tỏ thống nhất cao với việc UBND thành phố Đà nẵng, Đại học Đà Nẵng dự kiến sẽ là cơ quan chủ quản trong việc xây dựng trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia, trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn. Đồng thời nhấn mạnh đến các loại hình đào tạo theo Đề án; về cơ chế, đặc thù; đầu tư mua sắm trang thiết bị; cơ chế khai thác sử dụng các tài sản; đào tạo nhân lực; kinh phí thu hút chuyên gia, nhân tài;…

Về phía cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao sự chủ động phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án; nhấn mạnh thêm một số nội dung được các cơ sở đào tạo nêu cũng như các nội dung cụ thể của Dự thảo. Theo đó, về dự báo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các bộ, ngành để có khảo sát nhu cầu và đưa ra mục tiêu cụ thể theo trình độ chuyên môn, theo công đoạn và lĩnh vực chuyên sâu.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu. Ảnh: MPI

Ông Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh đến các nội dung liên quan đến đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên chuyên ngành công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch và nghiên cứu mở thêm các ngành đào tạo hoặc cập nhật, bổ sung nội dung đào tạo về công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch trong các ngành đào tạo phù hợp hiện có; cơ chế đặc thù; mã ngành mới; cơ chế, chính sách cấp học bổng, cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, học viên sau đại học học chuyên sâu các chuyên ngành về thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn; việc giao chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học; chương trình, liên kết doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, đào tạo đội ngũ giảng viên, sinh viên, học viên sau đại học; trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài, hỗ trợ kỹ sư, giảng viên ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong lĩnh vực này;…

Ông Hoàng Minh Sơn bày tỏ tin rằng, các cơ sở đạo sẽ tăng cường sự liên kết, phát huy tinh thần tự chủ giữa các trường với sự điều phối chung của nhà nước để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Dự thảo Đề án này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất tích cực phối hợp với các bên liên quan, làm việc với các trường đại học. Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp là cơ sở quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, làm rõ thêm tại Dự thảo nhằm đảm bảo khi khi Đề án được phê duyệt sẽ triển khai được ngay, tăng cơ hội cho Việt Nam phát huy được lợi thế nguồn nhân lực để phát triển.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu kết luận. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Trần Duy Đông làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến các ngành, lĩnh vực cụ thể theo mục tiêu 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn; giải pháp, cơ chế chính sách để đào tạo các giảng viên; cơ chế hỗ trợ giảng viên; đào tạo song song, đào tạo mới, đào tạo chuyển đổi; dự kiến việc xây dựng trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn về thiết kế vi mạch tại các trường đại học công lập, trong đó làm rõ hơn quy trình xét duyệt, cơ chế mua sắm, nguồn vốn vốn NSTW, nguồn vốn đối ứng của các trường, cơ chế vận hành, cơ chế giám sát thực hiện mục tiêu, đảm bảo không trùng lặp, hiệu quả; nội dung liên quan đến chi phí sự nghiệp, hỗ trợ cấp học bổng cho sinh viên và đào tạo giáo viên; hỗ trợ học bổng, hỗ trợ tín dụng, cho vay sinh viên chuyên ngành này; hợp tác của các trường, liên kết hợp tác giữa trường với doanh nghiệp;…

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, các cơ quan chủ quản rất quan trọng để thực hiện hiệu quả Đề án này. Đồng thời đề nghị các cơ sở đào tạo tham dự cuộc họp tiếp tục tham gia ý kiến đối với dự thảo Đề án, đặc biệt là liên quan đến dự kiến các chỉ tiêu đào tạo của các trường về thiết kế vi mạch, về các công đoạn khác của ngành bán dẫn và các nội dung liên quan được nêu tại dự thảo Đề án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Tag:

File đính kèm