Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cùng lãnh đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình hành động theo Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 01/8/2022 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, các Bộ, ngành và địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã khẩn trương quán triệt các nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết.
Qua hơn một năm triển khai đã đạt được những kết quả tích cực. Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 17 chỉ tiêu phát triển, 34 nhiệm vụ và 11 dự án, nhóm dự án quan trọng của vùng cần thực hiện đến năm 2030. Đến nay, đã hoàn thành 3/34 nhiệm vụ (gồm: Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng vùng); đã phê duyệt quy hoạch của 14/14 tỉnh trong Vùng. Các nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các Bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai theo tiến độ.
Về 11 dự án, nhóm dự án quan trọng, liên kết vùng: đã hoàn thành 03 cảng hàng không và 01 cảng biển; dự kiến năm 2025 hoàn thành 01 tuyến cao tốc và đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai đầu tư 07 dự án còn lại trong thời gian tới; Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực NSTW để sớm hoàn thành đảm bảo thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam và kết nối toàn bộ các địa phương trong Vùng; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột tuyến đường kết nối Đông – Tây đã được tập trung nguồn lực để thực hiện theo đúng tiến độ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của Vùng đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%), trong đó một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như Khánh Hòa (10,35%), Ninh Thuận (9,4%), Phú Yên 9,16%, Bình Thuận (8,1%);
Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,06% GDP cả nước, tỷ trọng này đang có xu hướng tăng qua các năm; GRDP bình quân đầu người đạt 75,62 triệu đồng/người, tăng 8,7% so với năm 2022; Cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung phát triển mạnh kinh tế biển và các ngành công nghiệp ven biển.
Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2023 đạt 5,51%, cao hơn tốc độ bình quân chung cả nước (3,65%);Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 vượt 10,7% dự toán trung ương giao và vượt 6,1% dự toán HĐND các địa phương giao, tỷ lệ vượt thu ngân sách cao hơn 5,1 điểm % so với bình quân của cả nước.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 tăng cao nhất trong 5 năm qua, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 3 tỷ USD, tăng hơn 1,5 lần so năm 2022, trong đó số dự án FDI cấp mới của vùng là 183 dự án, số vốn hơn 2 tỷ USD.
Quý I năm 2024, tốc độ tăng GRDP bình quân của Vùng ước đạt 6,27%; (bình quân cả nước 5,66%), thu cân đối NSNN ước đạt 31,5% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công của Vùng ước 4 tháng đạt 15.157 tỷ đồng, đạt 17,67% kế hoạch năm (cả nước 17,46%). An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Về hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó có các công trình đường bộ quan trọng của Vùng được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù như: Dự án đường Quốc lộ 26B giao tỉnh Khánh Hòa; Dự án đường giao thông đi qua địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng Đề án thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đã tổng hợp kiến nghị, đề xuất từ các địa phương trong Vùng.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ trì, hợp với cơ quan liên quan tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố Đà Nẵng, Nghệ An trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2024.
Về các hoạt động hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, Bộ trưởng nêu rõ, phát triển vùng và liên kết phát triển vùng có vai trò đặc biệt quan trọng, là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng. Các Bộ, ngành và các địa phương trong Vùng đã tích cực triển khai các hoạt động liên kết nội vùng và liên vùng, thay đổi rõ nét từ tư duy cho đến hành động.
Các hoạt động liên kết cấp tiểu vùng Bắc Trung Bộ, tiểu vùng Trung Trung Bộ và tiểu vùng Nam Trung Bộ đã được chính quyền các địa phương tích cực triển khai thực hiện, đã tổ chức ký kết hoạt động liên kết giữa các các địa phương trong vùng như: liên kết các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; Khánh Hòa - Phú Yên - Ninh Thuận; liên kết với các địa phương ngoài vùng trong đầu tư hạ tầng giao thông như: Bình Định với Gia Lai, Khánh Hòa và Đắc Lắc, Ninh Thuận với Lâm Đồng …
Tháng 11/2023, Chủ tịch Hội đồng vùng đã ban hành Quyết định giao 23 nhiệm vụ cụ thể cho các Thành viên Hội đồng vùng. Đến nay, Hội đồng điều phối vùng đã hoàn thành được 12/23 nhiệm vụ, chiếm 52% số nhiệm vụ được giao. Đối với 11 nhiệm vụ còn lại, các Thành viên Hội đồng Vùng đang khẩn trương chỉ đạo triển khai do đây là các nhiệm vụ mới cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan và có thời gian triển khai trong các năm tiếp theo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế, khó khăn. Phát triển kinh tế biển chưa có tính đột phá, chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế hạ tầng các khu kinh tế, hệ thống các sân bay, cảng biển; Chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành; Liên kết trong việc thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển, đào tạo và sử dụng lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng... vẫn còn chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ, kết nối ngang Đông - Tây còn thiếu và yếu; Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Nguyên nhân của những khó khăn trên là do thời gian thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ mới được hơn 1 năm, trong khi các nhiệm vụ, giải pháp đề ra có tính dài hạn, thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chưa bảo đảm do Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao từ năm 2021, trước khi các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ được ban hành. Quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng và phát huy hiệu quả cần có thời gian và “độ” trễ nhất định.
Về đánh giá chung, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, về cơ bản, kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; Chất lượng cơ sở hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện; Thế chế và bộ máy điều phối vùng đã được hoàn thiện; Hoàn thành Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh làm nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương được giữ vững ổn định.
Bên cạnh đó, còn một số khó khăn về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn, phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng như: giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư