Sign In

Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

18:10 05/06/2024
(MPI) - Ngày 05/6/2024, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị định thay thế nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Duy Đông, Trưởng Ban Soạn thảo.

 

Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp. Ảnh: MPI

Tham dự cuộc họp có ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó trưởng Ban Soạn thảo; đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan là thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP xuất phát từ một số yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của việc triển khai một số văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP được ban hành từ năm 2021 trên cơ sở triển khai Luật Doanh nghiệp. Qua thực tiễn triển khai cho thấy một số thay đổi như một số Luật mới được ban hành trong đó yêu cầu một số nội dung trong Nghị định số 01 phải thay đổi, ví dụ như liên quan đến Luật Tín dụng có quy định khác về đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng; Luật Hợp tác xã quy định về đăng ký hộ kinh doanh. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh.

Theo nội dung Dự thảo Nghị định được trình bày tại cuộc họp, Dự thảo có cấu trúc gồm 10 chương, 86 điều, bao gồm quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp; đăng ký tên doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử; hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; cung cấp, kết nối và chia sẻ thông tin; liên thông trong đăng ký doanh nghiệp; điều khoản thi hành.

Mục tiêu xây dựng Nghị định nhằm hướng dẫn, quy định chi tiết, đầy đủ các nội dung được giao tại Luật Doanh nghiệp; thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06; Giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp.

Nghị định được xây dựng theo nguyên tắc bám sát nội dung của Luật Doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; tôn trọng quyền tự chủ của doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các thành viên, cổ đông.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, … và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao đơn vị thường trực Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập trong quá trình phối hợp, nghiên cứu, tiếp thu xây dựng Nghị định; nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung các nội dung tại Dự thảo nhằm thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Đồng thời nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến liên thông đăng ký doanh nghiệp giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh đạt được nhiều mục tiêu, cắt giảm thủ tục hành chính, được dư luận, xã hội và doanh nghiệp đánh giá cao. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến cụ thể đối với các nội dung của Dự thảo về các biểu mẫu áp dụng trong đăng ký kinh doanh, trong đó cụ thể hóa các biểu mẫu hiện đang được quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT và sửa đổi các nội dung biểu mẫu để đáp ứng yêu cầu của Đề án 06; bổ sung quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đầu tư; bổ sung quy định tại 122/2020/NĐ-CP và bãi bỏ Nghị định này; về hướng dẫn Điều 215 Luật Doanh nghiệp; Đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng; Đăng ký kinh doanh đối với công ty chứng khoán.

Trong đó, đối với nội dung về hướng dẫn Điều 215 Luật Doanh nghiệp, các đại biểu cho rằng, khoản 4, Điều 215 của Luật này quy định: bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, chịu trách nhiệm thiết lập kết nối, liên thông và chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp các thông tin về giấp phép đăng ký, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề… đã cấp cho doanh nghiệp và quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp; về tình hình hoạt động và nộp thuế của doanh nghiệp từ báo cáo thuế; báo cáo tài chính của doanh nghiệp; Phối hợp chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp chưa cụ thể hóa nội dung được Luật giao. Do vậy, cần sớm nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 01.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung của Dự thảo và cho biết, các nội dung góp ý của các địa phương trong đó có ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội đã được nghiên cứu, bổ sung. Đồng thời chia sẻ thêm về một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác chuyên môn và cho biết, hiện việc cung cấp các thông tin chủ yếu vẫn bằng bản giấy cho các tổ chức, cá nhân với số lượng nhiều và mất nhiều thời gian, công sức. Do vậy, việc Nghị định thiết kế 01 chương (chương 8) quy định về cung cấp, kết nối và chia sẻ thông tin nhằm quy định chi tiết hơn theo hướng cung cấp các thông qua môi trường mạng điện tử, thay thế các quy trình thủ công có ý nghĩa quan trọng.

Đại diện Bộ Tư pháp đánh giá cao sự chủ động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng Dự thảo cũng như việc thực hiện các quy định liên quan đến việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời cho rằng, qua theo dõi, tổng hợp số liệu về tình hình đăng ký kinh doanh nhận được nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức; được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, mở rộng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường trong thời gian qua. Là cơ sở cho các địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đăng ký kinh doanh. Do vậy, việc xây dựng Nghị định này cũng cần đi theo mạch nguyên tắc như vậy việc và hướng đến tăng cường hậu kiểm bởi từ trước đến nay chúng ta đã cải cách và thực hiện tốt điều này.

Theo đó, cần tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, địa phương khi sửa đổi Nghị định số 01 là rất cần thiết và cần triển khai lấy ý kiến đồng loạt trên toàn quốc; nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, hướng đến đơn giản hóa thủ tục, liên thông với các cơ sở dữ liệu liên quan để phù hợp với bối cảnh hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về nội dung xin ý kiến liên quan đến đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng, đại diện Bộ Tư pháp bày tỏ thống nhất cao với đề xuất của cơ quan thường trực của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập là tổ chức tín dụng không phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định này. Dự thảo Nghị định đã bỏ quy định về đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng hiện đang quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm; các ý kiến cũng bày tỏ thống nhất và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực trong quá trình xây dựng Dự thảo, đưa ra các vấn đề lớn xin ý kiến. Các ý kiến cũng cơ bản thống nhất với kế hoạch của thường trực Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập. Đồng thời đề nghị thường trực Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu, xây dựng Dự thảo tờ trình, dự thảo Nghị định; trong đó cần làm rõ nội hàm, lý do thay thế Nghị định 01; đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 01, trong đó nhấn mạnh những kết quả đạt, chưa đạt. Trên cơ sở đó, gửi xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp.

Thứ trưởng lưu ý, các nội dung xin ý kiến cần quán triệt quan điểm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực có liên quan; đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục quan điểm đổi mới sáng tạo cải cách hành chính chung của Chính phủ và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tập trung vào công tác hậu kiểm, phải có cơ chế giám sát, kiểm tra; khắc phục được những khó khăn trong thời gian qua. Cùng với đó là cần tận dụng tối đa số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính./.

 

Tag:

File đính kèm