Sign In

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia khẳng định vai trò đầu mối quốc gia về đổi mới sáng tạo

08:14 01/10/2024
(MPI) - Sau 05 năm hoạt động, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng bước khẳng định vai trò đầu mối quốc gia về đổi mới sáng tạo, là đơn vị dẫn dắt kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh cho Việt Nam. Mục đích chính của NIC là dẫn dắt, xây dựng, phát triển hệ sinh thái, dẫn dắt đổi mới sáng tạo của Việt Nam và hiện được quốc tế đánh giá rất cao.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc. Ảnh: NIC

Các kết quả của NIC thể hiện trên nhiều mặt như hoàn thiện hạ tầng các cơ sở hoạt động; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam với đầy đủ các chủ thể tham gia; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.

Theo đó, về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hoạt động, NIC đã chủ động, tích cực nghiên cứu để tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam, đóng vai trò là cầu nối với các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Về Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, NIC đã xây dựng được khung pháp lý cho hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tham mưu, đề xuất nhiều quy định về hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các văn bản pháp lý quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường pháp lý kinh doanh thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Nhiều nội dung, nội hàm về đổi mới sáng tạo được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật, gần đây nhất là Luật Thủ đô năm 2024 và Nghị định dành riêng cho NIC, trong đó quy định các cơ chế ưu đãi đặc thù cho hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Hỗ trợ, ươm tạo hơn 1.000 startups; Hỗ trợ kết nối hơn 1.500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Tổ chức đào tạo thông qua 30 chương trình, dự án, hoạt động; Các chỉ tiêu định lượng khác: hỗ trợ các chương trình kết nối vốn đầu tư, thương mại (hợp tác với JETRO tổ chức Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch, Inno Vietnam -Japan Meetup, webinar hàng tháng theo các chủ đề …) các chương trình nâng cao năng lực cho doanh nghiệp (hợp tác với Dassault Systems, Hitachi… đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn, nhà máy thông minh, tư duy thiết kế…), nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực công (hợp tác với Visa)…, hỗ trợ kết nối các địa phương với các nguồn lực trong và ngoài nước (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Hậu Giang…)

Về kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, NIC đã thúc đẩy hiệu quả kết nối, hợp tác giữa các thành tố trong hệ sinh thái, từ các cơ quan Chính phủ đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ,... đồng thời tạo môi trường, điều kiện hợp tác tích cực, hiệu quả, cụ thể: Kết nối 50 doanh nghiệp, tập đoàn; hơn 200 quỹ đầu tư; khoảng 10 viện, trường; phát triển Mạng lưới 2000 chuyên gia, trí thức tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; hơn 60 Trung tâm Đổi mới sáng tạo trong nước; 80 tổ chức hỗ trợ.

Ký kết hơn 50 Biên bản ghi nhớ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để thiết lập quan hệ đối tác, hợp tác thực hiện các chương trình, hoạt động, dự án.

Tổ chức chương trình Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) các năm 2019, 2020, 2022 và 2023, thu hút sự tham gia của 200 quỹ đầu tư, với số vốn cam kết tăng dần qua các năm từ 425 triệu USD năm 2019 lên gần 2 tỷ USD năm 2023.

Tổ chức 8 sự kiện lớn (trên 1000 người), quy tụ đầy đủ các thành tố trong hệ sinh thái (VIIE 2021, 2023; VVS 2019, 2020, 2022, 2023; VIC 2022-2023, 2024) và nhiều hội nghị, hội thảo; Tổ chức 8 lượt trao đổi đoàn cho Startup, sinh viên tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong 5 năm qua, NIC đã phối hợp với các đối tác đào tạo, các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường lao động công nghệ cao. Trong đó, NIC đã tập trung triển khai nhiệm vụ lớn là xây dựng Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024.

Bên cạnh đó, NIC cũng đạt được một số kết quả ấn tượng đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo, triển khai các chương trình phát triển nguồn nhân lực, lan tỏa rộng rãi lợi ích cho nhiều đối tượng thụ hưởng; kết nối và huy động hiệu quả các nguồn lực tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực trọng tâm, đặc biệt trong ngành công nghiệp bán dẫn. NIC đã có thỏa thuận hợp tác với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao về đổi mới sáng tạo và bán dẫn; hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội để phát triển Trung tâm nghiên cứu và đào tạo về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại NIC Hòa Lạc; đồng thời, NIC đã ký kết Biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp, tập đoàn bán dẫn trong nước và quốc tế như: Intel, Synopsys, Cadence, VinaCapital, Southeast Asia Impact Alliance, FPT, TreSemi để tham gia triển khai Trung tâm đào tạo thiết kế chip bán dẫn tại NIC Hà Nội, NIC Hòa Lạc.

Như vậy, việc liên kết các nguồn lực từ Viện-trường, doanh nghiệp và NIC sẽ là mô hình hợp tác phù hợp để triển khai các hoạt động đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn trong các năm tới.

Thời gian qua, NIC đã tổ chức được một số khoá đào tạo về thiết kế vi mạch cho hàng trăm học viên là giảng viên, sinh viên các trường Đại học và người lao động trong các doanh nghiệp. Cung cấp bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence, Siemens EDA đến khoảng 30 trường đại học kỹ thuật top đầu tại Việt Nam.

Phối hợp với Đại học Bang Arizona và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dự kiến sẽ hỗ trợ đào tạo trong lĩnh vực đóng gói, kiểm thử vi mạch tại 20 trường đại học kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam, với tổng số khoảng 120 giảng viên và 4.000 sinh viên sẽ được tham gia các khóa đào tạo trực tiếp và trực tuyến trong khuôn khổ chương trình.

Phối hợp với Đại học quốc gia Dương Minh Giao thông (NYCU) tại Đài Loan (Trung Quốc) trao 60 suất học bổng và các sinh viên được chọn, nhập học trong Tháng 9/2024.

Hợp tác với Tập đoàn FPT và Tổ chức Tresemi cung cấp 90 suất học bổng khóa "Đào tạo thiết kế vật lý cơ bản VLSI", đã có gần 70 bạn sinh viên nhận được giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo đã được nhận vào làm và thực tập tại một số công ty công nghệ lớn như FPT, Faraday, Synopsys, Dolphin, Marvell, ...

Hợp tác với Tập đoàn Qorvo để trao 40 suất học bổng đào tạo Thiết kế vi mạch; Phối hợp với Tập đoàn Cadence để tổ chức khóa đào tạo dành cho 30 giảng viên về công cụ thiết kế của Cadence; Phối hợp với Tập đoàn Siemens EDA để tổ chức khóa đào tạo cho 30 giảng viên về công cụ thiết kế của Siemens; Hợp tác với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng, Quỹ Châu Á, Công ty Arconics tổ chức khóa đào tạo Thiết kế vi mạch cơ bản trên công nghệ FPGA cho 26 học viên là các giảng viên và sinh viên các trường đại học.

Về vận hành, phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, NIC đã bám sát các chủ trương, chính sách nhằm phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn, các viện nghiên cứu, trường đại học đầu ngành để tham gia thúc đẩy và kết nối với hệ thống đổi mới sáng tạo trong nước.

Theo đó, NIC đã tổ chức kết nối các thành viên ban đầu và phối hợp hoàn tất các thủ tục cần thiết đảm bảo định hướng chung của Việt Nam và tuân thủ quy định pháp luật nước sở tại. Đến nay, đã thành lập được 08 Mạng lưới thành phần tại Cộng hòa Liên bang Đức (2019), Nhật Bản (2019), Australia (2019), Hàn Quốc (2021), Châu Âu (2021), Đài Loan (2021), Bờ Tây - Hoa Kỳ (2023) và Bờ Đông - Hoa Kỳ (2023). Với Mạng lưới được thành lập năm 2018 và 08 Mạng lưới thành phần, theo ước tính tổng thành viên Mạng lưới hiện nay khoảng 2.000 người, tại hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dự kiến NIC sẽ tiếp tục phối hợp thành lập các Mạng lưới thành phần khác tại các địa bàn phù hợp.

Huy động sự tham gia của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt tham gia các hoạt động do NIC tổ chức; Kết nối chuyên gia với các địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan Việt Nam trong các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; xúc tiến hợp tác, đầu tư; Hỗ trợ, phối hợp với các Mạng lưới thành phần tổ chức triển khai nhiều chương trình, hoạt động; Thu hút sự tham gia thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài thông qua các chương trình, sự kiện.

Cùng với đó, huy động sự tham gia của các Mạng lưới trong việc kết nối, thu hút đối tác sở tại; Phối hợp với các Mạng lưới chuẩn bị tổ chức các buổi làm việc với các cấp Lãnh đạo trong các chuyến công tác nước ngoài; Phối hợp các hoạt động vì cộng đồng của các thành viên Mạng lưới.

Về xây dựng cơ sở cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cơ sở NIC Hà Nội đã được hoàn thiện, đưa vào hoạt động với tổng diện tích hơn 5000m2 tại Tôn Thất Thuyết với cơ sở vật chất hiện đại và được đánh giá có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tốt nhất cả nước, quy tụ hệ sinh thái đầy đủ về hỗ trợ các các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt khởi nghiệp sáng tạo. Các hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tại Cơ sở Hà Nội được diễn ra thường xuyên, liên tục và đã nhận được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp startups từ các quốc gia phát triển.

Cơ sở Hà Nội đã trở thành một mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo kiểu mẫu, là nơi đón tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp và tổ chức trong nước đến tham quan, học tập và tiếp đón nhiều đoàn lãnh đạo chính phủ, tổ chức quốc tế, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Cơ sở NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc) với quy mô sử dụng đất là 4,5ha, bao gồm: Khối nhà làm việc có diện tích xây dựng 9.412m², diện tích sàn làm việc 29.950m². Khối nhà Trung tâm sự kiện có diện tích xây dựng 4.991m², hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, cảnh quan sinh thái được bố trí hài hòa.

Dự kiến NIC Hòa Lạc sẽ bố trí: Trung tâm dịch vụ tích hợp 1.233 m2; Không gian làm việc của Doanh nghiệp 11.137 m2; Không gian phòng thí nghiệm 3.442 m2; Không gian dịch vụ 2.737 m2; Không gian sự kiện 2.871 m2 phục vụ khoảng 2500-3000 chuyên gia và người lao động.

Trong 5 năm, NIC đã triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch hoạt động đã được duyệt, nhìn chung đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành kế hoạch đã đặt ra. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số khó khăn và thách thức như đổi mới sáng tạo là một lĩnh vực mới cần nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và nguồn lực đầu tư, tuy nhiên, với những cơ chế hiện tại Việt Nam chưa đủ cạnh tranh với các nước có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển trong khu vực.

Các cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, cũng như khuyến khích các cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, các đối tác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoạt động tại các trung tâm đổi mới sáng tạo đã được quy định một phần tại pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, tuy nhiên các pháp luật khác còn chưa được quy định đồng bộ. Đặc biệt, những cơ chế ưu đãi về tài chính cần phải sửa đổi, bổ sung pháp luật về thuế, tài chính thì mới thực hiện được.

NIC gặp khó khăn, vướng mắc về việc sử dụng tài sản công để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trong đó có việc cho thuê, thực hiện dịch vụ, hỗ trợ các tổ chức khởi nghiệp sáng tạo và các đối tác đổi mới sáng tạo sử dụng không gian làm việc tại các cơ sở của NIC; cần có quy định rõ ràng và thuận lợi để sớm đưa các cơ sở của NIC.

Về định hướng trong thời gian tới, NIC tiếp tục tham gia xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2020/NĐ-CP.

Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối đầu tư, tài chính; đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tiếp cận nguồn nhân lực, chuyên gia; hỗ trợ truyền thông tiếp cận thị trường nhằm cho doanh nghiệp; hỗ trợ không gian làm việc tại các cơ sở NIC.

Đẩy mạnh các hoạt động kết nối các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Triển khai các hoạt động hiệu quả và thực chất với các Mạng lưới đổi mới sáng tạo trên thế giới. Nghiên cứu hình thành thêm các mạng lưới đổi mới sáng tạo ở các quốc gia phát triển và có cộng đồng tri thức, chuyên gia Việt Nam.

NIC tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực với các tập đoàn lớn như: Chương trình phát triển nhân tài số hợp tác với Google, Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng với Intel…; Tiếp tục hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo tại các trường; Triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực thuộc các dự án hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại. Tiếp tục mở rộng mạng lưới các đối tác, các nhà tài trợ đồng hành cùng NIC triển khai các hoạt động hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Đầu mối của Bộ để tổ chức triển khai nhiệm vụ của Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.

Tổ chức thu hút các tập đoàn công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp tốt vào hoạt động tại các cơ sở NIC, đặc biệt tiếp tục đầu tư hoặc kêu gọi đầu để xây dựng các hệ thống các phòng Lab cho 9 ngành, lĩnh vực ưu tiên./.

Tag:

File đính kèm