Sign In

Tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới”

13:29 26/09/2023

(MPI) - Ngày 26/9/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung tham dự và phát biểu tại Tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới”.

Tọa đàm do Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức với sự tham dự của ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư; cùng đại diện của một số bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh đến những vấn đề diễn ra trong bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh; đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò, vị trí dẫn dắt như đã được nêu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, để có được những thành tựu tiêu biểu trong gần 40 năm đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế. Mặc dù DNNN chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, có vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sự phát triển lớn mạnh của các DNNN không chỉ đóng góp cho sự phồn thịnh, phát triển kinh tế-xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo. DNNN còn là khu vực xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế chiến lược quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân còn chưa lớn mạnh và chưa có khả năng thực hiện.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN, đặc biệt là hoạt động đầu tư trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Các DNNN đang chậm chuyển mình trong xu hướng mới, bối cảnh mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy của các DNNN chưa được phát huy rõ nét.

Nhìn chung, DNNN có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm lực, nguồn lực nắm giữ. Chất lượng, hiệu quả của DNNN chủ yếu xuất phát từ những lợi thế tự nhiên; chỉ dựa trên nền tảng công nghệ và lợi thế nhà nước trao cho. Hoạt động đầu tư chưa được như kỳ vọng, đặc biệt là việc nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo còn hạn chế, nhất là trong những ngành nghề có sự chuyển đổi, phát triển nhanh chóng như công nghệ số; năng lượng mới, năng lượng sạch;…

Khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của DNNN trên thị trường và trong nước còn hạn chế. Các DNNN mới chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước nhưng chưa có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế. Thực tế là, các DNNN chưa có nhiều các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tạo ra giá trị gia tăng cao trong khi xuất khẩu là tiêu chí quan trọng để đánh giá chính xác nhất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI

Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hơn nữa, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu một số nội dung cần tập trung thảo luận. Một là, cần nhận định, đánh giá lại vị thế, vai trò của DNNN. Từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Đây cũng là những bàn luận cần thiết phục vụ cho việc tổ chức sơ kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, trình Ban chấp hành Trung ương khóa XIII. Theo đó, cần xác định DNNN ở đâu trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam để từ đó đặt ra những sứ mệnh quan trọng và bố trí nguồn lực để DNNN thực hiện tốt vai trò, vị trí trong nền kinh tế.

Hai là, cần bàn luận đưa ra các định hướng đổi mới phương thức quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong bối cảnh mới, đặc biệt là giải pháp nào để nâng cao vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Với việc quản lý 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn, nắm giữ 1,1 triệu tỷ đồng trong tổng số 3,7 triệu tỷ đồng tài sản của toàn bộ khối DNNN, Ủy ban cần thực hiện vai trò của người nhạc trưởng trong việc điều phối, huy động nguồn lực của 19 doanh nghiệp phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Ba là, đánh giá rõ hơn về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của DNNN trong thời gian qua để từ đó xác định được những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Những khó khăn nào xuất phát từ thể chế chính sách, những khó khăn nào xuất phát từ khâu triển khai thực hiện để từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các quyết sách khơi thông nguồn lực, tạo đột phá, phát huy vai trò của DNNN với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất”.

Bốn là, xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của DNNN trong giai đoạn tới để DNNN quy mô lớn thể hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt và là công cụ  quản lý hữu hiệu của nhà nước trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhất là trong thời điểm khó khăn, thách thức. Theo Thứ trưởng, DNNN cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế. Các lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị các diễn giả tập trung trao đổi thẳng thắn về những giải pháp theo hướng trọng tâm, đột phá về quản lý phần vốn nhà nước nhằm khơi thông hơn nữa nguồn lực đầu tư của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu sản xuất kinh doanh, đóng góp vào thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025.

Doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng cũng đang đứng trước những đòi hỏi, yêu cầu của bối cảnh mới. Đó là sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường về việc phát triển theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, yêu cầu đẩy mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh để phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường như đã nêu tại Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Diễn giả tham gia phiên thảo luận. Ảnh: MPI

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, Tọa đàm được tổ chức với mong muốn được có nhiều ý kiến thảo luận của đại diện từ các nhà quản lý, các chuyên gia và các thành viên của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, những kinh nghiệm quý báu từ hành trình tái cấu trúc, phát triển doanh nghiệp; những phân tích, kiến giải về tình hình trong và ngoài nước, những vấn đề tích tụ và đề xuất để hoàn thành tốt những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra để đổi mới khu vực DNNN, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển trong thời gian tới.

Tọa đàm được nghe các bài tham luận về quản lý vốn Nhà nước ở doanh nghiệp như tham luận Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước bước khởi đầu vững chắc, đề án phát triển doanh nghiệp lớn và đề xuất thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân...; các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp nhìn lại chặng đường 5 năm vừa qua của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm phát huy nguồn lực kinh tế nhà nước, để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế nhà nước./.

Tag:

File đính kèm