|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 về Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội gồm 63 thành viên là đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương, Lãnh đạo UBND của 09 địa phương trên các vùng và các đồng chí là lãnh đạo cấp Tổng cục, Cục, Vụ, Viện của các cơ quan trung ương. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phân công làm Tổ trưởng Tổ Biên tập.
Tổ Biên tập có nhiệm vụ giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, một trong năm Tiểu ban được thành lập nhằm chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Nhiệm vụ trọng tâm của Tổ Biên tập là tham mưu Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 (gọi tắt là Báo cáo Kinh tế - Xã hội), trình Tiểu ban thông qua để trình Đại hội Đảng.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, phiên họp nhằm là tập trung cho ý kiến dự thảo Đề cương Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030; trong đó, đánh giá về các kết quả đạt được; xác định tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan; bài học kinh nghiệm. Đồng thời đề nghị các đại biểu phải đánh giá, nhận định thật đúng, thật sát thực trạng phát triển, dự báo chính xác tình hình và đề xuất được các giải pháp đột phá để phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 trong bối cảnh giai đoạn tới còn nhiều khó khăn, thách thức.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đưa ra quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước; Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế; Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tham gia ý kiến, các đại biểu đánh giá dự thảo Đề cương được xây dựng công phu, trách nhiệm, cơ bản đã bao quát khá toàn diện, đầy đủ các vấn đề; đồng thời góp ý bổ sung thêm các nhận định, đánh giá tình hình và đề xuất phương hướng, giải pháp chủ yếu cho các ngành, lĩnh vực cũng như đối với các vấn đề tổng thể chung của đất nước, thể hiện quyết tâm cao trong thực hiện các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: MPI |
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu của thành viên Tổ Biên tập; giao bộ phận Thường trực Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Đề cương Báo cáo Kinh tế - Xã hội và chuẩn bị trình Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, trình Bộ Chính trị. Trong đó, cần tiếp tục rà soát các nội dung bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội; các quy hoạch như quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; bám sát các chỉ đạo của Tổng Bí thư liên quan đến việc xây dựng văn kiện của các các tiểu ban.
Đồng thời, phải bám sát tình hình thực tiễn triển khai cũng như các xu hướng mới để xác định các cơ hội, thách thức; bám sát tình hình, bối cảnh thực tiễn của quốc tế và trong nước; các xu hướng mới, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực; giáo dục và đào tạo; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển văn hóa, xã hội; quản lý và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế;…. Các nội dung đánh giá phải khách quan, thẳng thắn, chính xác, phản ánh đúng và có số liệu dẫn chứng cụ thể. Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phải có sở lý luận và tính toán thực tiễn.
Theo kế hoạch, dự thảo Đề cương sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương tổ chức vào tháng 5 năm 2024. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thông qua Đề cương, Tổ Biên tập sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm việc để xây dựng dự thảo Báo cáo Kinh tế - Xã hội, trình Tiểu ban Kinh tế - Xã hội./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư