Sign In

Tiếp tục lấy ý kiến về Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng năm 2050

14:01 23/05/2024
(MPI) – Ngày 23/5/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức họp lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng năm 2050 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Duy Đông.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược ưu tiên, trong đó phát triển khoa học công nghệ cao sẽ thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đây là đề án rất quan trọng nên trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các các bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu khoa học, bài bản, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xu hướng phát triển và cung cầu nguồn nhân lực; lấy ý kiến góp ý nhiều lần, tiếp tục họp thêm để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ ban hành.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo Đề án, trong đó tập trung vào cơ chế thực hiện Đề án bao gồm quy trình tham gia, sử dụng vốn đầu tư công, vốn chi sự nghiệp. Việc giao chỉ tiêu đào tạo, xác định nguồn ngân sách trung ương, nguồn ngân sách địa phương, nhất là việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành, trung ương và địa phương trong khuôn khổ Đề án. Việc giao các nhiệm vụ cho các bộ ngành để sau này các trường, các địa phương có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, sự phối hợp giữa các bên trong việc triển khai đề án cho hiệu quả, thiết thực. Ngoài ra, các đại biểu cần góp ý vào vấn đề cơ chế hỗ trợ cụ thể như thế nào cho hợp lý, hỗ trợ về đào tạo, hỗ trợ nguồn nhân lực, kinh phí hỗ trợ ...

Tại cuộc họp, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, đại diện nhóm soạn thảo đã trình bày các nội dung chính của Đề án. Theo đó, Đề án đã được Bộ trình Chính phủ vào tháng 3/2024. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đề án đã được cập nhật, tiếp thu đầy đủ các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện. Cơ chế thực hiện Đề án gồm cơ chế đăng ký và thực hiện kế hoạch đào tạo; Cơ chế đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án; Cơ chế sử dụng vốn chi thường xuyên.

Trong việc tổ chức thực hiện, nhiệm vụ chung của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án cho cả giai đoạn và kế hoạch hàng năm, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Ưu tiên bố trí ngân sách từ các nguồn thu hợp pháp theo quy định để triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án. Ưu tiên kinh phí từ các chương trình học bổng để đào tạo cán bộ chuyên trách về ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ngoài. Chủ động tham gia và tăng cường hợp tác, liên kết trong mối quan hệ giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia, nền kinh tế có thế mạnh về ngành công nghiệp bán dẫn. Đối với các địa phương, rà soát, nghiên cứu, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp ủy, Hội đồng nhân dân về bố trí nguồn ngân sach hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, các chính sách ưu đãi cho sinh viên địa phương học ngành công nghiệp bán dẫn; triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bày tỏ thống nhất cao việc triển khai Đề án. Đồng thời, đề nghị cần cụ thể hơn nữa nhiệm vụ của các bộ, ngành để phân công, phân nhiệm cho phù hợp như cấp trình, sản phẩm đầu ra, những chính sách đặc thù, các giải pháp...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu được rút ra từ những kinh nghiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến ý kiến của các đại biểu về việc tham gia liên doanh, góp vốn, xử lý tài sản công, .... Để Đề án được triển khai hiệu quả khi đi vào thực tiễn cuộc sống cần sự phối hợp đồng bộ, xuyên suốt của các bộ, ban, ngành, các địa phương. Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp là cơ sở quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, làm rõ thêm tại Đề án nhằm đảm bảo khi Đề án được phê duyệt sẽ triển khai được hiệu quả, giúp cho Việt Nam phát huy được lợi thế để phát triển đất nước./.

Tag:

File đính kèm