Sign In

Tìm động lực tăng trưởng từ các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị

14:24 23/05/2024
(MPI) - Ngày 23/5/2024 đã diễn ra Hội thảo Tìm động lực tăng trưởng từ các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự và phát biểu tại Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hội thảo được tổ chức với kỳ vọng sẽ giúp các nhà lãnh đạo kịp thời nắm bắt thời điểm tiếp cận nguồn vốn xanh, tạo động lực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, tháo gỡ rào cản thương mại quốc tế thông qua những cam kết tăng trưởng bền vững, tuân thủ bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại công bằng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh đến hành trình phát triển xanh; xu thế quốc tế và Việt Nam trong việc thực hành, áp dụng ESG; đồng thời khẳng định, đẩy tăng trưởng xanh là xu thế cấp thiết, là động lực để tăng trưởng kinh tế, là yếu tố then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng thông tin về các ưu tiên của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược cho Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các bên có liên quan để triển khai một cách tích cực về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm tiếp tục đổi mới cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt là để nâng cao khả năng, năng lực cạnh tranh quốc gia, khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào việc giảm phác thải khí nhà kính để thực hiện nền kinh tế trung hòa cacbon trong dài hạn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các chủ trương nhằm hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực hiện ESG; tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý liên quan đến thúc đẩy và thực hành ESG, đặc biệt là liên quan đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi phát triển xanh đã trở thành xu hướng bao trùm trên phạm vi toàn cầu và với việc Chính phủ Việt Nam liên tục khẳng định sẽ thực hiện nghiêm những cam kết sẽ đạt mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc, cũng như cam kết thực hiện đưa mức phát thải ròng về bằng 0 (net zero) vào năm 2050, nhiều doanh nghiệp đã sớm nhận thức rằng, đây là quá trình không thể đảo ngược.

Trên thực tế, việc áp dụng các tiêu chí ESG mở ra các cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác của các doanh nghiệp. Thực hành ESG trở thành một động lực tăng trưởng mới cho những thành viên sớm nắm rõ và tuân thủ những quy định của ESG.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu. Ảnh: MPI

Hội thảo được nghe các ý kiến phát biểu, bài tham luận và những chia sẻ từ đại diện các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Kinh tế trung ương; các chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức hàng đầu của quốc tế và trong nước; câu chuyện thành công và bài học kinh nghiệm xung quanh việc thực hành ESG từ các doanh nghiệp tiên phong như Xanh SM, BCG Energy, Yuanta Việt Nam, TÜV Rheinland Vietnam, Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp XNK Đông Dương (DDG), Công ty cổ phần tái chế nhựa Lam Trân… 

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh đến những thách thức và rào cản khác nhau trong việc thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam, bao gồm thiếu kiến thức, nguồn nhân lực và quy định của Nhà nước.

Do vậy, cần có một chương trình toàn diện bao gồm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ họ tiếp cận với các nhà đầu tư ESG và tác động, xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp và tổ chức tài chính và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện ESG theo đúng cách, tập trung vào tính khoa học và tác động thực tế.

Ông Patrick Haverman đưa ra các đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ESG như cần nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn; Hỗ trợ các chiến lược và chính sách quan trọng về môi trường; xây dựng hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam (SIB), nâng cao năng lực để tăng cường sức chống chịu và hiệu quả của các SIB, các tổ chức trung quan, các cơ quan nhà nước; Xây dựng công cụ về đo lường và quản lý tác động dành cho doanh; xây dựng Chương trình hành động Quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung trình bày về các chủ trương và định hướng chiến lược phát triển bền vững, phát triển xanh của Việt Nam; nhìn nhận phát triển bền vững dưới góc độ từ phía doanh nghiệp trong thực hiện các chiến lược này. Đồng thời cho rằng, mọi chủ trương chính sách vĩ mô chỉ có thể có tác dụng nếu nó có thể ảnh hưởng đến các thực thể vi mô trong nền kinh tế. Chính sách phát triển bền vững, chuyển đổi xanh chỉ có thể có hiệu lực nếu nó được cộng đồng dân cư, doanh nghiệp hưởng ứng. Chuyển đổi xanh phải bắt nguồn đầu tiên từ nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân.

Có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của áp dụng chuẩn mực ESG trong môi trường hội nhập toàn cầu như tăng thị phần, giảm chi phí, giảm áp lực về pháp lý, tối ưu hóa đầu tư và nắm giữ tài sản,...  Đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì việc ứng dụng ESG không chỉ phù hợp với văn hóa và triết lý Á Đông mà còn là hiện thực hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu nghiêm trọng, môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều bất định thì ứng dụng ESG hoặc ít nhất là thấm nhuần tư tưởng của bộ tiêu chí ESG trong điều hành doanh nghiệp sẽ là một hướng tiếp cận quan trọng giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Phiên thảo luận tại Tọa đàm. Ảnh: MP

Chia sẻ ý kiến từ góc độ doanh nghiệp áp dụng ESG, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc GSM toàn cầu Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) CEO, Green and Smart Mobility (GSM) cho biết, việc xây dựng thương hiệu của mình là "Xanh" như một bước đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông xanh, việc này phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như định hướng của chính phủ Việt Nam khi cam kết Net Zero đến năm 2050 tại COP26. Mong muốn của Xanh SM là tạo ra thật nhiều giá trị cho khách hàng và đối tác. Theo đó, doanh nghiệp này đã mở ra một nền kinh doanh mới ESG của Việt Nam và mở rộng ra trên toàn cầu. Đồng thời khẳng định, ESG là xu hướng tất yếu không thể đi ngược.

Ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty CP Én Vàng Quốc tế/Chairman and director, International En Vang JSC (IEV) cho biết, sau hơn 20 năm qua, doanh nghiệp này luôn tìm kiếm các phương án kinh doanh mang lại hiệu qua đóng góp một phần cho cộng đồng. Do vậy, doanh nghiệp này đa chuyển sang đưa xe điện vào vận hành kinh doanh. Kết quả cho thấy, quá trình vận hành an toàn, hiệu quả, chi phí rẻ hơn xăng 20-30%, chi phí bảo hành bảo trì cũng rẻ hơn. Đồng thời bày tỏ mong muốn, thời gian tới sẽ có những chính sách cụ thể hỗ trợ để doanh nghiệp có niềm tin hơn, mạnh dạn thay đổi để tiến tới hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại Hội thảo, đánh giá nhận định dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện đã có chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh nhưng còn nhiều điều cần phải làm để cụ thể hoá thực hiện mục tiêu đề ra để đạt được Net Zero 2050. Hiện, người tiêu dùng hiện đã nâng cao nhận thức trong việc chọn dịch vụ để hưởng ứng và bảo vệ môi trường.

Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ hệ thống phân ngành kinh tế xanh; xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi; nỗ lực hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp trách nhiệm xã hội và các doanh  nghiệp tư nhân có thực hành ESG tốt./.

Tag:

File đính kèm