Sign In

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung dự Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

08:06 17/01/2024
(MPI) - Chiều ngày 16/01/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đã tham dự Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự Hội nghị, về phía Trung ương Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan.Về phía tỉnh Kon Tum có Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Hội nghị là dịp để tỉnh Kon Tum công bố, giới thiệu rộng rãi các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tỉnh; đồng thời, chia sẻ những thông điệp, khát vọng phát triển mạnh mẽ cũng như mong muốn cùng sát cánh, đồng hành, hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh và sớm hiện thực hóa các mục tiêu, ý tưởng thành hành động cụ thể, góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.

Ảnh: Chinhphu.vn

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đã trao hoa và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Kon Tum.

Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN.

Tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, Dịch vụ, Nông nghiệp, Đô thị và Nông thôn. Trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 110 triệu đồng/người; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt trên 118 nghìn tỷ đồng và 2026-2030 đạt trên 155.000 tỷ đồng; trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 3% - 4%/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 64%...

Đến năm 2050, Tỉnh Kon Tum là một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông MêKông, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; có nền tảng kinh tế đủ sức cạnh tranh bình đăng trên trường quốc tế. Phát triển “Ổn định, bền vững và công bằng”; xây dựng hoàn chỉnh nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có môi trường đầu tư năng động, thông thoáng, minh bạch, thân thiện. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng hạnh phúc. Bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Quy hoạch xác định phát triển 3 trung tâm đô thị động lực gồm: Đô thị trung tâm (thành phố Kon Tum và các đô thị vệ tinh, cửa ngõ), trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi - Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y) và trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng Đen và Khu du lịch sinh thái Măng Đen); phát triển các hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị dọc theo đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) và cao tốc Bắc Nam; hành lang Quốc lộ 24 và cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum; hành lang Quốc lộ 40B./.

Tag:

File đính kèm