Đồng thời, phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương và các đối tác trong và ngoài nước để huy động nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, rào cản để có thể nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công.
Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 được tổ chức ngày 26/4/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề "Chuyển đổi thành quốc gia Công nghệ cao". Diễn đàn do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư Do Ventures phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tham dự Diễn đàn có đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước; các tổ chức tài chính, và các quỹ đầu tư; các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo; các trường đại học.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại sự kiện. Ảnh: MPI |
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng và đột phá của rất nhiều công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự phát triển này mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Chính vì vậy, việc tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao là quan điểm lãnh đạo, chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong những năm vừa qua.
Thực hiện chủ trương trên, năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia với mục tiêu Trung tâm là một nhân tố quan trọng góp phần tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, huy động nguồn vốn đầu tư cho đổi mới sáng tạo và là nơi hỗ trợ, ươm tạo, thử nghiệm cho nhiều sản phẩm, dịch vụ mới.
Sau hơn 4 năm thành lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia triển khai nhiều chương trình, hoạt động, đồng hành với các đối tác trong nước và quốc tế và đã góp phần đáng kể thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, kết nối với hệ sinh thái các nước.
Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, Việt Nam tăng hai bậc lên vị trí thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam cũng được xếp hạng là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Có được kết quả tích cực này, trước hết là nhờ nỗ lực không ngừng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong công cuộc đổi mới sáng tạo; đồng thời, một phần nhờ sự hợp tác, đồng hành của tất cả chúng ta tại đây, các nhân tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, năm 2023, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng và phát triển đáng kể khi vượt cơn gió ngược toàn cầu. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực trong thu hút lượng đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech và trí tuệ nhân tạo. Dòng vốn này đã góp phần quan trọng cho phát triển của các doanh nghiệp trong nước và minh chứng cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp. Với lực lượng dân số trẻ đông đảo, đam mê công nghệ và sự quyết tâm, vào cuộc của các cơ quan trung ương, địa phương, Việt Nam đang dần khẳng định là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ toàn cầu.
Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh trên thị trường công nghệ cao toàn cầu. Hai lĩnh vực có nhiều hứa hẹn là ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Đây là những lĩnh vực chiến lược và động lực phát triển mới để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với môi trường đầu tư thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào cùng việc xác định rõ tầm nhìn, quyết tâm cao của Chính phủ phát triển đột phá ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt sau khi Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2023, Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư đa quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ sớm ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án Đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, giữa các trường đại học với các doanh nghiệp, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Bằng cách đó, Việt Nam không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn trở thành nước xuất khẩu bán dẫn lớn, thúc đẩy nền kinh tế và tạo cơ hội việc làm cho người dân.
Một lĩnh vực khác mà Việt Nam có thể đạt được những bước tiến đáng kể là lĩnh vực AI. Với những tiến bộ trong học máy và phân tích dữ liệu, AI đã trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Tương lai phát triển AI của Việt Nam hết sức rộng mở khi một số doanh nghiệp khởi nghiệp AI đã vươn tầm quốc tế và thị trường AI có đủ cơ hội cho tất cả mọi người, từ những doanh nghiệp tên tuổi cho đến cả các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Để tận dụng tối đa những cơ hội này, Việt Nam phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thể đáp ứng nhu cầu của các ngành nói trên. Chính phủ ưu tiên đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Bằng cách trang bị cho lực lượng lao động những kiến thức và kỹ năng cần thiết, Việt Nam có thể nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và đảm bảo mình có lợi thế cạnh tranh trong cuộc cạnh tranh công nghệ cao toàn cầu.
Hơn nữa, trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến làn sóng đổi mới sáng tạo và sự gia tăng nguồn tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn cầu. Xu hướng này rất phù hợp với Việt Nam vì nó mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước tiếp cận vốn và mở rộng quy mô kinh doanh. Bằng cách tận dụng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được những cơ hội giá trị, kết nối với các nhà đầu tư và đảm bảo nguồn tài trợ cần thiết để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh theo định hướng đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, với chức năng tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; phát triển doanh nghiệp… Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều chương trình, hoạt động cụ thể để hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả các dự án đổi mới sáng tạo tiềm năng, cũng như tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho hoạt động đổi mới sáng tạo; huy động nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, rào cản để có thể nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện phát triển các loại hình công nghệ và mô hình kinh doanh mới, “chắp cánh” nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua việc hợp tác với các đối tác tên tuổi như Meta, Google, Siemens, Samsung, JICA, USAID, Cadence, Synopsys, Trường Đại học bang Arizona…
“Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chúng tôi cam kết nâng tầm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, thu hút đầu tư và nuôi dưỡng nhân tài. Thông qua các cơ chế chính sách ưu đãi, hợp lý hóa, đơn giản hóa các quy định và đẩy mạnh hợp tác, chúng tôi sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp, tập đoàn, các tổ chức liên quan và chuyên gia để phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế nhằm tận dụng chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm của họ để xây dựng một cộng đồng đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo việc làm chất lượng cao và cải thiện mức sống cho người dân, định hình một tương lai thịnh vượng cho Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 là cơ hội kết nối những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Đông Nam Á. Diễn đàn đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy hợp tác, trao đổi ý tưởng và góp phần xây dựng lộ trình cho hành trình trở thành quốc gia công nghệ cao của Việt Nam. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2024 cũng được phát hành.
Bằng cách phân tích dữ liệu và xu hướng, Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam thường niên sẽ nguồn dữ liệu tổng quan quý giá cho Chính phủ và các cơ quan chức năng trong quá trình hoạch định chính sách hỗ trợ hiệu quả cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong tương lai. Báo cáo cung cấp những hiểu biết sâu sắc và thông tin có giá trị về thực trạng đổi mới và đầu tư công nghệ ở Việt Nam hiện nay giúp các quỹ đầu tư và doanh nghiệp đưa ra những quyết định đúng đắn./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư