|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Chinhphu.vn |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau một buổi làm việc khẩn trương, trách nhiệm, Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn đã cơ bản hoàn thành chương trình và nội dung đề ra. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đồng tình cao với chủ đề hội nghị, thẳng thắn, tâm huyết, sát thực tế, khả thi.
Theo Thủ tướng, đào tạo nhân lực là một trong 5 trụ cột để ngành công nghiệp bán dẫn gồm: Xây dựng hạ tầng; hoàn thiện thể chế; đào tạo nhân lực; huy động nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái phát triển.
Về nhận thức, Thủ tướng chỉ rõ, Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Đảng, Nhà nước xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đào tạo nhân lực; quan điểm xuyên suốt trong phát triển đất nước là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển; phát triển công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu; phát triển ngành bán dẫn sẽ kéo theo các ngành phụ trợ khác.
Về chủ trương, chính sách, Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024 đã yêu cầu: "Tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030".
Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 07/8/2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học, Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên.
Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Lạc và nhiều khu công nghệ thông tin tập trung. Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này (Viettel, VNPT, FPT, CMC…), có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực của những doanh nghiệp này.
Nước ta có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.
Về các địa phương, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… đều thể hiện quyết tâm thu hút, tạo điều kiện và dành nhiều nguồn lực cho phát triển nhân lực bán dẫn cũng như xây dựng hệ sinh thái cho ngành bán dẫn.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã có quá trình lâu dài và đang đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực với nhiều nước, trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tin. Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.
Các tập đoàn hàng đầu (NVIDIA, Samsung…) cũng có sự quan tâm, định hướng nghiên cứu, đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng cứ điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.
“Trên đây là những điều kiện, nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển nhân lực bán dẫn chất lượng cao”, Thủ tướng nêu rõ.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm, mục tiêu đào tạo từ 50.000 - 100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn. Một là, coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Hai là, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo kỹ năng, đào tạo tiến sĩ, đào tạo trong và ngoài nước, đào tạo qua sản xuất kinh doanh.
Ba là, đa dạng hóa mọi nguồn lực, gồm nguồn lực nhà nước, xã hội, nhân dân, phát huy quan hệ Nhà nước - xã hội - thị trường, đẩy mạnh hợp tác công tư.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cần hoàn thiện thể chế cho đào tạo nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù; đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất…; đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp; phương thức đào tạo cả tiệm cận và đột phá, cả trước mắt và lâu dài; huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp…
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp, đại học, các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động, tích cực, linh hoạt xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp cụ thể phát triển ngành nhân lực bán dẫn. Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" với cơ chế, chính sách phù hợp; phối hợp với các địa phương trong triển khai; thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trong nước.
Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, nghiên cứu, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp ủy, HĐND về bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ dạng học bổng, các chính sách ưu đãi cho sinh viên địa phương học ngành bán dẫn; triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án.
Các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tham gia và tăng cường hợp tác chặt chẽ trong mối quan hệ giữa Nhà nước, đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhằm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia hình thành thị trường nhân lực bán dẫn, tích cực tham gia đóng góp thực hiện Đề án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ sở đào tạo về nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo; đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng Nhà nước để hỗ trợ triển khai Đề án.
Thủ tướng mong muốn sau hội nghị, các chủ thể liên quan nâng cao nhận thức, hiểu rõ nhiệm vụ của mình để xác định và tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện được mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư