Phát biểu tại Tọa đàm “Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Hồng Thái đề cao vai trò của các nhóm nghiên cứu xuất sắc đối với tiềm lực KH&CN của đất nước, sự cần thiết của định hướng hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc và các nhà nghiên cứu trẻ.
Tọa đàm do Trung tâm Báo Khoa học và Phát triển - Tia Sáng và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Nafosted) đồng tổ chức ngày 13/5/2024 tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của hơn 30 nhóm nghiên cứu uy tín từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu định hướng ứng dụng và nghiên cứu ứng dụng công lập và ngoài công lập, ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) là động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, với các từ khóa quan trọng như “phát triển dựa trên KH,CN&ĐMST”, “kinh tế xanh”, “kinh tế số và kinh tế tuần hoàn” được nhắc đến thường xuyên trong các chỉ đạo điều hành của Đảng, Chính phủ. Song song với đó, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nền KH&CN của nước nhà đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín (bài báo quốc tế) tăng khoảng 20%, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 bài báo quốc tế, thể hiện tiềm năng, năng lực nghiên cứu của đất nước ngày càng phát triển, nằm trong các nước dẫn đầu về nghiên cứu của Đông Nam Á.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của các nhóm nghiên cứu xuất sắc, trong các chương trình KH&CN cấp quốc gia, Bộ KH&CN không ưu tiên đầu tư, tài trợ cho các nghiên cứu chỉ đặt mục tiêu là công bố quốc tế, mà quan tâm đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ tài năng. Một ví dụ minh họa là hiện nay tỉ lệ các nhà khoa học trẻ tham gia các đề tài của Quỹ Nafosted đã trên 50%, và Bộ KH&CN đang hướng tới mục tiêu tỉ lệ này đạt trên 70%. Bên cạnh đó, Bộ còn tập trung xây dựng các nền tảng cần thiết cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc như đầu tư nghiên cứu dài hạn, tránh dàn trải, đồng thời chú trọng đến tính liên ngành của các lĩnh vực nghiên cứu.
Thứ trưởng cho biết, một số hướng nghiên cứu có ý nghĩa chiến lược sẽ được Bộ KH&CN ưu tiên trong thời gian tới là năng lượng nguyên tử, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; công nghệ bán dẫn; công nghệ sinh học; khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV); y học; nông nghiệp. Trong mỗi lĩnh vực, đối với từng giai đoạn phát triển, Bộ KH&CN sẽ đưa ra những mục tiêu cụ thể và đồng hành với các nhóm nghiên cứu xuất sắc để thực hiện được các mục tiêu này.
Tọa đàm lần này đã góp phần thể hiện thông điệp của lãnh đạo Bộ KH&CN trong việc đẩy mạnh các nhóm nghiên cứu xuất sắc - đây chính là sự kết nối lâu dài, duy trì sự ổn định để các cơ sở nghiên cứu có điều kiện tồn tại và phát triển trong tương lai.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái phát biểu tại Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học đã trình bày về quá trình hình thành và phát triển của một số nhóm nghiên cứu mạnh cũng như thảo luận về sự phát triển của các nhóm nghiên cứu khối ngành KHXH&NV. Các ý kiến cho rằng, cần thiết phải có một chương trình quốc gia về phát triển nhóm nghiên cứu xuất sắc. Từ những vấn đề đã gặp phải trong thực tiễn, các nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số kiến nghị liên quan đến cơ chế tài chính cho hoạt động tài trợ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ cho các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, thương mại hóa, được bảo hộ sáng chế trong và ngoài nước.
Các nhà khoa học trao đổi tại Tọa đàm.
Đại diện đơn vị tổ chức, TS Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ Nafosted ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học tại Tọa đàm phục vụ quá trình xây dựng và điều chỉnh các chính sách của Quỹ, trên cơ sở đó sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ KH&CN để đề xuất, tham mưu những chủ trương và chính sách phù hợp hỗ trợ các nhóm nghiên cứu xuất sắc trong tương lai.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Tag:
File đính kèm