Sign In

Cơ khí - tự động hóa phục vụ sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

10:48 29/11/2024
Ngày 26/11/2024 tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí và tự động hóa” (Ban chủ nhiệm Chương trình KC.03/21-30) phối hợp với Vụ Công nghệ cao, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước (Bộ KH&CN) tổ chức Hội thảo khoa học “cơ khí - tự động hóa phục vụ cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc”.

Cơ khí - tự động hóa là quá trình sử dụng công nghệ, thiết bị để thực hiện các công việc hoặc quy trình mà trước đây cần đến sự tham gia trực tiếp của con người. Mục tiêu cao nhất của tự động hóa là tăng năng suất, cải thiện chất lượng và tiết kiệm thời gian cũng như chi phí lao động. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều định hướng, chính sách để phát triển ngành cơ khí - tự động hóa. Ngày 15/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và ngày 30/12/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục gồm 99 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó có khoảng 20 công nghệ thuộc lĩnh vực tự động hóa và danh mục 107 sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích đầu tư phát triển, trong đó có khoảng 30 sản phẩm thuộc lĩnh vực tự động hóa. Triển khai chủ trương thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng cơ khí - tự động hóa, Bộ KH&CN đã phê duyệt Chương trình KC.03/21-30. 

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đỗ Quốc Quang, đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.03/21-30 cho biết, Hội thảo là cơ hội để các đại biểu chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo, thảo luận xu hướng phát triển công nghệ nhằm thúc đẩy ngành cơ khí - tự động hóa. Với Việt Nam hiện nay, đây là hai lĩnh vực có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN chia sẻ, thị trường tự động hoá toàn cầu năm 2024 là hơn 200 tỷ USD và đến 2030 khoảng 400 tỷ USD. Riêng về robot, theo Statista, doanh thu thị trường robot dự kiến sẽ đạt 46,11 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024, đến năm 2030, 80% con người sẽ tương tác với robot thông minh hằng ngày, tăng từ dưới 10% hiện nay. Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia thị trường tự động hóa thế giới. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, cần giải quyết được mối quan hệ giữa công nghệ - thị trường, vừa đầu tư vào nghiên cứu các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa phải đầu tư nghiên cứu những sản phẩm mới, đột phá, có tính dẫn dắt, làm thay đổi, tạo ra thị trường mới, không gian phát triển mới cho ngành. 

Ông Hoàng Anh Tú cũng chia sẻ về mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và các yêu cầu của Chương trình KC.03/21-30 và đề nghị các đại biểu thảo luận 02 nội dung: (i) xu hướng công nghệ của cơ khí - tự động hóa, để làm căn cứ định hình mục tiêu nghiên cứu; (ii) đề xuất các vấn đề, nhóm vấn đề mà cơ khí - tự động hóa có thể giải quyết được để tìm kiếm xác định nhiệm vụ cho Chương trình KC.03/21-30 trong giai đoạn tới.

Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các câu hỏi của các đại biểu đã được các diễn giả giải đáp. Bên cạnh các trao đổi về chuyên môn, đáng chú ý có 03 kiến nghị với Bộ KH&CN về cách tổ chức đề xuất, thực hiện nhiệm vụ KH&CN:

PGS.TS. Bùi Quốc Khánh, Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN vì thực hiện đề tài sẽ giúp thay đổi tư duy đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp bám theo yêu cầu của thị trường, qua việc thực hiện, đề tài sẽ đổi mới, phát triển nội lực của mình. Cú hích từ thực hiện nhiệm vụ KH&CN, doanh nghiệp sẽ thay đổi tư duy làm kinh tế của doanh nghiệp và xây dựng được đội ngũ có trình độ, có tư duy để phát triển doanh nghiệp.

PGS.TS. Bùi Quốc Khánh, Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam nêu ý kiến tại Hội thảo.

Theo PGS.TS. Lê Thu Quý, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ hàn và Xử lý bề mặt, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương, đóng góp của Chương trình KC.03 vào các hoạt động KH&CN rất đa dạng, theo nhu cầu phát triển thực tế. Từ góc độ của một đơn vị nghiên cứu, mong muốn Bộ KH&CN sẽ có định hướng đặt hàng theo chùm đề tài nhằm giải quyết các nhiệm vụ KH&CN có tính chiến lược, có tính ứng dụng lâu dài như việc xây dựng công nghệ đường sắt tốc độ cao... PGS.TS. Lê Thu Quý cũng cho rằng, cần có sự kết hợp giữa các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp cùng tham gia giải quyết các “đơn đặt hàng” của Nhà nước.

 Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp hiện nay khi tiến hành các thủ tục để nhận được kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, KS. Nguyễn Thanh Thuỷ, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Think Smart cho biết, do quy trình thực hiện đề tài còn phức tạp và mất nhiều thời gian chờ giải ngân, trong khi doanh nghiệp cần nhanh để kịp cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài nên sẽ mất thời cơ và lợi thế kinh doanh.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các nhà khoa học và chuyên gia đã trình bày 08 bài tham luận xoay quanh các công nghệ, sản phẩm có hướng nghiên cứu mới, tính thời sự thuộc khung Chương trình KC.03, như: trí tuệ nhân tạo trong cơ khí - tự động hóa; ôtô điện là hướng chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải; robot công nghiệp, dịch vụ; thiết bị y tế…
 

Nguồn: Vụ Công nghệ cao, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.03/21-30

Tag:

File đính kèm