Sign In

Khoa học mở: Thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển nghiên cứu tại Việt Nam trong kỷ nguyên số

12:18 03/12/2024
UNESCO cam kết tiếp tục đồng hành chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các cơ quan liên quan để hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực nghiên cứu; củng cố hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), đặc biệt là khoa học mở tại Việt Nam; hướng tới một tương lai, nơi khoa học mở trở thành cây cầu kết nối con người, tri thức và các giải pháp cho một thế giới bao trùm và bền vững hơn.

Ngày 2/12/2024 tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với Ủy ban Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Hội thảo Khoa học mở: Xu hướng hiện nay và vai trò của hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy nghiên cứu tại Việt Nam. Hội thảo được diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan điều phối Tiểu ban Khoa học Tự nhiên thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, năm 2021, Bộ KH&CN đã tích cực làm việc để thúc đẩy Khuyến nghị về Khoa học mở của UNESCO. 

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Bộ KH&CN đã có những bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy khoa học mở như một phần của Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030. Cụ thể, Bộ KH&CN đã phát triển các cơ sở dữ liệu nhằm hỗ trợ hoạt động khoa học mở tại Việt Nam, gồm: xây dựng các cơ sở dữ liệu về nhiệm vụ KH&CN Việt Nam, các công bố KH&CN Việt Nam; phát triển các phần mềm hỗ trợ việc kết nối, quản lý và chia sẻ dữ liệu khoa học từ các nhà xuất bản quốc tế; hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà khoa học và sinh viên về khoa học mở. Đồng thời, kết nối các bên liên quan, chia sẻ kiến thức và nâng cao nhận thức về các nguyên tắc của khoa học mở.  

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, nhận thức về khoa học mở ở Việt Nam vẫn còn hạn chế và đang phải đối mặt với nhiều thách thức như cân bằng tính minh bạch với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; sự tham gia hạn chế của khu vực tư nhân; thiếu các tiêu chuẩn chung cho các kho dữ liệu nghiên cứu... khiến các nhà nghiên cứu ngần ngại khi công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí truy cập mở. Bên cạnh đó, việc chuyển chi phí xuất bản cho tác giả cũng tạo ra rào cản, đặc biệt đối với các nhà khoa học ở các tổ chức có nguồn lực hạn chế.  

Thứ trưởng khẳng định, khoa học mở mang lại cơ hội to lớn để thúc đẩy hợp tác quốc tế, ĐMST và công bằng trong nghiên cứu; Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế của UNESCO và EU để có thể giải quyết những thách thức này. Từ đó, tăng cường năng lực khoa học của đất nước, xây dựng một hệ sinh thái KH,CN&ĐMST và thúc đẩy tiến bộ KH&CN trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Johnathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trong quá trình xây dựng khuyến nghị của UNESCO về khoa học mở và những nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện để triển khai khuyến nghị này tại Việt Nam.  

Ông Johnathan Baker chia sẻ về một số định hướng quan trọng để thúc đẩy khoa học mở tại Việt Nam như: Cần xây dựng, nâng cao các chính sách và chiến lược khoa học mở quốc gia phù hợp với các nguyên tắc, giá trị và hành động của UNESCO, tích hợp khoa học mở vào các chính sách, chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST quốc gia và các khuôn khổ pháp lý liên quan; Cần đảm bảo dịch vụ khoa học mở như truy cập mở, dữ liệu mở, nguồn mở, tài nguyên giáo dục mở... và khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho tất cả mọi người; Tập trung đào tạo, tăng cường năng lực, phát triển đội ngũ chuyên gia trẻ cho khoa học mở...

Ông Johnathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, TS. Javier Lopez Albacete, Tổng cục Nghiên cứu và Đổi mới của EU đã cập nhật tiến trình khoa học mở tại EU; theo đó, khoa học mở đang trở thành trung tâm trong chính sách về KH&CN của châu Âu, ngày càng nhiều quốc gia thành viên có chính sách, hành lang pháp lý hỗ trợ khoa học mở. Ngoài ra, EU cũng xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu mở như Dịch vụ xuất bản truy cập mở (ORE), Nền tảng điện toán đám mây (EOSC), tiến hành đào tạo kỹ năng cho nghiên cứu dữ liệu chuyên sâu.

Giới thiệu các nguyên tắc và giá trị chung của khoa học mở theo bản Khuyến nghị năm 2021 của UNESCO về khoa học mở, TS. Ezra Clark, Trưởng Bộ phận Chính sách KH,CN&ĐMST của UNESCO đã chia sẻ một số kết quả thực hiện bản Khuyến nghị trong hai năm qua, đặc biệt là tác động đến quá trình xây dựng chính sách của nhiều quốc gia thành viên và kế hoạch triển khai khoa học mở của UNESCO trong thời gian tới.

Ông Phùng Công Định, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về KH&CN thuộc Cục Thông tin KH&CN Quốc gia đã chia sẻ về dữ liệu nghiên cứu khoa học mở tại Việt Nam và giới thiệu nền tảng Openscience.vn, một kho dữ liệu nghiên cứu khoa học mở phục vụ chia sẻ, dùng chung. Nền tảng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự hợp tác và đóng góp dữ liệu từ nhiều đối tượng khác nhau, tạo giá trị cho cộng đồng nghiên cứu và xã hội trong việc kế thừa và sử dụng dữ liệu, tiết kiệm chi phí trong nghiên cứu khoa học từ việc tái sử dụng lại dữ liệu. Hiện nền tảng đã có hơn 1.000 tài khoản người dùng và 1.672 bộ dữ liệu.

Về cơ hội và thách thức cho các nhà khoa học và nghiên cứu với khoa học mở, PGS.TS. Đinh Văn Trung, Viện trưởng Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, khoa học mở tạo ra khuôn khổ thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hỗ trợ hợp tác ở cấp quốc gia và quốc tế, giúp thu hút sự quan tâm của công chúng đối với các ngành khoa học cơ bản. Tuy nhiên, để có thể khai thác các lợi ích của khoa học mở thì các nhà khoa học cần sự hỗ trợ về tài chính cũng như hạ tầng nghiên cứu.

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo không chỉ làm rõ những mục tiêu quan trọng mà còn khẳng định vai trò thiết yếu của hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy khoa học mở; hướng triển khai các chính sách khoa học mở và chia sẻ nghiên cứu, dữ liệu chung sẽ giúp Việt Nam giải quyết được những thách thức cấp bách mà không bị giới hạn bởi ranh giới quốc gia; kết nối các bên liên quan và thúc đẩy hợp tác để xây dựng hệ sinh thái khoa học mở… Những nỗ lực này sẽ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, hợp tác quốc tế và phát triển bền vững của Việt Nam; góp phần thúc đẩy khoa học mở tại Việt Nam trong thời gian tới...

Các đại biểu trao đổi ý kiến tại Hội thảo.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Tag:

File đính kèm