Sign In

Hội nghị Điều phối viên quốc gia RCA lần thứ 46

11:06 23/05/2024
Từ ngày 14-17/5/2024, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Trung Quốc (CAEA) đã phối hợp tổ chức Hội nghị Điều phối viên quốc gia (RCA) lần thứ 46 tại Bắc Kinh, Trung Quốc với sự tham gia của 20 trên tổng số 22 nước thành viên RCA.

Đại diện phía Việt Nam tham dự Hội nghị có ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) và bà Trần Ngọc Hoàn, Phó Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế, Viện NLNTVN.
 

RCA lần thứ 46 nhằm bàn thảo, thông qua các kết luận, khuyến nghị sau RCA lần thứ 52; Kết quả triển khai chương trình RCA năm 2023; Xây dựng chương trình RCA giai đoạn 2026-2027; Kế hoạch hoạt động của Văn phòng Hợp tác vùng (RCARO) và các nội dung liên quan khác. 

Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của các Điều phối viên quốc gia (NRs) khi phối hợp với các Điều phối viên dự án quốc gia chủ trì và các Điều phối viên dự án trong quá trình thực hiện, triển khai các dự án RCA.

Trong năm 2023, Chương trình RCA tập trung vào các vấn đề: Đánh giá tình hình thực hiện năm 2023; Dự thảo Báo cáo thường niên; Kế hoạch tổ chức các sự kiện khu vực vào năm 2024; Tiếp cận hệ thống đối với vấn đề ngân sách cho RCA.    Hội nghị ghi nhận tổng số 16 dự án RCA được triển khai trong năm 2023, thuộc 5 lĩnh vực: Nông nghiệp, Y tế, Môi trường, Công nghiệp, Bảo vệ bức xạ và 1 dự án về quản lý chung. Hiện nay việc huy động nguồn lực để đảm bảo tính bền vững của Chương trình RCA là một nhu cầu cấp thiết.

Đặc biệt, Hội nghị lần này đã thảo luận và quyết định về các đề xuất dự án sẽ tiếp tục giai đoạn thiết kế và trình lên IAEA phê duyệt Chương trình RCA giai đoạn 2026 - 2027. Hội nghị đã ghi nhận báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Chương trình RCA (PAC) và đánh giá cao nỗ lực của PAC trong việc rà soát, đánh giá các đề xuất dự án và tổng hợp các đánh giá ưu tiên từ các nước thành viên RCA. 

 
 

Chủ tịch Ban cố vấn chương trình PAC báo cáo tại Hội nghị.

TS. Hua Liu, Phó Tổng Giám đốc IAEA cho rằng các đề xuất dự án RCA có thể được kết hợp theo bốn lĩnh vực chuyên đề để phản ánh các sáng kiến của IAEA trong việc thúc đẩy các ứng dụng của khoa học công nghệ hạt nhân (Atoms4Food, Rays of Hope, Atoms4NetZero, NUTECH Plastic). Với cách tiếp cận này, RCA có thể thu hút thêm nguồn lực từ các đối tác bên ngoài cũng như huy động được ngân sách bổ sung từ kinh phí hợp tác kỹ thuật của IAEA và hỗ trợ từ các chuyên gia kỹ thuật của IAEA. Theo đó, Hội nghị đã quyết định sẽ kết hợp 10 đề xuất dự án được xếp hạng ưu tiên cao nhất theo tổng hợp của PAC thành 06 dự án thuộc bốn lĩnh vực chuyên đề, bao gồm 02 dự án thuộc lĩnh vực Y tế; 02 dự án thuộc lĩnh vực Nông nghiệp; 01 dự án thuộc lĩnh vực Công nghiệp và 01 dự án thuộc lĩnh vực Môi trường. Sau Hội nghị lần thứ 46, Đầu mối phụ trách RCA sẽ chủ trì các cuộc họp trực tuyến nhằm tham vấn các cán bộ kỹ thuật của IAEA, các NRs, các Điều phối viên quốc gia chủ trì tiềm năng, và Ban cố vấn PAC để bàn thảo cách thức kết hợp các đề xuất dự án thuộc các lĩnh vực chuyên đề phù hợp với những sáng kiến của IAEA.

Tại Hội nghị, đại diện các quốc gia chủ trì dự án RCA đã có bài trình bày giới thiệu tóm tắt về kết quả, tiến độ thực hiện của 15 dự án RCA đang hoạt động. 

 
 

Đại diện Việt Nam trình bày báo cáo tiến độ dự án RAS7040.

Đại diện Việt Nam đã có báo cáo trình bày hoạt động của dự án RAS7040 về “Nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước thông qua tăng cường hợp tác khu vực trong phân tích và ứng dụng đồng vị trong môi trường” giai đoạn 2022 - 2025, với sự tham gia của 18 nước thành viên do IAEA quản lý, giám sát và giải ngân. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên trong khu vực về quan trắc chất lượng nước và tài nguyên nước nhằm phát triển và quản lý hiệu quả nguồn nước, môi trường và tác động của biến đổi khí hậu thông qua các kỹ thuật đồng vị. Nhìn chung, các chỉ số về kết quả dự án RAS7040 cơ bản đạt được theo kế hoạch đề ra. Là quốc gia điều phối dự án RAS7040, Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị để tăng cường hiệu quả triển khai dự án: IAEA xem xét mua sắm thiết bị, vật tư tiêu hao cho các phòng thí nghiệm phân tích đồng vị của các nước thành viên kém phát triển hơn; Nhóm nước chưa phát triển về kỹ thuật này cần đề xuất IAEA tổ chức các đợt chuyên gia vào hỗ trợ kỹ thuật; Các quốc gia phát triển cần đóng góp tích cực hơn cho dự án thông qua việc tổ chức các khóa tập huấn cho khu vực về nghiên cứu số lượng và chất lượng nguồn tài nguyên nước.
 

 

Hội nghị chào mừng ông Dae Ki Kim, Giám đốc mới được bổ nhiệm của RCARO và đánh giá cao những đóng góp của Văn phòng RCARO trong việc nâng cao tầm nhìn của RCA cũng như việc huy động các nguồn lực cho RCA. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận cộng đồng quốc tế và các hội nghị quốc tế để thu hút các đối tác tiềm năng nhằm tăng cường hiệu quả triển khai chương trình và các hoạt động RCA. Các đại biểu cũng đưa ra khuyến nghị cần đưa Bản tin RCA, một tài liệu hữu ích về các kết quả hoạt động của RCA, được chia sẻ rộng rãi hơn tới các bên liên quan ở trong và ngoài khu vực RCA. Hội nghị cũng yêu cầu RCARO xem xét việc báo cáo tiến độ các dự án do RCARO quản lý cho các Điều phối viên quốc gia, bao gồm cả các dự án hợp tác mà RCARO là đối tác tham gia, theo định dạng thống nhất với các báo cáo dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA.

Đối với báo cáo Cuộc họp lần thứ 38 của Ủy ban cố vấn thường trực RCARO do Chủ tịch Ủy ban cố vấn thường trực RCARO trình bày, Hội nghị cũng tán thành các khuyến nghị được đưa ra và đề nghị RCARO dự thảo ý tưởng, kế hoạch chuẩn bị cho hai hoạt động tiếp cận cộng đồng về Sự kiện bên lề của Đại hội đồng IAEA, tháng 9/2024 và Triển lãm RCA tại Hội nghị cấp Bộ trưởng của IAEA, tháng 11/2024.

Hội nghị ghi nhận báo cáo về các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA) do đại diện của FNCA trình bày và mong muốn sẽ có sự phối hợp nhiều hơn và trao đổi thông tin rộng rãi hơn giữa giữa FNCA và RCA. Hội nghị cũng cập nhật tình hình tham gia Hiệp định hợp tác vùng RCA 2017 và kêu gọi Fiji khẩn trương hoàn tất các thủ tục gia nhập Hiệp định.

Bên lề Hội nghị RCA lần thứ 46, đoàn Việt Nam cùng 16 nước thành viên RCA khác đã tham dự “Hội nghị bàn tròn giữa Trung Quốc với các nước ASEAN và các nước đang phát triển trong khu vực về hợp tác sử dụng công nghệ hạt nhân vì hòa bình”. Hội nghị đã thông tin về hiện trạng và năng lực ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình ở Trung Quốc. 17 nước thành viên tham diễn đàn đã trình bày về các hướng phát triển ưu tiên của quốc gia về ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình và mục tiêu/định hướng hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này. 

 

Đại diện Việt Nam phát biểu tại sự kiện bên lề Hội nghị.

Đại diện đoàn Việt Nam đã có trình bày tóm tắt về các hướng ưu tiên phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ở các lĩnh vực: Nông nghiệp, Y tế, Công nghiệp và Môi trường và chia sẻ thông tin về nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về tiềm năng hợp tác với Trung Quốc, phía Việt Nam mong muốn trao đổi, hợp tác về phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy những ứng dụng của công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực: Sản xuất và đa dạng hóa các dược chất phóng xạ sử dụng trong y học hạt nhân; Nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư bằng các kỹ thuật xạ trị tiên tiến; Kỹ thuật nhân giống đột biến và các kỹ thuật liên quan, Ứng dụng công nghệ bức xạ trong xử lý nước thải…

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Tag:

File đính kèm