Kịp thời xử lý những vấn đề mới phát sinh
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với quyết tâm của cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, Bộ LĐTBXH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trong xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.
Bộ LĐTBXH đã kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đặc biệt, đồng chí Bộ trưởng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tham gia trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, trả lời 03 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội khóa XV và giải quyết 218 kiến nghị của cử tri (từ kỳ họp thứ 4 đến nay) với tinh thần trách nhiệm cao, cầu thị, thẳng thắn; thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, thị trường lao động được chú trọng phát triển; tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; việc làm và thu nhập của người lao động có tăng so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...; việc chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội được đẩy mạnh.
Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các chính sách, giải pháp, chương trình, đề án về lao động, người có công và xã hội trên địa bàn; kịp thời hướng dẫn, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Bộ. Nhiều địa phương đã có những kiến nghị gửi cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tạo việc làm cho 51,2 triệu lao động
Tính đến hết tháng 6/2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 867 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động nữ là 24,51 triệu người, chiếm tỷ lệ 46,86%; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 6 tháng đầu năm 2023 là 67,5%, tăng khoảng 0,5 điểm % so với năm 2022; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ là 26,6%, tăng 0,4 điểm % so với năm 2022.
Bên cạnh đó, lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; riêng khu vực thành thị là gần 19 triệu người, tăng 355 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 547,1 nghìn người. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 913,2 nghìn người, giảm 192,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2023 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người, chiếm 27%, giảm 5,77 điểm % so với năm 2020…
Trong bối cảnh tiềm ẩn nhiểu rủi ro khi mà sức cầu của các thị trường đối với các mặt hàng chính của Việt Nam suy giảm, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, làm gia tăng số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm... Bộ đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt các phiên giao dịch việc làm chuyên đề theo từng loại lao động, cụm doanh nghiệp để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động.
Các địa phương cũng đã đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm, thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội, 03 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay đạt 2.194,7 tỷ đồng; cho vay 37.839 dự án, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 62.028 lao động.
Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã đưa 72.294 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (trong đó có 25.093 lao động nữ), đạt 65,7% kế hoạch năm và gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực hiện chính sách BHXH, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023, số người tham gia BHXH khoảng 17,485 triệu người, tăng 662 nghìn người (khoảng 3,9%) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 14,29 triệu người, chiếm 30,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Dự kiến số thu BHXH, BHYT, BHTN lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 220.688 tỷ đồng, tăng 21.398 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho 37.840 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 668.307 người hưởng các chế độ bảo hiểm một lần; giải quyết cho 4.367.694 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Số người đến nộp hồ sơ hưởng BHTN là 562.641 người, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 518.561 người, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022; tổng số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.103.689 lượt người, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022; số người được hỗ trợ học nghề là 11.209 người, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022...
Chủ động điều tiết thị trường lao động
Về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành đã trợ cấp thường xuyên cho 1.138.816 đối tượng với tổng kinh phí khoảng 14.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần 100 tỷ đồng cho 2.332 lượt người; hỗ trợ kinh phí mộ, nghĩa trang liệt sỹ 600 tỷ đồng, huy động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”.
Thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 69 bằng Tổ quốc ghi công; cấp lại 4.708 bằng Tổ quốc ghi công; cấp trích lục 80 hồ sơ liệt sĩ; tra cứu 5.000 bộ hồ sơ (gồm: 50 hồ sơ thương binh, 30 hồ sơ bệnh binh và hơn 4.900 hồ sơ liệt sĩ). Tiếp nhận 2.475 mẫu hài cốt liệt sĩ để giám định ADN… Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2023, Bộ LĐTBXH đã thẩm định, trình Chính phủ cấp bằng Tổ cuốc ghi công cho 108 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương…
Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.336.267 đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng. Ngân sách Nhà nước chi trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ BHYT cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ khoảng 28.650 tỷ đồng/năm. Nhiều tỉnh, thành phố có điều kiện chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 400.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng/năm.
Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, kinh phí thực hiện Chương trình đã phân bổ từ ngân sách Trung ương là 12.692 tỷ đồng (gồm: vốn đầu tư phát triển là 5.400 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 7.292 tỷ đồng), ngân sách địa phương là 902,778 tỷ đồng (424,558 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; 478,22 tỷ đồng vốn sự nghiệp). Theo số liệu tổng hợp từ các bộ, cơ quan Trung ương, đã giải ngân nguồn ngân sách trung ương 6 tháng đầu năm 2023 là 1.829,106 tỷ đồng (1.414,189 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 26,19%; 414,917 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 5,69%); nguồn ngân sách địa phương là 81,356 tỷ đồng (20,065 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 4,73%; 61,291 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 12,82%) và khoảng 39,813 tỷ đồng từ các nguồn vốn hợp pháp, đạt 37,14%.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục nghề nghiệp, bình đẳng giới, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội… tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan. Hoạt động nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường thanh tra, kiểm tra; hợp tác quốc tế, thông tin tuyên truyền cũng được toàn ngành LĐTBXH quan tâm thực hiện hiệu quả.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ LĐTBXH xác định toàn ngành cần tiếp tục nỗ lực, thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai nhanh, hiệu quả, đồng bộ các chính sách, giải pháp đã ban hành nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhất là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Kiên quyết, kiên trì, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào. Bộ yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tăng cường năng lực, chủ động phân tích, dự báo, tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, theo dõi sát diễn biến tình hình lao động, việc làm, các vấn đề an sinh xã hội.
Chú trọng việc làm, bảo đảm an sinh xã hội
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu đại diện một số đơn vị thuộc Bộ và lãnh đạo các Sở LĐTBXH đều cơ bản thống nhất với kết quả công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, một ý kiến tham luận của các địa phương đã đưa ra những hiến kế về giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ công tác trong thời gian tới…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Sau tác động của đại dịch, tin tưởng rằng, ngành LĐ TBXH sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới tốt đẹp hơn để tiếp tục có sinh lực mới, tư duy mới và đạt nhiều kết quả mới.
“Từ năm 2016 tới nay, toàn ngành đã nỗ lực 200% khả năng của mình, đặc biệt là tập trung đột phá vào một số lĩnh vực lớn. Trong đó, lĩnh vực thị trường lao động mặc dù còn non trẻ nhưng đã từng bước hình thành và phát triển nhanh chóng, song điều quan trọng hơn cả là đang đi đúng hướng. 7 năm qua cũng thực sự là sự đột phá về lĩnh vực người có công; trên 7.000 hồ sơ tồn đọng thì đến nay đã căn bản giải quyết xong, cụ thể có những trường hợp từ hàng chục năm, thậm chí là gần 100 năm cũng đã được ngành phối hợp giải quyết thấu tình, đạt lý, đem lại niềm tin tưởng, phấn khởi đối với thân nhân các gia đình liệt sĩ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nêu rõ.
Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có những lúc thăng trầm, nhưng đến nay đã phát triển tương đối tốt. 14 lĩnh vực trong ngành đều có những nét khởi sắc rõ rệt, từ trẻ em, bình đẳng giới, lao động ngoài nước, vấn đề việc làm, lĩnh vuecj thanh tra, bảo hiểm xã hội… với những bước đi tương đối đều và chọn được những vấn đề đột phá.
“Đạt được những kết quả đó là sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành LĐTBXH, đặc biệt là sự nỗ lưc của toàn bộ đội ngũ cán bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là những người ở cơ sở. Ghi nhận và hoan nghênh, đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của tất cả các địa phương, các địa phương và cán bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, biểu dương.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Ngành LĐTBXH lúc nào cũng bộn bề công việc, việc nào cũng cần và không thể bỏ qua được, nên chỉ một việc nhỏ nhất mà không giải quyết tốt cũng gây bức xúc xã hội. Nhưng nhiệm vụ hàng đầu của từng cấp là phải phân ra. Cấp chiến lược là cấp Bộ thì phải tập trung tham mưu các cơ, chính sách, thể chế; ở địa phương (cấp tỉnh), việc hàng đầu cũng phải làm là tham mưu thực hiện chính sách…
Đối với nhiệm vụ cụ thể, từ nay đến tháng 10/2023, phải tập trung tham mưu cho Trung ương tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về các chính sách xã hội, đồng thời tham mưu ban hành chính sách mới, chủ trương mới, Nghị quyết mới về chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các vấn đề chuyển mạnh từ chính sách xã hội sang an sinh xã hội, chuyển từ chăm lo cho đối tượng yếu thế sang chăm lo cho tất cả đối tượng của xã hội. Định hướng đến năm 2030 Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong về vấn đề an sinh xã hội và việc làm công bằng theo sáng kiến của Liên Hợp quốc
“Chúng ta chọn 3 vấn đề có tính chất đột phá về chiến lược đó là hình thành và phát triển nhanh thị trường lao động đúng nghĩa của nó. Thị trường lao động là một trong 5 thị trường căn bản, cốt lõi của nền kinh tế .Đây được coi là yếu tố bền vững, cốt yếu. Mà trong thị trường lao động thì có 2 vấn đề rất quan trọng là việc làm và đời sống.” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Tập trung đột phá mạnh vào việc xóa toàn bộ nhà tạm cho người dân, người nghèo. Đến năm 2025, phải giải quyết căn bản 100 nghìn ngôi nhà cho người nghèo, 74 huyện nghèo không còn phải sống trong những căn nhà tạm bợ, dột nát. Đến năm 2030, hoàn thành đề án cả nước không còn nhà nghèo, nhà tạm và phấn đấu xây dựng 1 triệu căn hộ giá rẻ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp đến, những vấn đề cốt lõi nhất và nền tảng của an sinh xã hội trọng tâm là y tế, giáo dục.
Vấn đề nữa mà ngành LĐTBXH phải tập trung là sửa đổi toàn bộ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đây là công việc được coi là vô cùng khó, nhưng khó cũng phải tập trung tháo gỡ...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đặc biệt nhấn mạnh: Thời gian tới, toàn ngành LĐTBXH phải tập trung nâng cao năng lực dự báo cung – cầu lao động để tiến tới xây dựng một thị trường lao động ổn định, bền vững, bao trùm, hiện đại, linh hoạt và hội nhập. Do đó phải dự báo đúng và chúng cung – cầu thị trường lao động, gắn với đó là đào tạo, bồi dưỡng; theo dõi sát tình hình, chủ động điều tiết thị trường lao động…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, yêu cầu: Toàn ngành phải tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đang có, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với các đối tượng người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế…; thực hiện tốt công tác thanh tra thực hiện các chính sách và xử lý sau thanh tra…
Đối với một số vấn đề vướng mắc mà các địa phương nêu trong hội nghị đã được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao các Thứ trưởng phụ trách chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ tập trung xử lý dứt điểm những vấn đề vướng mắc…