Chiều ngày 26/6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức bàn giao, tiếp nhận 10 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Bộ Xây dựng về trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 25/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và đồng chí Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì buổi lễ.
Lễ ký kết biên bản bàn giao, tiếp nhận 10 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Bộ Xây dựng về trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Tại Quyết định số 996/QĐ-TTg, ngày 25/8/2023, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng sau đây về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, bao gồm: Trường Cao đẳng xây dựng số 1; Trường Cao đẳng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị; Trường Cao đẳng xây dựng Nam Định; Trường Cao đẳng nghề Việt - Xô số 1; Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế LILAMA 2; Trường Cao đẳng cơ giới xây dựng; Trường Cao đẳng nghề xây dựng; Trường Cao đẳng kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội; Trường Trung cấp nghề Cơ khí xây dựng.
Nội dung bàn giao nguyên trạng toàn bộ: tổ chức, nhân sự; cơ sở vật chất, trang thiết bị; tài chính, tài sản, đầu tư và các nội dung khác có liên quan đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Phát biểu tại Lễ bàn giao, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, 10 trường được bàn giao hôm nay đều là những đơn vị có bề dày hình thành và phát triển, thời gian gắn bó lâu dài với Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại buổi lễ
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Để công tác chuyển giao thuận lợi, Bộ đã chỉ đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Khoa học công nghệ và môi trường rà soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ, quản lý tài chính của các đơn vị chuyển giao; các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, nỗ lực triển khai và đến hôm nay hai Bộ tiến hành Lễ ký kết bàn giao, tiếp nhận, đảm bảo quá trình hoạt động của các đơn vị không bị gián đoạn.
Trong quá trình chuyển giao, tiếp nhận nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị có liên quan kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ Xây dựng và Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tin tưởng, sau khi được bàn giao về các Bộ LĐTBXH, các đơn vị vẫn sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Xây dựng nói riêng, đất nước nói chung.
Tại buổi lễ, đại diện Trường Cao đẳng xây dựng số 1 đại diện cho các đơn vị chuyển giao chia sẻ một số tâm tư, nguyện vọng, đồng thời khẳng định, tập thể cán bộ, giảng viên, người lao động các đơn vị chuyển giao luôn nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo, phân công của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới; ở bất kỳ vị trí nào cũng sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhất vai trò, trách nhiệm được giao.
Bên cạnh đó, đại diện Trường Cao đẳng xây dựng số 1 mong muốn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ LĐTBXH về mặt tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính để đảm bảo các đơn vị ổn định và tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ
Vui mừng khi được tiếp nhận 10 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Bộ Xây dựng về trực thuộc Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp phát triển rất thăng trầm. Có giai đoạn trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, có giai đoạn lại trực thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo, nhưng rồi lại trực thuộc cả Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục – Đào tạo. Đến năm 2017, theo sự phân công của Chính phủ, Bộ LĐTBXH được giao quản lý Nhà nước về lĩnh vực GDNN, điều đó được chính thức hóa trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và Bộ luật Lao động năm 2019.
“Bộ LĐTBXH có 64 đơn vị, trong đó có 21 đơn vị quản lý nhà nước, giúp việc trực tiếp cho Bộ trưởng, và trên 40 đơn vị sự nghiệp. Tổng số công chức, viên chức, người lao động trên 4.000 người. Việc bàn giao hôm nay, là việc bàn giao đơn vị chủ quản từ Bộ Xây dựng về Bộ LĐTBXH. Về mặt quản lý nhà nước thì Bộ LĐTBXH vẫn đang thực hiện quản lý với 1.982 cơ sở GDNN” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Theo Bộ trưởng, trước đây Bộ Xây dựng là Bộ chủ quản, nay chủ quản là Bộ LĐTBXH, nhưng chắc chắn Bộ Xây dựng vẫn sẽ quan tâm đến 10 trường này, bởi đây vẫn sẽ là 10 trường đào tạo chính cho ngành xây dựng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Thông tin thêm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong chủ trương Bộ LĐTBXH sẽ tiếp nhận 99 trường ở các bộ ngành, trừ 1 số trường có tính chất chuyên sâu. Tuy nhiên, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc Bộ sẽ tiếp nhận 10 trường của Bộ Xây dựng và 3 trường của quân đội, để tiến tới xây dựng các mô hình trường điểm. Bởi với 1.982 cơ sở GDNN, sẽ phấn đấu khoảng 45% là trường tư thục, còn lại công lập chiếm phần nhỏ. “Hướng tới, mỗi tỉnh chỉ có 1 trường cao đẳng với nội dung dạy đa nghành, đa lĩnh vực, đa chương trình và trong trường cao đẳng có cả hệ trung cấp và hệ sơ cấp” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Đối với 10 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Bộ Xây dựng chuyển về trực thuộc Bộ LĐTBXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các trường phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và liên thông trong thời gian tới. Ngược lại, Bộ trưởng cho biết, Bộ LĐTBXH sẽ sẵn sàng “phục vụ” các trường để các trường hoạt động tốt hơn.
Bộ trưởng yêu cầu, từ nay đến hết tháng 7, giao Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp làm việc với từng trường để hoàn thiện hồ sơ thủ tục bàn giao, tiếp nhận và trong tháng 8, Bộ trưởng sẽ trực tiếp làm việc riêng với từng trường để lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các trường gặp phải.
Bộ trưởng cam kết với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ LĐTBXH và cá nhân Bộ trưởng sẽ tạo điều kiện tối đa cho các trường hoạt động theo đúng tinh thần Chỉ thị 21 của Ban Bí thư, làm sao để giáo dục nghề nghiệp phải thực học, thực hành, thực nghiệm.
Bộ trưởng cũng động viên và mong 10 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Bộ Xây dựng chuyển về trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ năng động, đổi mới và hoạt động hiệu quả hơn.