Sau khi Chỉ thị 37-CT/TW được ban hành, nhằm cụ thể hoá và triển khai Chỉ thị, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nghệ An đã ban hành các Chỉ thị, Đề án, Kế hoạch, Nghị quyết, Quyết định chỉ đạo và hướng dẫn triển khai thực hiện. Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ,TB&XH chủ trì, xây dựng kế hoạch, phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức giám sát, kiểm tra công tác đào tạo nghề và việc thực hiện các quy định về giáo dục nghề nghiệp; kịp thời chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh.
Công tác tuyên truyền được triển khai thực hiện đồng bộ, bài bản, với sự tham gia tích cực, hiệu quả của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, cơ quan, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhiều hình thức đa dạng tạo được sự lan tỏa sâu rộng. Các trường, trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp, phân luồng tuyển sinh; đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, tăng cường các hình ảnh quảng bá về trường, cơ sở đào tạo nghề; tư vấn tuyển sinh trực tuyến trên trang web, Facebook của trường.
Ảnh minh họa
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao, UBND tỉnh Nghệ An đã kiện toàn, rà soát, đánh giá, nâng cao chất lượng; sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng thời kỳ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 54 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có 22 cơ sở đào tạo nhân lực có tay nghề cao (10 trường Cao đẳng, 12 trường Trung cấp). Quy mô tuyển sinh đào tạo là 77.991 học sinh, sinh viên/năm gồm các cấp trình độ. Cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường sử dụng lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Việc nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao được chú trọng. Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tư vấn, phân luồng, định hướng cho học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề. Hiệu quả, tần suất hoạt động của sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm được nâng cao.
Công tác đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng và thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của đại diện một số doanh nghiệp, chuyên gia và đảm bảo đúng quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo. Cấu trúc chương trình, nội dung đào tạo tăng thêm thời gian thực hành; tích hợp kiến thức với kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, ngoại ngữ cho người học; gắn với tăng cường giáo dục tác phong làm việc theo hướng công nghiệp, chuyên nghiệp và phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên được đào tạo trình độ tay nghề cao. Vì vậy, kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc, đạo đức nghề nghiệp của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường sử dụng lao động.
Đến nay, tổng số nhà giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 2.065 người; cán bộ quản lý 477 người, trong đó có 382 cán bộ quản lý kiêm tham gia giảng dạy, chiếm 80% tổng số cán bộ quản lý. Trong đó, nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở đào tạo nhân lực có tay nghề cao là 1.073 người; nhà giáo có trình độ trên đại học 831 người, đại học 242 người. Có 511 nhà giáo tham gia giảng dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực Asean, cấp quốc gia. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho 2.782 lượt nhà giáo.
Hằng năm, tỉnh Nghệ An ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương và địa phương để phân bổ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo từng bước đạt chuẩn đào tạo. Trong 10 năm, tổng kinh phí đầu tư cho các nội dung thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao là 652.554 triệu đồng. Cơ chế hỗ trợ đầu tư được đổi mới theo hướng tập trung đồng bộ, có trọng điểm. Các trường đã chủ động liên kết, hợp tác với các trường, tổ chức nước ngoài nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, toàn tỉnh Nghệ An đã có 135.232 người được đào tạo trình độ tay nghề cao (Cao đẳng 48.675 người, Trung cấp 86.557 người). Trong đó, tuyển sinh đào tạo các ngành nghề trọng điểm 59.669 người (chiếm 44,1% tổng số đào tạo trình độ tay nghề cao), gồm các cấp độ: Quốc tế 24.191 người, khu vực Asean 11.202 người, quốc gia 24.276 người.
Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp đạt trên 95% (khá giỏi chiếm 45%); kết quả tham gia kỳ thi tay nghề các cấp học sinh, sinh viên đều đạt giải cao. Một số ngành nghề đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động trong và ngoài nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Nghệ An tăng từ 48% cuối năm 2013 lên 69% cuối năm 2023 (tăng 21%); trong đó, có văn bằng, chứng chỉ từ 19,3% lên 28,6% (tăng 9,3%). Năng lực, chất lượng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp được nâng lên, trình độ kỹ năng tay nghề đáp ứng tốt hơn yêu cầu đào tạo, nhất là các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Cơ cở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo nghề được quan tâm hỗ trợ đầu tư hiện đại, đồng bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập trong tình hình mới.
Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An đánh giá, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, Kế hoạch số 155-KH/TU, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao, chất lượng hiệu quả được nâng lên rõ nét, nhất là các trường chất lượng cao, các ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế. Bên cạnh đó, còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, sửa đổi. Sở LĐTBXH đã tham mưu một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW trong thời gian tới.
Đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao. Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Tiếp tục củng cố nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”.