Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đạt kết quả quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Khu du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 05 trường đại học; 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 11 trường cao đẳng (04 trường cao đẳng công lập trực thuộc tỉnh; 02 trường cao đẳng thuộc bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh); 15 trường trung cấp (08 công lập, 07 tư thục); 07 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện và 09 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề cho khoảng 452.000 lao động, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh từ 71% năm 2021 lên 73% năm 2023; tỉ lệ học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt từ 90 -95%; trong đó có một số nghề đạt 100%, như: Nghề Khai thác, đánh bắt hải sản; Nghề Khai thác máy tàu thủy; Nghề nghề thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên; Nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn; Nghiệp vụ du lịch; Kỹ thuật chế biến món ăn v.v.. 6 tháng đầu năm 2024, đã tuyển sinh khoảng 30.250 người, đạt 63% so với kế hoạch đề ra (theo Kế hoạch là 83.380 người).
Đào tạo nhân lực tay nghề cao đáp ứng nhu cầu kinh tế biển của Thanh Hóa
Riêng công tác tuyển sinh và đào tạo nghề nghiệp phục vụ phát triển kinh tế biển cũng đạt được một số kết quả, đó là: giai đoạn 2020-2023, các trường Đại học của tỉnh tuyển sinh và đào tạo khoảng 300 sinh viên các chuyên ngành: Du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành. Bên cạnh đó, các trường còn tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, liên thông, liên kết, cấp chứng chỉ, với số lượng khoảng 800 - 1.000 học viên mỗi năm.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đào tạo cho khoảng 8.175 người các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp để phục vụ phát triển kinh tế biển. Việc đào tạo ngành, nghề phục vụ kinh tế biển trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên và đào tạo các ngành, nghề như kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng... giúp phát triển du lịch biển.
Bên cạnh đó, một số trường cao đẳng, trung cấp của tỉnh Thanh Hóa được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm tại Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường cao đẳng, trường trung cấp được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2025, đã tập trung tuyển sinh, đào tạo một số ngành phục vụ kinh tế biển như: ngành Quản lý khai thác công trình thủy lợi; Khai thác máy tàu thủy; Khai thác, đánh bắt hải sản; Nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; Kỹ thuật chế biến món ăn; Nghiệp vụ nhà hàng v.v…
Ngoài ra, còn có các Trung tâm GDNN-GDTX được cấp có thẩm quyền cho phép đào tạo một số ngành, nghề trình độ sơ cấp phục vụ phát triển kinh tế biển như: Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoằng Hóa, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hậu Lộc. Mặt khác, các cơ sở đào tạo cũng tổ chức tập huấn cho hàng ngàn lượt người/năm để cập nhật kiến thức mới, kỹ năng nghề mới về nghiệp vụ du lịch.
Nhận thức về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở một số địa phương còn chưa thống nhất và đầy đủ. Kết quả đào tạo nhân lực tuy đạt về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế; chất lượng đào tạo còn chênh lệch giữa các vùng, miền, giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập. Nguồn nhân lực kinh tế biển tỉnh Thanh Hóa nhìn chung chưa đồng đều về chất lượng (tay nghề, kỹ năng). Hiện nay, nguồn nhân lực chủ yếu vẫn là lao động phổ thông, chưa được đào tạo một cách bài bản, theo kiểu cha truyền con nối, người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau. Do đó, khả năng tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến còn hạn chế.
Cơ cấu nguồn nhân lực cũng chưa có sự cân đối, chủ yếu mới tập trung vào nghề khai thác hải sản truyền thống, như: lưới rê, câu, lưới vây, lưới kéo... Trong khi đó, nguồn nhân lực phục vụ du lịch, hàng hải và công nghiệp chế biến hải sản theo hướng công nghệ cao còn hạn chế. Xuất khẩu lao động tập trung vào độ tuổi lao động trẻ có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây tại nhiều địa phương ven biển cũng tác động không nhỏ đến sự thiếu hụt nhân lực kinh tế biển. Do đó, nguồn nhân lực chưa trở thành nhân tố đột phá trong phát triển kinh tế biển.
Các cơ sở đào tạo chưa bám sát yêu cầu, định hướng phát triển kinh tế biển của địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, chỉ có 8/66 cơ sở đào tạo các ngành nghề liên quan đến kinh tế biển, đa số liên quan đến lĩnh vực du lịch.