Sign In

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với Cục Việc làm

21:17 13/09/2024
Sáng ngày 13/9, tại Trụ sở Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có buổi làm việc với Cục Việc làm về việc triển khai một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới. Cùng dự có Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng toàn thể các cán bộ công chức, viên chức của Cục.

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, ngay từ đầu năm, Cục Việc làm đã bám sát các nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ giao và ban hành nhiệm vụ trọng tâm của Cục trên cơ sở các quy chế hiện hành, đảm bảo xin và tiếp thu ý kiến của các cấp, các tổ chức trong Cục.

Về công tác xây dựng văn bản, Cục đã tập trung nỗ lực đảm bảo các quy định, trình tự hiện hành, nổi bật là trong công tác xây dựng hồ sơ Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đến nay, Cục đã tham mưu trình Bộ, trình Chính phủ để ban hành Tờ trình 410/TTr-CP gửi Quốc hội về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Các văn bản được giao khác đã hoàn thiện, hoặc đang trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền.

Về lĩnh vực thị trường lao động, Cục luôn tích cực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội và Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 5/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển thị trường lao động đến năm 2030; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường lao động tại địa phương; điều phối kết nối cung – cầu lao động thường xuyên tại các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm, đối thoại với các doanh nghiệp dịch vụ việc làm, cung ứng lao động trên khắp cả nước.

Bộ trưởng làm việc với Cục Việc làm

Về chính sách việc làm, Cục đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị có liên quan để tham mưu, đề xuất các khoản tín dụng hỗ trợ việc làm, triển khai các chính sách việc làm mới; bám sát nhu cầu thực tế triển khai các nội dung thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2026 để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, Cục đã phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thanh tra Bộ và các địa phương để triển khai hiệu quả chính sách BHTN, tháo gỡ, hoàn thiện thủ tục hành chính nhằm phục vụ lợi ích người lao động; tích cực triển khai Đề án nâng cao hiệu lực hiệu quả của các đơn vị triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp, từng bước chuyển đổi theo hướng thực đơn giá dịch vụ công. Nhìn chung, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được người sử dụng lao động và người lao động đón nhận một cách tích cực, được dư luận xã hội đánh giá là một trong những chính sách sớm đi vào cuộc sống và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Về quản lý lao động, năm 2024, Cục đã từng bước hoàn thiện quy trình thủ tục hành chính liên quan tới quản lý lao động nói chung và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói riêng. Ngoài việc tham mưu ban hành Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023, Cục đã chủ động tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nước ngoài trên địa bàn cả ba vùng Bắc – Trung – Nam; hướng dẫn, giải đáp, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc xin cấp phép lao động; chủ động đề xuất Thanh tra Bộ tổ chức các đoàn thanh kiểm tra về nội dung này tại các địa phương, từng bước chuẩn hoá quy trình thủ tục hành chính trên toàn quốc.

Về hoạt động của Trung tâm Quốc gia dịch vụ việc làm và hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc, Cục đã chỉ đạo Trung tâm quốc gia tích cực triển khai liên kết, gắn kết, dẫn dắt 63 Trung tâm dịch vụ việc làm, tập huấn, hướng dẫn, phối hợp tổ chức các sàn giao dịch việc làm quy mô vùng và trên toàn quốc; thu thập thông tin thị trường lao động và thực hiện các báo cáo thường xuyên, đột xuất, làm cơ sở tham mưu kịp thời để ban hành, triển khai các chính sách hỗ trợ thị trường lao động qua các giai đoạn và biến động khác nhau của thị trường.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, Cục Việc làm là đơn vị quan trọng, tham gia vào rất nhiều báo cáo của Chính phủ liên quan đến vấn đề việc làm, thị trường lao động, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Chất lượng cán bộ tương đối đồng đều, trình độ tốt. Chất lượng văn bản cơ bản tốt, đúng thời hạn; số liệu tình hình thị trường lao động, việc làm được cập nhật thường xuyên… Tuy nhiên, Cục vẫn tồn tại hạn chế, khó khăn như tính chủ động chưa cao; sự phối hợp các đơn vị chưa thực sự tốt.

Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, Cục cần tập trung cao độ cho dự án Luật việc làm sửa đổi. Cục trưởng phải trực tiếp chủ trì, phối hợp tốt với các đơn vị trong và ngoài Bộ. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; tăng cường sự thống nhất, nâng cao vai trò lãnh đạo đơn vị, phát huy vai trò của các công chức, viên chức của Cục.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Cục Việc làm là Cục giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của ngành LĐTBXH. Bộ trưởng cho biết, 5 năm trước chúng ta tập trung rất cao độ cho vấn đề người có công và người yếu thế và đã giải quyết căn bản được những vấn đề này. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban cán sự và cá nhân Bộ trưởng đã xác đinh rõ nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là vấn đề lao động việc làm và thị trường lao động bởi vì đây là xương sống của Bộ, ngành.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua, bằng sự nỗ lực của toàn ngành, trong đó có các đơn vị liên quan đến lĩnh vực việc làm, chúng ta đã giải quyết căn cơ, nhiều việc trong đó phải kể đến việc duy trì thi trường lao động tương đối ổn định, bền vững, sau Covid 19 không đứt gẫy trầm trọng và gần đây đã bắt đầu phục hồi và dần trở lại như trước dịch. Thị trường lao động đã thực sự trở thành một trong năm thị trường của kinh tế thị trường.

Bộ cũng đã tham mưu ban hành nhiều văn bản quan trọng để tạo ra khung khổ pháp lý rất căn cơ trong quản lý và phát triển thị trường lao động, chẳng hạn như Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ ngày 10/1/2023; Chỉ thị 09 của Bộ Chính trị, Ban bí thư về quản lý lao động ngoài nước, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; sau đó là sửa Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, thay thế bằng Nghị định số 70/2023/NĐ-CP… Đây là 3 văn bản quan trọng, hình thành thị trường lao động, quản lý và vận hành thị trường lao động để có hiệu quả như ngày nay.

Bộ trưởng cho biết thêm, sau dịch Covid 19 vừa qua, đặc biệt là năm 2023, chúng ta đã đẩy mạnh cung cầu hình thành sàn giao dịch việc làm, góp phần quan trọng trong mấy việc: Thứ nhất là tỷ lệ người lao động vào khu vực phi chính thức giảm đi rất nhanh, nếu năm 2016 là 54% thì thì đến nay còn khoảng 24%; Thứ hai là người lao động có bằng cấp, chứng chỉ gia tăng rất nhanh. Năm 2011 là 14%, đến nay khoảng hơn 27%; Thứ ba là tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cho phép, thuộc quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp, thất nghiệp ở thành thị không phải là cao, thất nghiệp ở thanh niên trên 7%; Thứ tư là sự phối hợp giữa Cục Việc làm và các đơn vị có chuyển biến, sự quản lý nội bộ có tiến bộ; Thứ năm là có đội ngũ cán bộ tốt, từng trải, có kinh nghiệm trình độ chuyên môn đào tạo căn bản, điều kiện làm việc tương đối tốt. Từ những cái được này, các đồng chí nhìn lại cái không được để điều chỉnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận buổi làm việc

Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị Cục Việc làm quan tâm một số vấn đề:

Thứ nhất là vấn đề thị trường lao động: Cần xây dựng thị trường lao động linh hoạt, ổn định, bền vững và bao trùm vô cùng quan trọng. Đây là xương sống là công việc chính của ngành lao động. Vấn đề lao động việc làm hiện nay rất khác so với những năm trước, biến động nhanh, giao tiếp hợp đồng lao động, quan hệ lao động khác. Trước đây người lao động làm việc trong công trường, nhà máy, nay đã linh hoạt, đã khác rồi: ngồi trên xe cũng là lao động, vẫn làm việc, ngồi nhà cũng làm việc, không phải đến công sở.

Trong 5 chuyển đổi cùng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì có rất nhiều chuyển đổi: chuyển đổi không gian, chuyển đổi xã hội… thay đổi toàn bộ kết cấu xã hội và cơ cấu lao động. Một lao động có thể giao kết lao động 3,4 nơi với các quan hệ lao động khác nhau. Cục Việc làm phải dự đoán được điều đó, thông tin và tham mưu được điều đó cho lãnh đạo.

Thứ hai là tăng cường vai trò quản lý nhà nước về lao động, việc làm, gắn chặt giữa lao động việc làm với đào tạo. Đào tạo ra để phục vụ thị trường nhưng muốn thị trường tốt thì phải đào tạo, hai phải là một. Đào tạo phải gắn với cung cầu, với thị trường, gắn với sử dụng lao động. Đấy chính là khâu đột phá của đào tạo, mục đích để giảm nhanh thị trường lao động phi chính thức, việc làm thỏa đáng và bền vững.

Thứ ba là vai trò của Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm phải thực sự đổi mới và lột xác theo 2 hướng: Một là Phát triển dịch vụ công; hai là có cơ chế nhà nước đặt hàng, chú ý kết nối cung cầu, sàn giao dịch việc làm phải làm cho tốt lên; xây dựng thiết chế, quan hệ với Tổng Cục Thống kê chặt chẽ.

Thứ tư là thiết lập lại quan hệ, xây dựng quan hệ cho tốt: lãnh đạo gương mẫu; quy trình thủ tục đúng; Việc làm cả nước bền vững hay không thì Cục việc làm phải bền vững và đoàn kết thống nhất; quản lý, điều hành cho khoa học, hiệu quả.

Thứ năm là đầu tư dứt điểm dự án về việc làm và bảo hiểm thất nghiệp không có bất kỳ lý do nào. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Lê Văn Thanh chủ trì, chịu trách nhiệm toàn quyền dự án, trực tiếp báo cáo Bộ trưởng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trước mắt Cục cần tập trung tốt cho Dự án Luật Việc sửa đổi. Đây sẽ là một việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Các đồng chí phải phối hợp nhau cho tốt giữa Cục Việc làm và các đơn vị liên quan, đặc biệt là Tổng Cục GDNN về các vấn đề liên quan kỹ năng nghề, đào tạo, bằng cấp. Tiếp đó là tập trung rà soát công khai minh bạch việc cấp phép, đơn giản các thủ tục cấp phép, thực hiện các kết luận thanh tra.

Cuối cùng, Bộ trưởng chúc Cục Việc làm: Đoàn kết và khẳng định “Có đoàn kết thì có tất cả, không có đoàn kết thì khổ trăm bề. Cục Việc làm đoàn kết, thống nhất, vững mạnh, bền vững thì vấn đề việc làm sẽ tốt lên".

Tag:

File đính kèm