Phát biểu tại Tọa đàm, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết thị trường lao động Việt Nam dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế như sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Cùng với đó, chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động.
Tọa đàm nhằm hướng tới một thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập, đồng thời cung cấp những thông tin hứu ích, những đề xuất đột phá, những bài học tâm huyết từ các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTBXH, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐTBXH tại TP.HCM cho biết, thị trường lao động là một trong 3 đầu vào của nền kinh tế, tác động rất lớn đến nền kinh tế xã hội. Sau hơn 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, tình hình lao động việc làm, thị trường lao động tại Việt Nam đã có rất nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tọa đàm xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn
Theo Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTBXH, hiện cả nước hiện có 52,4 triệu lao động, đây chính là một lợi thế. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động hiện nay là 68,9%. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền công nghệ số, chuyển đổi số, chúng ta đang đối mặt với khó khăn trong tiếp cận người lao động. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế là tỉ lệ người lao động qua đào tạo hiện nay rất cao nhưng tỉ lệ lao động qua đào tạo mà có bằng cấp, chứng chỉ lại không cao. Nguyên nhân của vấn đề này là do một phần doanh nghiệp tự đào tạo cho người lao động sau khi tuyển dụng song họ không có chức năng cấp bằng cấp, chứng chỉ cho người lao động đó. Bên cạnh đó, một số nghề, lao động đang thu hút lao động nhưng chưa được định danh như chạy xe công nghệ, giao hàng… Mặt khác, lao động đang có sự dịch chuyển địa lý, từ các thành phố lớn về các địa phương.
Với cùng một mức lương, người lao động có xu hướng chọn về các địa phương có mức sống thấp hơn. Do vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thâm dụng lao động cũng đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy về các địa phương để tận dụng nguồn lao động.
Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTBXH Phạm Anh Thắng cho rằng, để đạt hiệu quả tuyển dụng, bên cạnh chính sách về tiền lương, doanh nghiệp phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ, song song với đó là họ phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển.
Bên cạnh đó, cả nước có 1.886 cơ sở đào tạo nghề trên cả nước, hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần liên kết với các cơ sở đào tạo này để đào tạo người lao động để có được lực lượng lao động có tay nghề.
Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTBXH khẳng định sẽ ghi nhận những ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm. “Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, từ những góp ý rất thiết thực của các đại biểu ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tổng hợp, có ý kiến với các cơ quan có liên quan để góp phần xây dựng luật”, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh.