|
Chiều 31/10/2022, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến các văn kiện hợp tác hai nước đã được ký kết. (Nguồn: TTXVN) |
Với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo đất nước giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại những đổi thay toàn diện và tươi đẹp cho đất nước, đặc biệt là đã xác định được các vấn đề căn bản như con đường và phương hướng phát triển xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, khẳng định tính ưu việt to lớn của chế độ xã hội chủ nghĩa, chỉ rõ tính đúng đắn của con đường phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tổng kết kinh nghiệm đổi mới lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Công tác ngoại giao luôn góp phần quan trọng làm thay đổi vị thế quốc tế của Việt Nam, đồng thời, những nỗ lực của ngoại giao Việt Nam cũng từng bước nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự rất nhiều diễn đàn quốc tế; thăm các nước như Trung Quốc, Nga, Cuba, Lào, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Đặc biệt là tháng 11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chọn Trung Quốc là nước thăm đầu tiên sau khi bùng phát dịch bệnh Covid-19. Chuyến thăm diễn ra thành công ngay sau bế mạc Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên Trung Quốc đón tiếp sau Đại hội XX, thậm chí là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Tổng Bí thư Tập Cận Bình trực tiếp giới thiệu về tình hình liên quan đến Đại hội XX, thể hiện rõ vai trò quốc tế quan trọng của Việt Nam và quan hệ hữu nghị rất quan trọng giữa hai Đảng, hai nước Trung-Việt.
Tiếp sau đó, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng lần lượt thăm Trung Quốc, thể hiện rõ xu thế tốt đẹp về giao lưu, hợp tác Trung-Việt.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, ngày 26/6/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay, không có quốc gia, dân tộc nào có thể đơn độc mà không chịu ảnh hưởng của tình hình thế giới và cục diện thời đại.
Trong những nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực đối ngoại giai đoạn 2020-2030, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị ngành đối ngoại chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.
Có thể nói, nền ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tích cực nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, góp phần quan trọng làm thay đổi vị thế quốc tế của Việt Nam, từng bước nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phong cách ngoại giao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang phong cách riêng biệt với lập trường chính trị rõ ràng, biện pháp ngoại giao linh hoạt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu nghiên cứu vấn đề lý luận chủ nghĩa xã hội, làm rõ phương châm ngoại giao độc lập, tự chủ của Việt Nam, kiên trì lập trường chính trị đúng đắn và chính sách “bốn không”, phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt Nam không gây thù oán với ai”, trọng tâm là giữ quan hệ hợp tác hữu nghị với láng giềng và nước lớn. Đồng thời, Việt Nam có các biện pháp ngoại giao linh hoạt. Trong giai đoạn dịch bệnh, giao lưu chính trị giữa hai nước Trung-Việt duy trì thông suốt.
Từ năm 2020 đến nay, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 4 lần điện đàm. Lãnh đạo cấp cao hai nước Trung-Việt duy trì tiếp xúc chặt chẽ thông qua các hình thức như điện đàm, hội đàm trực tuyến, thư từ.
Trong dịp Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, lãnh đạo hai bên đã gửi lời chúc mừng lẫn nhau bằng nhiều hình thức. Tất cả điều này đều nâng cao hiệu quả mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.