Sign In

Lịch sử hình thành và phát triển Bộ Nông nghiệp và PTNT

15:17 05/01/2023
Lịch sử hình thành và phát triển Bộ Nông nghiệp và PTNT

I. THỜI KỲ 1945-1954, KHÁNG CHIẾN KIẾN QUỐC.

BỘ CANH NÔNG (1945)

Ngày 14 tháng 11 năm 1945, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết nghị về việc lập Bộ Canh nông.

BỘ GIAO THÔNG CÔNG CHÍNH (1945)

Bộ Giao thông công chính được thành lập theo Tuyên cáo ngày 28/8/1945 của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

II. THỜI KỲ 1955-1975, XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

VÀ ĐẤU TRANH THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC.

BỘ NÔNG LÂM (1955)

Tại phiên họp các ngày 1,2 và 4 tháng 02 năm 1955 của Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết đổi tên Bộ Canh nông thành Bộ Nông lâm.

BỘ THUỶ LỢI VÀ KIẾN TRÚC (1955)

Từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 9 năm 1955, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá I đã thông qua đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quyết định tách Bộ Giao thông Công chính thành 2 Bộ:

Bộ Giao thông và Bưu điện

Bộ Thuỷ lợi [1] và Kiến trúc

BỘ THUỶ LỢI (1958)

Ngày 29/4/1958, tại kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa I ra Nghị quyết tách Bộ Thủy lợi và Kiến trúc thành hai Bộ: Bộ Thủy lợi và Bộ Kiến trúc.

BỘ THUỶ LỢI VÀ ĐIỆN LỰC (1960)

Cuối năm 1960, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, với xu thế phát triển mạnh thuỷ điện, Nhà nước chuyển Tổng cục Điện lực thuộc Bộ Công nghiệp nặng sáp nhập vào Bộ Thuỷ lợi, đổi tên Bộ Thuỷ lợi thành Bộ Thuỷ lợi và Điện lực.

BỘ NÔNG NGHIỆP, BỘ NÔNG TRƯỜNG,

TỔNG CỤC THUỶ SẢN, TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP (1960)

Cuối tháng 4 năm 1960, Hội đồng Bộ Trưởng đã họp, thảo luận và ra Nghị quyết trình Quốc hội, đề nghị Quyết định tách Bộ Nông lâm thành 4 tổ chức: Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng Cục Thuỷ sản và Tổng Cục Lâm nghiệp

BỘ THUỶ LỢI (1962)

Ngày 28 tháng 12 năm 1962, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 216-CP tách Tổng cục Điện lực ra khỏi Bộ Thuỷ lợi và Điện lực để chuyển sang trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng, đổi tên Bộ Thuỷ lợi và Điện lực thành Bộ Thuỷ lợi.

UỶ BAN NÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG (1971)

Năm 1969, thực hiện chủ trương phân cấp quản lý các Nông-Lâm trường cho địa phương quản lý, Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường và Tổng cục Lâm nghiệp chỉ được giao quản lý trực tiếp một số Nông Lâm trường, Trạm trại chủ yếu làm giống và thí nghiệm; đồng thời Chính phủ mong muốn có một tổ chức đủ mạnh để điều hành sản xuất nông nghiệp đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở Tờ trình của Hội đồng Chính phủ gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Uỷ ban Nông nghiệp, ngày 01 tháng 4 năm 1971, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp ra Nghị quyết số 1066-NQ/TVQH phê chuẩn việc thành lập Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương [2] trên cơ sở sáp nhập Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường và Ban Quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

III. THỜI KỲ 1976 – 1985, ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.

BỘ HẢI SẢN (1976)

Trước đòi hỏi khách quan và bức thiết phát triển nghề cá biển, Quốc hội Việt Nam thống nhất trong kỳ họp đầu tiên năm 1976 đã thành lập Bộ Hải sản.

BỘ LÂM NGHIỆP (1976)

Cũng trong kỳ họp này, theo Nghị quyết của Quốc hội, trong cơ cấu của Hội đồng Chính phủ có Bộ Lâm nghiệp.

Như vậy, từ tháng 7/ 1976, cơ quan quản lý lâm nghiệp, thuỷ sản toàn quốc đã chuyển vị trí từ trực thuộc Hội đồng Chính phủ (Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thuỷ sản) thành cơ quan của Hội đồng chính phủ (Bộ Hải sản, Bộ Lâm nghiệp), có chức năng và quyền hạn như các Bộ, cơ quan nganh Bộ khác của Hội đồng Chính phủ.

BỘ NÔNG NGHIỆP (1977)

Nền nông nghiệp nước ta được đặt ra trước nhiệm vụ mới trên địa bàn cả nước. Ngày 11 tháng 3  năm 1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 52-CP sửa đổi một số tổ chức của Bộ Nông nghiệp:

BỘ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM, BỘ LƯƠNG THỰC (1981)

Ngày 22/01/1981, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập hai Bộ: Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực trên cơ sở tách Bộ Lương thực và thực phẩm. [3]

BỘ THUỶ SẢN (1981)

Quốc hội khoá VII (tháng 7/1981) đã quyết định thành lập Bộ Thuỷ sản.

IV. GIAI ĐOẠN ĐỔI MỚI TỪ 1986 ĐẾN NAY

1. Thời kỳ 1986 đến 1995.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM (1987)

- Thực hiện chủ trương phát triển nền nông nghiệp Việt Nam gắn với chế biến, tiêu thụ theo một quy trình khép kín từ sản xuất-chế biến-tiêu thụ, ngày 16/2/1987, Hội đồng Nhà nước đã có Nghị quyết số 782 NQ HĐNN 7 về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trên cơ sở sáp nhập 3 Bộ: Nông nghiệp, Lương thực [4], Công nghiệp thực phẩm [5].

2. Thời kỳ từ 1995 đến 7/2007.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (1995)

Kế thừa và phát huy thành tựu 10 năm đổi mới tổ chức các cơ quan hành chính Nhà nước, Chính phủ đã có định hướng thu gọn các Bộ quản lý ngành hiện có theo chiều hướng chuyển từ Bộ quản lý đơn ngành sang mô hình Bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có chức năng gần giống nhau, giảm bớt sự chồng chéo, chia cắt giữa các Bộ; để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi và phát triển nông thôn.

Từ ngày 03/10 – 28/10/1995, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá IX thông qua Nghị quyết về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thuỷ lợi.

 3. Thời kỳ tháng 8/2007 đến nay.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (8/2007)

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XII (tháng 8/2007) đã quyết định hợp nhất Bộ Thuỷ sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 03/01/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nghị định quy định “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ, thực  hiện chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước; quản lý Nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật”.


[1] Bộ Kiến trúc và Thuỷ lợi được thành lập trên cơ sở sáp nhập Nha Kiến trúc và Nha Thuỷ lợi.

[2] Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương lúc bấy giờ là một tổ chức quản lý Nhà nước ngang Bộ. Sau này Uỷ ban đổi tên thành Bộ Nông nghiệp.

[3] Bộ Lương thực và Thực phẩm thành lập vào tháng 12/1969 theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 19/8/1969, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 149-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lương thực và thực phẩm.

[4] Bộ Lương thực được thành lập theo Nghị quyết ngày 22/01/1981 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

[5] Bộ Công nghiệp thực phẩm được thành lập theo Nghị quyết ngày 22/01/1981 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tag:

File đính kèm