Bộ trưởng Lê Minh Hoan chúc mừng bà Đại sứ Helga Margarete Barth vừa mới đảm nhiệm vị trí tại Việt Nam ngày từ 12/8/2024. Việt Nam và Đức có mối quan hệ thân thiết bền chặt cùng quan hệ thương mại liên tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Với ngành nông nghiệp, Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía các bạn, chủ yếu thông qua các dự án ODA trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng mong rằng hai bên sẽ tiếp tục tăng cường thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều cấp độ và lĩnh vực. Đối với nông nghiệp, Việt Nam mong muốn Đức tiếp tục hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, tái cơ cấu ngành, tăng trưởng xanh, bảo vệ đa dạng sinh học…và một số lĩnh vực khác Việt Nam có nhu cầu cao (thủy lợi, thiên tai, hạ tầng nông nghiệp).
Với nền kinh tế kĩ thuật phát triển của Đức, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng mong muốn phía Đức hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, lâm nghiệp nói riêng bao gồm các lĩnh vực đa dạng sinh học, xây dựng thể chế, chi trả dịch vụ môi trường rừng, FSC, FLEGT. Trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng thể chế cho quản lý rừng cộng đồng, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu gỗ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam thay vì xuất khẩu dăm gỗ. Xem xét tăng cường ODA cho Việt Nam, mở rộng thêm một số lĩnh vực như: lĩnh vực thủy lợi, thủy sản, chế biến nông sản và công nghệ sau thu hoạch, phòng chống thiên tai và công nghệ nuôi trồng nông lâm ngư nghiệp, ngoài những lĩnh vực ưu tiên hiện tại là quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững.
Các lãnh đạo Bộ NN&PTNT chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn Đại sứ Đức tại Việt Nam.
Đại sứ Helga Margarete Barth bày tỏ cảm thông, chia sẻ với những mất mát mà Việt Nam vừa trải qua do cơn bão số 3 Yagi vừa qua gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Bà Helga Margarete mong muốn có ngày được tiếp đón ngài Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại nước Đức. Việt Nam là một nước phát triển nhanh vượt bậc, từ một đất nước nghèo phải lo lương thực cho đời sống nhân dân thì cho đến nay Việt Nam đã có thể xuất khẩu lương thực cho các quốc gia khác với số liệu xuất khẩu rất ấn tượng.
Theo Đại sứ Helga Margarete Barth, Bộ NN&PTNT là đối tác quan trọng trong hợp tác để phát triển, đã có rất nhiều hợp tác thành công và để lại thành quả lâu dài. Tuy nhiên các thủ tục cấp phép xuất nhập khẩu của 2 nước còn nhiều khúc mắc, do vậy bà Đại sứ mong muốn trong thời gian tới hai bên sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ để cùng tháo gỡ thủ tục để thuận tiện cho việc giao thương. Đức hiện nay đang xuất khẩu sản phẩm thịt lợn sang Việt Nam, tuy nhiên đang vướng mắc do Việt Nam chưa có các có đầu mục danh sách cho doanh nghiệp Đức để có thể xuất khẩu được thịt lợn sang. Bà Helga Margarete Barth mong rằng phía Bộ NN&PTNT phối hợp để các doanh nghiệp Đức có thể đủ điều kiện để xuất khẩu vào Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và bà Đại sứ Helga Margarete Barth chụp ảnh lưu niệm
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết. Hiện nay Việt Nam đang tiếp nhận 78 doanh nghiệp của Đức trong có 67 doanh nghiệp xuất khẩu động vật trên cạn và 11 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đức là 1 trong 4 nước xuất khẩu lớn nhất động vật trên cạn sang Việt Nam, với trên 30 nghìn tấn, chiếm 7,7% lượng thịt và phụ phẩm xuất khẩu vào Việt Nam, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đức xuất khẩu phụ phẩm ăn được vào Việt Nam đứng thứ 3 (sau Ba Lan và Nga) với trên 24 nghìn tấn, chiếm 17,12%, tăng 37,59% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam xuất khẩu sang Đức sản phẩm mật ong, tuy nhiên số lượng hàng năm rất khiêm tốn và giảm liên tục do Eu đưa ra nhiều chỉ tiêu kim loại và tiêm chủng gây khó khăn cho xuất khẩu ong của Việt Nam. Phía Việt Nam cũng đã làm việc và đầu tháng 10 phía EU trong đó có Đức sẽ sang Việt Nam để cùng tháo gỡ vấn đề này.
Phúc đáp về cập nhật danh mục điều kiện của các doanh nghiệp Đức xuất khẩu vào Việt Nam, ông Long cho biết, trước đây các quốc gia và doanh nghiệp xuất khẩu chỉ đăng ký danh sách các sản phẩm động vật với tên gọi chung chung là “thịt, sản phẩm thịt động vật”, nhưng hiện nay theo tiêu chuẩn mới của Chính phủ Việt Nam yêu cầu các giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu của các nước gửi kèm lô hàng phải ghi tên cụ thể từng loại sản phẩm (thịt vai, thịt đùi, chân, tai, mũi, xương...), dẫn đến việc không thống nhất với tên hàng, gây khó khăn cho các cơ quan kiểm dịch cửa khẩu và hải quan. Trong thời gian qua, Cục Thú y cũng đã làm việc với phía Đại sứ quán Đức để cùng phối hợp cho các danh mục tiêu chuẩn trên. Hi vọng trong thời gian tới mọi vấn đề khó khăn hai bên sẽ sớm có kết quả như mong muốn.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chúc bà Đại sứ Helga Margarete Barth hoàn thành tốt nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam, đồng thời Bộ NN&PTNT mong muốn sẽ có nhiều cơ hội được trao đổi và hợp tác các chương trình, dự án về nông nghiệp do Đức tài trợ để cùng phát triển nền nông nghiệp cũng như kinh tế của hai nước ngày càng tăng trưởng hơn nữa.