|
Quang cảnh Hội nghị. |
Tham dự Hội nghị, có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội.
Theo báo cáo tại Hội nghị, ngày 09/3/2023, tại cuộc làm việc định kỳ trao đổi về công tác phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ lần đầu tiên về nội dung phối hợp công tác giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ trong năm 2023. Nội dung Biên bản ghi nhớ đề ra 08 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong năm 2023. Đến nay, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ đã hoàn thành tốt các nội dung đề ra trên cả 03 mặt công tác gồm: Công tác xây dựng pháp luật; Công tác giám sát và Công tác liên quan đến thành lập, điều chỉnh, sắp xếp các đơn vị hành chính. Cụ thể như sau:
Trong công tác xây dựng pháp luật: Hai cơ quan đã phối hợp trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua các nghị quyết sau đây:
(1) Trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
(2) Trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các Báo cáo của Chính phủ sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
(3) Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 tại phiên họp thứ 24 (tháng 7/2023).
Trong công tác giám sát: Hai cơ quan đã phối hợp tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thành Báo cáo thẩm tra và Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 trong lĩnh vực nội vụ.
Công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật cũng được hai bên quan tâm, thực hiện thường xuyên. Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ đã thực hiện báo cáo, gửi văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng quy định. Những nội dung kiến nghị của Ủy ban Pháp luật được Bộ Nội vụ triển khai thực hiện nghiêm túc.
Trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính: Trong việc tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, hai cơ quan đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 12 nghị quyết về thành lập 01 thành phố, 04 thị xã, 43 phường, 12 thị trấn, nhập 02 xã vào 02 thị trấn, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, sáp nhập 01 ấp của 01 xã vào 01 ấp của xã khác theo yêu cầu quản lý và đề nghị của 12 tỉnh.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong việc góp ý phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các công tác khác: Các công tác liên quan đến việc xem xét, giải quyết đơn thư, khiếu nại; theo dõi, bám sát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được phân công tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tiếp tục được Bộ Nội vụ và Thường trực Ủy ban Pháp luật quan tâm, phối hợp thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm 2023 và đều đạt kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng đề ra.
|
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023, trong công tác phối hợp giữa Bộ Nội vụ và Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tích cực, chủ động, chia sẻ để thực hiện hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ hai cơ quan đã ký kết Biên bản ghi nhớ lần đầu tiên về nội dung phối hợp công tác.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc trao đổi thông tin, tham gia ý kiến, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được thực hiện thường xuyên, qua đó nâng cao chất lượng, tiến độ các văn bản do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng trình Quốc hội, UBTVQH, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách lĩnh vực nội vụ.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong rằng, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục quan tâm, chia sẻ để hai cơ quan tăng cường hơn nữa sự đồng thuận, thống nhất trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ công tác, bảo đảm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung theo phân công đạt chất lượng cao, đúng tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung vào những nội dung: công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; hoàn thiện các nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng...; hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trong năm 2023, công tác phối hợp giữa Bộ Nội vụ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có nhiều chuyển biến tích cực, đạt hiệu suất cao, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao. Hai cơ quan luôn thể hiện tinh thần tôn trọng, lắng nghe, ghi nhận ý kiến của nhau trong quá trình phối hợp theo tinh thần “từ sớm, từ xa” đã tạo sự chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong năm 2023 và khắc phục các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Bộ Nội vụ và Thường trực Ủy ban Pháp luật trong năm 2024 và các năm tiếp theo, đồng chí Hoàng Thanh Tùng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin thường xuyên, liên tục về tiến độ, kế hoạch thực hiện, những khó khăn, vướng mắc (nếu có)... trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để kịp thời phối hợp nghiên cứu, có giải pháp xử lý, khắc phục. Đồng thời, cần lắng nghe, cầu thị, sẵn sàng chia sẻ thông tin, chung sức khắc phục khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm công việc đạt chất lượng cao.
|
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà và đồng chí Hoàng Thanh Tùng ký kết Biên bản ghi nhớ nội dung phối hợp công tác giữa Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Nội vụ trong năm 2024. |
Trong khuôn khổ Hội nghị, hai cơ quan đã ký kết Biên bản ghi nhớ nội dung phối hợp công tác năm 2024. Theo đó, tập trung vào 08 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024): Ủy ban Pháp luật có trách nhiệm chủ trì, Bộ Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Pháp luật trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và chủ động báo cáo, xin ý kiến của Chính phủ về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai cơ quan tăng cường tham vấn ý kiến, tổ chức các cuộc họp trao đổi, thống nhất về các nội dung của dự án Luật, rà soát kỹ thuật lập pháp trước và sau khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Thứ hai, nghiên cứu, rà soát Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật có liên quan, Luật Hoạt động chữ thập đỏ, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 - 2025. Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ rà soát, xây dựng nội dung báo cáo; đồng thời lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định; Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp tham gia ý kiến, thẩm tra đề nghị xây dựng dự án luật và đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nếu đáp ứng yêu cầu.
Ba là, xây dựng, thẩm tra các đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền: Bộ Nội vụ có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch, lộ trình chi tiết thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, tiếp tục quan tâm, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện các đề án theo đúng quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời hướng dẫn hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn theo thẩm quyền khi địa phương gặp khó khăn, vướng mắc hoặc các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính; xây dựng hoặc thẩm định các đề án trình Chính phủ theo quy định; Ủy ban Pháp luật có trách nhiệm tổ chức thẩm tra các đề án của Chính phủ. Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ phối hợp tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo nghị quyết về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai cơ quan phối hợp, thông tin kịp thời về số lượng, tiến độ chuẩn bị, thẩm định, thẩm tra các đề án để chủ động bố trí thời gian nghiên cứu, bố trí thời gian thích hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bốn là, triển khai thực hiện các Nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14, số 131/2020/QH14 và số 160/2021/QH14 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng: Bộ Nội vụ có trách nhiệm theo dõi việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, tiến hành tổng kết, nghiên cứu, báo cáo các nội dung đề xuất liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng theo phân công của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật có trách nhiệm phối hợp tham gia ý kiến, giám sát việc thực hiện, thẩm tra đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết và đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nếu đáp ứng yêu cầu.
Năm là, thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Kế hoạch, Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ có liên quan: Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thường trực, giúp Đảng đoàn Quốc hội thực hiện một số nhiệm vụ, Bộ Nội vụ là cơ quan phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai cơ quan phối hợp, thông tin kịp thời các nội dung công việc có liên quan để bảo đảm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Sáu là, phối hợp tham mưu, phục vụ Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023": Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì tổ chức, tham mưu, phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát, Bộ Nội vụ là một trong các cơ quan chịu sự giám sát và là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giúp cung cấp thông tin, số liệu có liên quan khi có yêu cầu của Đoàn giám sát.
Bảy là, phối hợp tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023: Ủy ban Pháp luật là cơ quan có trách nhiệm thẩm tra các nội dung theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ động chuẩn bị nội dung báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực phụ trách, phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật trong quá trình thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Tám là, phối hợp trong việc cung cấp thông tin thuộc phạm vi Bộ Nội vụ phụ trách về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, thuộc thẩm quyền giải quyết: Bộ Nội vụ có trách nhiệm kịp thời cung cấp thông tin; xem xét, giải quyết và trả lời cho công dân đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Thường trực Ủy ban Pháp luật để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Quốc hội, phục vụ công tác giám sát của Ủy ban đối với những đơn thư do Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật chuyển đến./.
Mạnh Quân