|
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh chủ trì Hội thảo. |
Tham dự Hội thảo có nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
|
TS Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: Để tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung cơ bản sau:
Một là, làm rõ nội hàm quyền hành pháp của Chính phủ; phân tích, đánh giá các quy định hiện hành đã thể hiện rõ quyền hành pháp của Chính phủ theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013?
Hai là, các quy định trong Luật đã thực sự bảo đảm sự thống nhất quản lý của Chính phủ đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Cụ thể là: (1) Việc đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (2) Việc xây dựng và ban hành nghị định theo quy trình lập quy; (3) Việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; (4) Việc chấp hành các nghị quyết của Quốc hội.
Ba là, bổ sung, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, bảo đảm tính dân chủ và pháp quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các chức năng: 1) Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; 2) Cơ quan thực hiện quyền hành pháp; 3) Cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Bốn là, cần bổ sung những nội dung cụ thể nào, để làm rõ mối quan hệ phối hợp và cơ chế kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống chính trị. Việc bổ sung quy định mới để thể chế rõ tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Năm là, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ. Cụ thể là: 1) Bổ sung các quy định theo hướng tập trung thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ (hạn chế việc giải quyết các công việc cụ thể); 2) Bổ sung quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để thống nhất hoàn thiện các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong các luật chuyên ngành; 3) Làm rõ phạm vi trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng chính sách, tổ chức thực thi chính sách và hoạt động của các cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị.
Sáu là, làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách Thành viên Chính phủ; đề cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách người đứng đầu ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội.
Bảy là, nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc xác định trách nhiệm đối với các nội dung phân cấp, phân quyền (đối với các thẩm quyền được Quốc hội giao tại luật và các thẩm quyền được Quốc hội gián tiếp giao thông qua việc ban hành văn bản hướng dẫn luật).
Tám là, nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới, để tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bổ sung, hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định theo ngành, lĩnh vực và các nội dung khác có liên quan.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, việc tổng kết thi hành Luật Tổ chức Chính phủ là nhiệm vụ rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực trong việc hoàn thiện về thể chế bộ máy nhà nước hiện nay. Do vậy, các ý kiến tại Hội nghị hôm nay sẽ góp phần quan trọng để có nhận thức đúng, giải pháp hay cho việc kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 và các nghị quyết của Đảng.
|
TS Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ phát biểu |
Tại Hội thảo, TS Vũ Hải Nam Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế đã báo cáo một số nội dung cơ bản đánh giá việc thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2019), cụ thể là: 1) Rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân. Trên cơ sở đó, đề xuất cấp có thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ; 2) Lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật khác có liên quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội theo quy định.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo phát biểu |
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tích cực trao đổi, thảo luận tập trung vào các nội dung như: nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong mối quan hệ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đánh giá mối quan hệ giữa quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ với quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ; phân tích mô hình tổ chức Chính phủ của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng mô hình Chính phủ hiện đại tại Việt Nam; đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; trong quản lý nhà nước về các lĩnh vực tài chính - ngân sách, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
|
Quang cảnh Hội thảo |
Kết luận Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa trân trọng cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã giúp nhận định rõ hơn, đầy đủ, toàn diện hơn về những vấn đề cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2019).
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Nội vụ, ý kiến của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương tại Hội thảo, để triển khai thực hiện xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có ý kiến góp ý về nội dung cần sửa đổi, bổ sung, nhất là các nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực mà bộ, ngành được giao quản lý. Bộ Nội vụ sẽ gửi xin ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật trước khi trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng giao Vụ Tổ chức - Biên chế nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện Hồ sơ trình dự án Luật theo kế hoạch (dự kiến tháng 10/2024 trình Chính phủ).
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, Thứ trưởng tin tưởng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trong thời gian tới, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra./.
Hoài Nga