|
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm làm lễ chào cờ. |
Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Trọng Thừa, Vụ Chiến Thắng, Triệu Văn Cường; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, học viên, sinh viên đã và đang công tác, học tập tại Học viện qua các thời kỳ và đại diện một số Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
|
Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Nguyễn Bá Chiến trình bày Diễn văn chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện. |
Trong Diễn văn chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện cho biết, trong hành trình 65 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức thông qua các khoá bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp huyện, cấp sở, cấp vụ; bồi dưỡng kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; bồi dưỡng tiền công vụ…
Điều rất tự hào đối với Học viện Hành chính Quốc gia đó là: Nhiều thế hệ học viên, sinh viên của Học viện đã và đang giữ những trọng trách trong các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các trường đại học, học viện, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Có thể nói, đến cơ quan, tổ chức nào trong hệ thống chính trị nước ta đều có sự hiện diện và “dấu ấn” công tác đào tạo, bồi dưỡng thông qua các thế hệ học viên và sinh viên của Học viện Hành chính Quốc gia. Qua đó thấy rõ, Học viện đã khẳng định được vị thế là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về hành chính và lãnh đạo, quản lý; đóng góp thiết thực vào quá trình tổ chức, hoạt động và đổi mới nền công vụ đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ phát triển của đất nước. Các thế hệ lãnh đạo, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên luôn tự hào về truyền thống lịch sử và những thành tựu đạt được trong 65 năm qua.
Thực hiện Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia, từ ngày 01/01/2023, Học viện Hành chính Quốc gia đã là một thực thể có quy mô lớn hơn, đồng bộ hơn; có bước phát triển mới về chức năng, nhiệm vụ và địa vị pháp lý. Cùng với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Học viện đã thực sự trở thành một cơ sở đào tạo các trình độ của giáo dục đại học có uy tín trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Thay mặt tập thể Học viện Hành chính Quốc gia, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ban, ngành trung ương, cơ quan, tổ chức ở địa phương, đơn vị, cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế... đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ Học viện trong suốt thời gian qua. Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đặc biệt bày tỏ sự biết ơn các bậc lãnh đạo tiền bối, các thế hệ nhà giáo, công chức, viên chức, người lao động đã gắn bó với sự nghiệp phát triển của Học viện, bằng tâm huyết, nghị lực, tận tụy trong giảng dạy và phục vụ, với sự kiên trì, bền bỉ đã đóng góp thầm lặng, tạo nên dáng hình, tầm vóc Học viện Hành chính Quốc gia, tạo lập nền tảng cho bước phát triển tương lai của Học viện.
Giám đốc Học viện khẳng định, với tất cả niềm tự hào về lịch sử của Học viện, với tấm lòng trân trọng các thế hệ đi trước và ý thức trách nhiệm trước sự phát triển của Học viện trong giai đoạn mới, tập thể viên chức, thầy và trò Học viện Hành chính Quốc gia quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mọi mặt hoạt động, lấy truyền thống làm nền tảng, lấy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất ý chí vì sự phát triển chung của Học viện làm động lực, làm giá trị chung. Trên cơ sở giá trị chung đó, cùng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, phát huy mạnh mẽ vai trò của trung tâm quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng công chức, viên chức về hành chính và quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hướng tới xây dựng một nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại phục vụ nhân dân trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập khu vực và thế giới.
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu chỉ đạo. |
Phát biểu chúc mừng, chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tập thể lãnh đạo, giảng viên, viên chức và người lao động của Học viện qua các thời kỳ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, qua 65 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Học viện luôn khẳng định được vị trí là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, một trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Với những đóng góp to lớn và những thành tích đặc biệt xuất sắc qua các thời kỳ, Học viện và nhiều cá nhân của Học viện đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, nhiều huân, huy chương, phần thưởng và danh hiệu cao quý khác. Thay mặt Ban Cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tích của Học viện đã đạt được trong chặng đường 65 năm qua.
|
Lãnh đạo Bộ Nội vụ tặng hoa chúc mừng Học viện Hành chính Quốc gia. |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tuy còn những khó khăn, hạn chế và nhiều thách thức phía trước, nhưng Học viện Hành chính Quốc gia có nhiều lợi thế và cơ hội vững vàng bước vào chặng đường phát triển mới. "Giờ đây, với địa vị pháp lý được nâng cao, nguồn lực được tăng cường, Học viện có nhiều động lực và xung lực mới để thực hiện những bước phát triển đột phá, gặt hái được những thành tựu xuất sắc hơn nữa trong tương lai" - Bộ trưởng đề nghị Học viện ý thức và nhận thức sâu sắc hơn về sứ mệnh và trách nhiệm của mình.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định nhiệm vụ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách”. Học viện Hành chính Quốc gia có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này; đồng thời giao nhiệm vụ cho tập thể lãnh đạo, giảng viên, viên chức, người lao động Học viện, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, Học viện xác định rõ tầm nhìn chiến lược, phát triển có trọng tâm, trọng điểm với nguyên tắc lấy chất lượng, hiệu quả hoạt động làm nền tảng, lấy người học làm trung tâm, lấy tự chủ Học viện làm động lực, phát huy vai trò tiên phong, đổi mới, sáng tạo; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển trong mỗi cán bộ, viên chức, giảng viên và người lao động của Học viện để thực sự trở thành trung tâm bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý có uy tín ở khu vực và thế giới với các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu, bồi dưỡng chuyển giao tri thức. Cần đổi mới tư duy về đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng hệ giá trị văn hóa, tri thức và khoa học công nghệ của Học viện để tạo nên một thương hiệu nổi trội, có uy tín ở trong nước và quốc tế; là nơi thu hút công chức, viên chức, học viên, sinh viên trong nước, khu vực, quốc tế tới Học viện để được đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi học thuật và luôn tìm thấy ở đây những tri thức đầy giá trị.
Hai là, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị, các văn bản của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện, hiện đại hóa và thay đổi phương thức, công nghệ đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện. Trước hết, cần phải có bước chuyển trong triết lý bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đó là: chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng tinh hoa, bồi dưỡng nhân tài. Tiếp đó là đổi mới phương thức, cách thức, công nghệ, nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng. Chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chuyên sâu gắn với đời sống công vụ, phải thực sự là cẩm nang tri thức quản trị quốc gia đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nền công vụ trong giai đoạn hiện nay yêu cầu ngày càng cao về năng lực, phẩm chất, trách nhiệm, bởi vậy Học viện phải là cầu nối để khắc phục, thu hẹp khoảng cách về năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với yêu cầu thực tiễn hoạt động nền công vụ trong giai đoạn hiện nay.
Ba là, trong tương lai gần, cần nỗ lực phát triển Học viện thành một cơ sở giáo dục đại học trọng điểm về quản lý công, chính sách công theo mô hình đại học đổi mới sáng tạo với phương châm khoa học chuyên sâu và đổi mới sáng tạo là giá trị cốt lõi trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Muốn đạt được mục tiêu này, Học viện phải có lộ trình chi tiết, cụ thể cho sự phát triển của từng thành tố tạo dựng nên giá trị của mình, tạo nên thương hiệu, bản sắc riêng có của Học viện thực sự nổi bật giữa hàng trăm cơ sở giáo dục đại học hiện nay.
Bốn là, cần quan tâm đầu tư xứng đáng cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Quá trình toàn cầu hóa, phát triển đất nước, quá trình cải cách hành chính đang đặt ra những câu hỏi lớn cần có lời giải đáp. Học viện cần tập trung làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn đặt ra, kịp thời kiến giải các vấn đề phát triển, các điểm nghẽn của phát triển, cung cấp những luận cứ khoa học đáng tin cậy và thuyết phục cho quá trình hoạch định chính sách, pháp luật của Nhà nước mà trước hết và trực tiếp là các vấn đề của nền hành chính nhà nước và phục vụ quản lý nhà nước của ngành Nội vụ.
"Tôi chờ mong và đặt nhiều kỳ vọng vào các nhà khoa học của Học viện sẽ có nhiều sản phẩm khoa học với góc nhìn mới mẻ, có giá trị tư vấn chính sách, có tính dự báo cao, thực sự khẳng định được tầm vóc, sức sáng tạo của Học viện". Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Năm là, cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế không chỉ thu hút nguồn lực cho sự phát triển, bồi dưỡng giảng viên mà còn mở ra cơ hội để khẳng định năng lực của Học viện, trao đổi tri thức và làm giàu thêm tri thức quản lý của nhân loại.
Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ thầy giáo, cô giáo của Học viện. Các thầy giáo, cô giáo của Học viện cần thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác Hồ đối với người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ “phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc” và “phải học thêm mãi mới làm được công việc huấn luyện của mình” để các thầy giáo, cô giáo của Học viện phải thực sự là những người trí tuệ, mẫu mực nhất khi đứng trên bục giảng. Cùng với việc chăm lo, phát triển giảng viên, Học viện cần quan tâm thu hút nhiều hơn chuyên gia, các nhà quản lý có uy tín về chính sách công, quản trị công, hành chính công và các ngành lĩnh vực liên quan có thể tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng để Học viện thực sự mẫu mực về thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân tâm, hoàn thiện nhân cách và phát triển nhân lực.
Bảy là, Học viện Hành chính Quốc gia cần có lộ trình cụ thể để phát triển Học viện số nhằm hiện đại hóa quá trình đào tạo, bồi dưỡng góp phần xóa nhòa những giới hạn về không gian, thời gian trong đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, học viên, sinh viên có cơ hội tiếp cận tri thức, được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vào bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu.
Hoài Nga