|
Các đại biểu thực hiện nghi lễ Chào cờ |
Dự buổi Lễ có đồng chí Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Trọng Điều, Nguyễn Đăng Thành, Trần Anh Tuấn; lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
|
PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu. |
Phát biểu khai giảng năm học mới, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Nguyễn Bá Chiến cho biết: Năm học 2023 - 2024 là một năm học của những điều mới mẻ trên tinh thần Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ khi Học viện Hành chính Quốc đã thực sự là tổng hòa của truyền thống, của những giá trị tốt đẹp của Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trước đây. Giá trị cốt lõi của Học viện với khát vọng về trí tuệ, chất lượng, hiện đại, là lời thúc giục Học viện tiếp tục đổi mới toàn diện các hoạt động, vươn lên thực sự xứng đáng với sự kỳ vọng của đất nước, xã hội và của Bộ Nội vụ. Với những dự cảm tốt lành về một năm học mới, Học viện Hành chính Quốc gia sẽ nỗ lực không ngừng để thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm học mới với những trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường khối đoàn kết thống nhất, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chủ động, tích cực, đẩy mạnh đổi mới hiệu quả các hoạt động của Học viện.
Thứ hai, tiếp tục chú trọng đẩy mạnh đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng mà trọng tâm là đổi mới chương trình, đào tạo, bồi dưỡng, phương pháp giảng dạy, phương thức quản lý. Học viện sẽ chú trọng đến cách tiếp cận hiện đại trong xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, gắn với yêu cầu phát triển năng lực của học viên, sinh viên.
Thứ ba, đẩy mạnh và nâng cao công tác nghiên cứu khoa học. Học viện sẽ chú trọng sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng. Nghiên cứu khoa học cần thực sự là động lực nội sinh để phát triển đào tạo, bồi dưỡng.
|
Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Nguyễn Bá Chiến đánh hồi trống truyền thống, chính thức khai giảng năm học 2023 - 2024. |
Thứ tư, xây dựng chiến lược phát triển Học viện trong giai đoạn mới, khẳng định thương hiệu Học viện Hành chính Quốc gia thực sự hiện đại trong mô hình quản lý điều hành và các nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện có hiệu quả định hướng chuyển đổi số và xây dựng Học viện số với triết lý giáo dục, đào tạo nhân văn, phát huy cao nhất tiềm năng của người học.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động của Học viện. Hiện đại hóa Học viện không chỉ về cơ sở vật chất mà quan trọng hơn là hiện đại hóa tư duy quản trị, phương thức quản trị, hiện đại hóa về tri thức để học viên, sinh viên được học tập trong một môi trường sư phạm chuẩn mực. Mở rộng hợp tác quốc tế với nỗ lực xây dựng Học viện sớm trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao tri thức ngang tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Lễ khai giảng |
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai giảng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Để xứng tầm là Học viện Hành chính Quốc gia với vị thế mới, đủ sức mạnh nội sinh vươn ra các nước trong khu vực và quốc tế theo định hướng chiến lược phát triển tương lai mà Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã xác định, năm học 2023 - 2024 này có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm tạo được tiền đề cho xây dựng và phát huy những giá trị cốt lõi để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội; bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và nghiên cứu khoa học phục vụ nền hành chính nhà nước; theo đó, Học viện tập trung đổi mới tư duy và phương thức quản trị, thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo một cách đồng bộ, toàn diện; trong đó chú trọng vào một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, quan tâm chăm lo củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể cán bộ, viên chức và người lao động Học viện; tất cả cùng chia sẻ, thấu hiểu, chung sức, đồng lòng vun đắp cho sự phát triển chung của Học viện trên nghĩa tình đồng chí, đồng nghiệp đầy tình yêu thương, trách nhiệm, trân trọng; tạo động lực mới, khát vọng cống hiến cho mọi viên chức, người lao động của Học viện, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, văn minh, hiện đại, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, cùng nhau đưa Học viện không ngừng đổi mới và phát triển.
Hai là, trong đào tạo, bồi dưỡng, Học viện cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc người học thực sự là trung tâm, chất lượng giáo dục là trọng yếu. Mọi nỗ lực đổi mới cần hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, để quá trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện phải là quá trình phát triển năng lực để sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng, người học có tri thức sâu hơn, kỹ năng tốt hơn, tâm lực và động lực cao hơn để tất cả học viên và sinh viên của Học viện khi ra trường mang đầy khát vọng và sống đẹp, sống có ích cho xã hội và cho chính bản thân mình.
Ba là, Học viện cần tiếp tục đổi mới các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Nội dung chương trình bồi dưỡng phải gắn kết với nhu cầu và yêu cầu thực tiễn, bù đắp những thiếu hụt về kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời trang bị những nền tảng cần thiết cho công việc trong tương lai. Kiến thức được truyền thụ phải cập nhật mới mẻ, chắt lọc, không giáo điều, khô cứng và trùng lặp. Chương trình bồi dưỡng không chỉ tập trung vào tri thức mà còn cần phát triển kỹ năng, phương pháp giải quyết vấn đề, định hướng giá trị sống và làm việc tận tụy, trách nhiệm, trung thành, trung thực, bản lĩnh, sáng tạo, chuyên nghiệp và hiệu quả cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn kết giữa nâng cao kỹ năng phân tích, đánh giá, dự báo với xử lý tình huống khi thực tiễn luôn thay đổi và biến động.
Chương trình đào tạo đại học, sau đại học cần xác định cụ thể hơn chuẩn đầu ra, xây dựng các cấp độ năng lực cho mỗi chương trình đào tạo một cách chi tiết, có sự lượng hóa cần thiết để có thể so sánh, kiểm tra, đánh giá và nhận diện được sự trưởng thành của học viên, sinh viên qua quá trình đào tạo.
Bốn là, Học viện Hành chính Quốc gia cần đặc biệt nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nâng cao tính độc lập, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm có giá trị thực tiễn sâu sắc. Các sản phẩm khoa học phải góp phần tạo ra tri thức mới phục vụ có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tiên phong, những nhà quản lý chiến lược có tầm nhìn toàn cầu, rộng mở, có khả năng gánh vác những trọng trách của đất nước.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tiến tới Học viện số, gắn đổi mới công tác quản trị với đổi mới phương pháp dạy và học. Nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin đang đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ nội dung đào tạo đến phương thức dạy và học, cách thức mà ở đó thầy và trò tương tác với nhau, cách thức mà tri thức được tạo ra cho đến sự tiếp cận và lĩnh hội tri thức. Vì vậy, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cũng cần được làm mới, phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự giác, tự học, tự nghiên cứu của người học, tăng cường trao đổi, thảo luận, tranh luận trong quá trình giảng dạy và học tập, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo lý thuyết trên giảng đường với nghiên cứu thực tiễn, học đi đôi với hành, chú trọng nâng cao trình độ kiến thức, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo…./.
Mạnh Quân