Đối với ngành Nội vụ, một số Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nội vụ được ban hành từ năm 2018 đều có quy định chức năng thống kê lĩnh vực của Bộ, do vậy cần phải cập nhật vào hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ, bao gồm:
Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22/11/2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính: “Khoản 3, Điều 19 Thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tổng hợp, cập nhật thông tin về tổ chức hành chính trong phạm vi cả nước và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.
Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức: “Khoản 5, Điều 62. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thống kê số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức.”
Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức: “Khoản 7, Điều 72. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Nội vụ: Hướng dẫn và tổ chức thống kê đội ngũ công chức trong cả nước; xây dựng và quản lý dữ liệu quốc gia về đội ngũ công chức”.
Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức: Khoản 4, Điều 23: “Bộ Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của các bộ, ngành, địa phương và công khai kết quả tổng hợp đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm”.
Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức: “Khoản 11, Điều 17 Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tổng hợp, thống kê vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và biên chế công chức trong phạm vi cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.”
Bên cạnh đó, một số báo cáo thuộc các lĩnh vực cụ thể của Bộ Nội vụ còn trùng với chế độ báo cáo thống kê ngành Nội vụ như Thông tư số 11/2012/TT-BNV và Thông tư số 07/2019/TT-BNV. Một số chỉ tiêu thống kê không đáp ứng nhu cầu quản lý cần phải điều chỉnh, loại bỏ; bổ sung một số chỉ tiêu mới để phục vụ nhu cầu quản lý; hợp nhất các chỉ tiêu báo cáo có tính chất thống kê vào thông tư về thống kê. Ngoài ra, đơn vị cơ sở còn phải thực hiện nhiều báo cáo khác, chủ yếu vẫn thực hiện theo hình thức báo cáo giấy dẫn đến khối lượng công việc nhiều và trùng lắp. Xuất phát từ thực tế đó, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo triển khai xây dựng thông tư thay thế các thông tư thống kê đã được ban hành trên tinh thần tích hợp tối đa các thông tư có tính chất thống kê lĩnh vực của ngành, các báo cáo định kỳ theo văn bản cá biệt...
Thông tư số 02/2023/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Nội vụ (Thông tư 02) được xây dựng dựa trên nhu cầu xác định thông tin, cập nhật các chỉ tiêu còn đang thu thập thông tin theo hình thức cá biệt hoặc đang quy định ở các thông tư khác để tiến tới đồng bộ hoá chế độ báo cáo thống kê.
Cụ thể, tại Thông tư 02 quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Nội vụ đã thay thế toàn bộ Chương 2, Thông tư số 07/2019/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ viên chức; Chương 2, Thông tư số 11/2012/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức; tích hợp các báo cáo tổng hợp tại Thông tư số 07/2019/TT-BNV, Thông tư số 11/2012/TT-BNV vào dự thảo Thông tư; tích hợp các phân tổ thuộc các chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê về giới, chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam, chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam vào chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ để từ đó lấy dữ liệu cho báo cáo thống kê cấp quốc gia và các lĩnh vực này.
|
Giao diện đăng nhập phần mềm thu thập dữ liệu thống kê ngành Nội vụ. |
Tại Thông tư 02 quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Nội vụ cũng đơn giản hoá các hình thức gửi báo cáo, chỉ thực hiện báo cáo điện tử qua hệ thống phần mềm báo cáo thống kê ngành Nội vụ, không gửi báo cáo giấy, qua đó làm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời định hướng phân cấp, phân quyền đến các đơn vị cơ sở để thực hiện báo cáo trực tiếp, từng bước tạo lập và hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ./.
Nguyễn Anh