Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào sáng 6/1, trả lời câu hỏi của ĐBQH về định mức đầu tư công có thể gây lãng phí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ quan điểm lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà nằm ở triển khai như: ăn bớt khối lượng, ăn bớt chất lượng trong thi công, để công trình lãng phí kéo dài...
Lãng phí trong đầu tư công là ở quá trình triển khai
Đặt vấn đề tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, thực hiện Nghị quyết số 74 ngày 15/11/2022 của Quốc về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 để triển khai thực hiện. Nội dung Nghị quyết đã được thể chế hóa thành những nhiệm vụ, công việc trọng tâm của Chính phủ với 6 giải pháp chung và 26 nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, cử tri cho rằng hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn. Cùng một công trình, dự án, nếu là đầu tư tư thì chỉ mất phân nửa hoặc tối đa cũng chỉ mất 2/3 so với tổng mức vốn đầu tư công?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời ĐBQH tại phiên chất vấn sáng 6/11
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, qua nghiên cứu định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành đối với một số công trình giao thông, công trình kiến trúc thì không thấy có sự lãng phí, thậm chí nhiều định mức đang còn thấp hơn so với chi phí, chẳng hạn như định mức nhân công.
Theo Bộ trưởng, lãng phí của đầu tư công không phải ở định mức mà ở quá trình triển khai, như ăn bớt khối lượng thi công, công trình chậm đưa vào sử dụng, bố trí thiếu vốn, triển khai chậm, vốn chờ công trình,…“Định mức với công trình xây dựng cơ bản đã thực hiện qua rất nhiều năm, qua nhiều công trình nên gần như đảm bảo chặt chẽ.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, về vấn đề đầu tư công, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, lãng phí, có thể từ khâu lựa chọn dự án; có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu dẫn đến phải điều chỉnh; công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí. Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, dẫn đến kéo dài dự án, giảm hiệu quả thực hiện dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.
Cần rút ngắn thời gian khâu chuẩn bị đầu tư
Tại phiên chất vấn, đại biểu Hà Đức Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, tại khoản 2, Điều 68 Luật Đầu tư công quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư hằng năm nguồn ngân sách địa phương. Theo quy định nêu trên sẽ mất rất nhiều thời gian và thiếu tính chủ động cho các địa phương, đặc biệt đối với cấp huyện và cấp xã. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết phương án việc sửa đổi pháp luật đầu tư công để thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện như thế nào và giải pháp cho việc triển khai thực hiện dự án đầu tư công chậm.
Trả lời đại biểu Hà Đức Minh về, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm rõ Luật Đầu tư công quy định thẩm quyền phê duyệt và quyết toán vốn đầu tư công và dự án đầu tư công. Theo đó, thẩm quyền ở trung ương giao cho Chính phủ, ở địa phương giao cho Hội đồng nhân dân. Muốn thay đổi thẩm quyền thì phải sửa Luật. Bộ sẽ xem xét để có kiến nghị về vấn đề này.
Để tháo gỡ khó khăn cho giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong thủ tục chuẩn bị đầu tư: Chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, hồ sơ mời thầu, đấu thầu, giải phóng mặt bằng... Đây là những khâu kéo dài nhất làm chậm giải ngân vốn đầu tư công, ứ đọng ngân sách, gây lãng phí. Do đó, phải rút ngắn thời gian khâu chuẩn bị đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính khâu này.
Bộ trưởng cũng cho rằng, nên tách khâu giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án và xem như dự án độc lập bởi khâu này triển khai rất lâu, nhiều thủ tục. "Nếu giải phóng mặt bằng đi trước một bước thì chúng ta sẽ tiến hành giải ngân nhanh hơn. Vốn ODA cũng cần có cải cách”, Bộ trưởng nêu./.
HD