Sign In

Vướng mắc trong chi thường xuyên hay đầu tư Quốc hội thảo luận tìm giải pháp

17:58 07/11/2023
“Để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, giải ngân vốn đầu tư công, cần tập trung gỡ vướng, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong khâu chuẩn bị đầu tư, tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên để chuẩn bị đầu tư...”. Đó là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời ĐBQH tại Phiên chất vấn các thành viên Chính phủ trong ngày 6/11.

 “Để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, giải ngân vốn đầu tư công, cần tập trung gỡ vướng, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong khâu chuẩn bị đầu tư, tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên để chuẩn bị đầu tư...”. Đó là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời ĐBQH tại Phiên chất vấn các thành viên Chính phủ trong ngày 6/11.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Thực tế tạo ra sự vướng mắc trong quá trình thực hiện

Vướng mắc trong cải tạo, mở rộng dự án sử dụng vốn đầu tư công tại nhiều địa phương, sự chồng lấn quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước nhận nhiều tranh luận tại phiên chất vấn sáng ngày 6/11.

Đặt vấn đề chất vấn, ĐBQH Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cho biết: Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định của pháp luật chuyên ngành có những quy định về việc sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. Tuy vậy, tại Điểm a, điểm b, Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công có nội dung quy định về tính chất của dự án đầu tư công dẫn tới cách hiểu, cho rằng toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công. Đại biểu cho biết, vấn đề này đã được nhiều Đại biểu Quốc hội đặt ra trong các kỳ họp trước và trong Báo cáo của Chính phủ về rà soát VPQPPL thực hiện Nghị quyết 01 cũng chưa được đề cập. Do vậy, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp để giải quyết?

Giải trình nội dung liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đây là vướng mắc và vướng mắc cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm. Bởi tại Điều 6, Luật Đầu tư công quy định kể cả xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng tài sản công đều đưa vào Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư công xác định kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm. Nếu các chương trình, dự án và các nguồn kinh phí không được đưa vào Luật Đầu tư công mặc dù vẫn là ngân sách Nhà nước sẽ sai quy định. Hiện thế nào là chi thường xuyên, thế nào là chi đầu tư vẫn còn bế tắc. Thực tế tạo ra sự vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Về phía Chính phủ, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước quy định đối với những dự án công nghệ thông tin mà hoạt động đầu tư dưới 15 tỷ đồng được dùng chi thường xuyên và dưới 200 triệu đồng sử dụng thì được chi từ chi thường xuyên. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 còn vướng mắc, không biết phần đầu tư đó có phải lập dự án đầu tư hay có phải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn hay không thì chưa được đặt ra…Đây là vướng mắc. Trước đây Thông tư 58 có phần sửa chữa, nhưng đến Thông tư 65 bỏ phần sửa chữa ra vì trái Luật Đầu tư công.

“Để giải quyết những vướng mắc, Bộ Tài chính đã 3 lần trình (1 lần trình Chính phủ, 1 lần trình UBTVQH nhưng chưa được thông qua để trình ra Quốc hội), Bộ trưởng đề nghị chủ nhiệm UBKTQH thông tin thêm về nội dung này.

Bổ sung về ý kiến của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhận xét vướng mắc ở đây "có lẽ không hẳn do Luật Đầu tư công, mà vướng ở Luật Ngân sách Nhà nước". Theo ông Nguyễn Chí Dũng, việc sửa chữa, nâng cấp các dự án tài sản công hiện triển khai bình thường, không vướng mắc, chỉ dự án xây mới phải theo quy trình tại Luật Đầu tư công. Bộ trưởng Dũng thông tin, Chính phủ đang trình Quốc hội, việc dự án dưới 15 tỷ đồng được thực hiện theo chi thường xuyên. Nội dung này đang chờ quyết định của Quốc hội.

Làm rõ thêm ranh giới giữa chi thường xuyên và chi đầu tư

Phát biểu làm rõ thêm về ranh giới giữa chi thường xuyên và chi đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã khẳng định và Quốc hội đã có văn bản trả lời Chính phủ: trong thực tiễn, quy định của pháp luật, không có một trường hợp nào, văn bản nào quy định mức chi phí thường xuyên và chi đầu tư căn cứ vào giá trị dự án.

“Không phải cứ dự án 15 tỷ trở lên thì đầu tư công, dưới 15 tỷ thì chi thường xuyên. Chúng ta chi lương, chi giáo dục và đào tạo là hằng trăm nghìn tỷ. Đây toàn là chi thường xuyên cả. Đó là tính chất của các khoản chi chứ không phải giá trị của khoản chi.”

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, các cơ quan của Quốc hội nói không có vướng mắc trong Luật đầu tư công và đề nghị Chính phủ rà soát, xem có vướng mắc ở Luật NSNN không, sau khi rà soát cũng kết luận không vướng mắc. Do đó, đã đưa Nghị quyết giải quyết đặc thù về chi đầu tư và thường xuyên ra khỏi chương trình làm việc của Quốc hội.

Tranh luận tại Hội trường về chi thường xuyên hay chi đầu tư Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng đã nghiên cứu kỹ Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Theo đó, Luật Đầu tư công ban hành năm 2014 "trói" tất cả các hoạt động vào đầu tư công như dự án sửa chữa, nâng cấp mở rộng tài sản công không phân biệt giá trị dự án bao nhiêu tiền đều đưa vào. Đương nhiên khi chúng ta thực hiện tài sản phải được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, theo Luật Đầu tư công nếu dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì không được chi, nếu chi vi phạm. Kế hoạch chi đầu tư công trung hạn hàng năm phải phù hợp với Kế hoạch đầu công trung hạn, nếu không có trong đầu tư công trung hạn cũng là vi phạm. Chính điều ấy “trói” quy hoạch, chi phí làm quy hoạch, chi phí chuẩn bị đầu tư và các vấn đề hỗ trợ lãi suất cũng đưa vào Luật đầu tư công. Điều này dẫn tới thực trạng, Nhà nước nợ 2.200 tỷ đồng các ngân hàng thương mại nhưng chưa bố trí kinh phí được để hỗ trợ các ngân hàng.

"Chẳng hạn, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đang thiếu hàng rào, nhưng Luật Đầu tư công không bố trí vào trung hạn, không làm được hàng rào, đấy là sự thật", Bộ trưởng nói.

Trong Nghị quyết 973/2020 của UBTVQH đưa gói xây dựng công nghệ thông tin vào kế hoạch đầu tư công, (xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo mật, xây dựng CSDL…) đều trói vào Luật Đầu tư công “làm thế nào để đảm bảo cho kinh tế phát triển, để đảm bảo không vướng khi yêu cầu cán bộ làm, mà cán bộ làm theo chỉ đạo rồi thì không bị vi phạm vào khuyết điểm”, Bộ trưởng nêu ý kiến.

Kiến nghị giải thích pháp luật để thống nhất trong thực hiện

Để làm rõ thêm các ý kiến khác nhau liên quan đến chi thường xuyên, chi đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã mời Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo thêm vấn đề này.

Giải trình tại phiên chất vấn chiều 6/11 về vấn đề sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện các khoản chi có tính chất đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết sau khi Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước được ban hành, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn tạo hành lang pháp lý rõ ràng để bộ ngành, địa phương sử nguồn kinh phí chi thường xuyên để chi cho cải tạo, nâng cấp, sửa chữa như Thông tư 52, Thông tư 108 và đặc biệt là Thông tư 92/2017 hướng dẫn chi tiết lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên. Vấn đề chỉ phát sinh khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 65 có hiệu lực từ 15/9/2021, không điều chỉnh các vấn đề về sử dụng nguồn chi thường xuyên cho các nội dung cho chi đầu tư, nưng lại bãi bỏ Thông tư 92 nêu trên. Vì thế, từ 2022 đến nay, các địa phương, bộ ngành đều vướng mắc chung và quan trọng vì không có cơ sở pháp lý để lập dự toán, thanh toán và thực hiện các khoản liên quan chi từ nguồn thường xuyên cho hạng mục có tính chất đầu tư như sửa chữa nhỏ, nâng cấp, mở rộng.

Theo ông Mạnh, Điều 6 của Luật Đầu tư công chỉ có tính chất để phân loại dự án chứ không định nghĩa dự án đầu tư công là gì. Để giải quyết vướng mắc này, ông Mạnh kiến nghị áp dụng Chương 14 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích pháp luật, từ đó Bộ Tài chính có căn cứ sửa lại Thông tư như Thông tư 92 trước đây.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu “Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến. Đề nghị, Ủy ban Tài chính Ngân sách đóng dấu ký tên và gửi ngay văn bản này cho các cơ quan có liên quan”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Tranh luận về chi nâng cấp, cải tạo là chi thường xuyên hay đầu tư, đại biểu Trần Hữu Hậu, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nói, ông từng nêu vấn đề này trong ba kỳ họp gần đây. Sáng nay, Bộ Tài chính cho biết ba lần trình để gỡ vướng nhưng chưa được chấp thuận.

Theo ông Hậu, “Hầu hết địa phương đang vướng chuyện này. Việc sửa chữa và nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đồng đang phải làm theo thủ tục đầu tư công. Nếu "chi thường xuyên" thì phải tìm cái tên cho ít bị để ý đến giải trình nhỏ to với cơ quan chức năng", đại biểu Trần Hữu Hậu nói.

Theo ông Hậu, đây là ví dụ cụ thể cho nguyên nhân tình trạng cán bộ sợ sai không dám làm những việc cần phải làm. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần giải thích cho cụ thể "để không cơ quan nào có thể bắt bẻ việc chi thường xuyên thế này".

Kiến nghị thêm, ông Hậu cho rằng, ngoài việc giải thích, để chặt chẽ thì nên sửa Luật và "Nên sửa Luật theo hướng đưa chi thường xuyên có tính chất đầu tư vào Luật và sửa ba luật Ngân sách, Tài sản công, Đầu tư công".

HD

Tag:

File đính kèm