Sign In

Đảng ủy Bộ Tài chính tham dự Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW

14:00 10/05/2024

Sáng 10/5, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (Nghị quyết số 41).

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương; các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và đội ngũ doanh nhân.

Tại điểm cầu Bộ Tài chính có sự tham dự của các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc, đại diện Lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện và tương đương; đại diện các ban tham mưu của Đảng ủy Bộ Tài chính.

 

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ Tài chính

Kế thừa và bổ sung nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, Đảng viên, đội ngũ doanh nhân trong việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã báo cáo nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 41. Đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41; đồng chí Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo Chương trình hành động của Đảng đoàn VCCI nhằm thực hiện Nghị quyết số 41.

Theo đó, ngoài việc kế thừa các nhiệm vụ giải pháp vẫn còn nguyên giá trị của Nghị quyết 09-NQ/TW, Nghị quyết số 41 đã sắp xếp, bổ sung một số nhiệm vụ giải pháp mới; nhiều nội dung trong các nhiệm vụ giải pháp được đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng quan điểm, mục tiêu và phù hợp với bối cảnh mới.

Trong đó, Nghị quyết số 41 tiếp tục đề cao nhiệm vụ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh nhân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Về hoàn thiện chính sách, pháp luật, bên cạnh việc khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp, Nghị quyết số 41 nhấn mạnh việc tạo môi trường kinh doanh an toàn để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến: tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế... bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; kiểm soát, xoá bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh.

Để mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh mới, Nghị quyết số 41 nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế gắn với 2 quá trình chuyển đổi quan trọng của đất nước trong thời gian tới, đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch trong mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức với doanh nghiệp, doanh nhân, có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp.

Về phát triển đội ngũ doanh nhân, khác với Nghị quyết số 09-NQ/TW khi tách 2 nhiệm vụ phát triển đội ngũ doanh nhân về số lượng và chất lượng, Nghị quyết số 41 đã gộp các nhiệm vụ này lại để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp toàn diện hơn. Trong đó, Nghị quyết yêu cầu phải hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với xã hội, nhất là trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng; giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường; lên án, ngăn chặn, kiên quyết xử lý doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hoá kinh doanh, vi phạm pháp luật.

Phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 41 được ban hành, Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 9/5/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65%-70% GDP cả nước. Đến năm 2045, phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước. HÌnh thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế.

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, Chính phủ cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, coi doanh nhân, doanh nghiệp là những người lính trong thời bình, tạo ra thế và lực đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và những nội dung này đã được thể hiện, cụ thể hóa tại nhiều Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương. Trong đó, Nghị quyết số 09-NQ/TW là Nghị quyết đầu tiên, riêng biệt về xây dựng và phát triển doanh nhân, doanh nghiệp và đến nay, trên cơ sở kế thừa các nội dung giá trị tại Nghị quyết số 09 nêu trên, Nghị quyết số 41 lại sắp xếp, bổ sung một số nhiệm vụ giải pháp mới, nhiều nội dung trong các nhiệm vụ giải pháp được đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng quan điểm, mục tiêu và phù hợp với bối cảnh mới.

Để Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị nhanh chóng đi vào cuộc sống, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị, xã hội cần tiếp tục quán triệt sâu rộng hơn các nội dung đã được đề cập tại Nghị quyết số 41; trong đó, chú trọng việc nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo điều kiện, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng….

HP

Tag:

File đính kèm