Sign In

Tăng cường quản lý rủi ro cho vay lại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập

14:00 15/05/2024

Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường Quản lý tài chính công tại Việt Nam do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, với sự phối hợp của Cơ quan hợp tác Phát triển Đức (GIZ), sáng 15/5, tại Hà Nội, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo tập huấn về quản lý rủi ro cho vay lại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập. Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo còn có đại diện các nhà tài trợ (EU, GIZ), đại diện các cơ quan được ủy quyền cho vay lại, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập là bên vay lại.

Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Cục QLN) cho biết, Việt Nam bắt đầu nhận vốn ODA từ năm 1993. Đến nay, nguồn vốn này đã đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tại Việt Nam, vốn ODA được tập trung đầu tư vào các chương trình kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải cách thể chế theo định hướng của Chính phủ và chính sách của nhà tài trợ. Việc sử dụng vốn vay ODA tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật, được đưa vào cân đối ngân sách để cấp phát cho các chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn, đồng thời dành một phần để cho vay lại các chương trình, dự án có khả năng hoàn vốn trong một số lĩnh vực. Hiện nay, nhiều chương trình, dự án vay lại cũng đã phát huy tác dụng, đổi mới, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập cũng như góp phần bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp xây dựng các công trình, hạ tầng, nâng cao xếp hạng tín nhiệm.

Toàn cảnh

Ông Võ Hữu Hiển cho rằng, Hội thảo này là cơ hội để các bên thảo luận, làm rõ các chính sách cho vay lại hiện nay, từ đó phát hiện bất cập, tồn tại để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách vay về cho vay lại đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập. Qua thảo luận, giúp nhận diện, đánh giá, xác định nguyên nhân, mức độ rủi ro tín dụng đối với hoạt động cho vay lại, giúp Bộ Tài chính, các cơ quan xây dựng phương án xử lý rủi ro với hoạt động vay về cho vay lại để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Hội thảo cũng dành thời gian để các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế chia sẻ thông tin về những hỗ trợ tư vấn, kinh nghiệm quốc tế đối với hoạt động vay về cho vay lại với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Arne Fraemk, đại diện GIZ

Phát biểu tại Hội thảo, ông Arne Fraemk, đại diện GIZ - đơn vị thực hiện Dự án Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn vốn ODA ít chiếm vị trí thống lĩnh hơn trong cơ cấu danh mục các khoản vay tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình, việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi giảm dần buộc Chính phủ phải tìm kiếm các nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần thực hiện các bước quản lý rủi ro, định hướng quản lý nợ cân bằng để giảm thiểu rủi ro cho Chính phủ, giảm nợ xấu.

Trong khi đó, đại diện EU, bà Pia Buller cho biết, trong những năm qua, EU đã hỗ trợ, cung cấp tài chính cho Việt Nam trong một số lĩnh vực. Vừa qua, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu và Chính phủ Việt Nam đã ký hiệp định khung vay vốn với giá trị tài trợ khoảng 500 triệu USD. Ngoài ra, hai bên cũng có những thỏa thuận vay vốn nhỏ hơn cho các dự án về hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, năng lượng xanh,…Đây là số tiền từ nguồn thuế của người dân EU, được cho vay lại đối với các dự án tại Việt Nam, do đó, phía EU mong muốn đảm bảo số tiền này được cho vay cho những dự án những dự án tốt nhất với tỷ suất sinh lời tốt nhất, rủi ro thấp nhất.

Bà Pia Buller, đại diện EU phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện Cục QLN cho rằng, theo Luật Quản lý nợ công, Chính phủ cho vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; không phát hành trái phiếu Chính phủ trên trường vốn quốc tế, vay thương mại nước ngoài để cho vay lại. Việc cho vay lại phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức vay, thời hạn cho vay lại và thời gian ân hạn tối đa bằng mức vay, thời hạn vay và thời gian ân hạn quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài của Chính phủ; đồng tiền cho vay lại, đồng tiền thu nợ là đồng tiền Chính phủ vay nước ngoài; bên vay lại phải có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe các bài tham luận của Bộ Tài chính về khung khổ pháp lý cho vay lại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; thực trạng cho vay lại doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập tại Việt Nam; tham luận của cơ quan được ủy quyền cho vay lại về quản lý dự án cho vay lại doanh nghiệp không chịu rủi ro tín dụng và việc quản lý các dự án cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập của cơ quan được ủy quyền cho vay lại; những khó khăn vướng mắc, rủi ro phát sinh trong hoạt động vay lại của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập cũng như kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý và phòng ngừa rủi ro cho vay lại./.

HP

 

Tag:

File đính kèm