Sign In

Thứ trưởng Bùi Văn Khắng: Sản phẩm nghiên cứu khoa học phải mang tính ứng dụng và thực tiễn cao

13:38 16/05/2024

Viện trưởng Viện CL&CSTC Nguyễn Như Quỳnh chúc mừng Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, Chủ tịch Hội đồng KH&CN ngành Tài chính nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Đã có 199 nhiệm vụ KHCN được triển khai

Báo cáo công tác quản lý, triển khai nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành Tài chính giai đoạn 2021 – 2024, TS. Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2024, Bộ Tài chính đã ban hành 08 quyết định giao 199 nhiệm vụ KHCN cho 29 đơn vị thuộc Bộ. Các nhiệm vụ KHCN đã bám sát Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các chiến lược ngành; phục vụ triển khai các nghị quyết của Đảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và thực hiện các nhiệm vụ đã được đề ra trong định hướng nghiên cứu KHCN ngành Tài chính; từ đó, tạo cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc hình thành và xây dựng các chính sách về tài chính – NSNN. Các đề tài được chia thành các nhóm nhiệm vụ lớn như: Nhóm các nhiệm vụ KHCN nghiên cứu phục vụ chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; Nhóm các nhiệm vụ KHCN nghiên cứu xây dựng Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và 08 chiến lược ngành trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, chứng khoán...;Nhóm các nhiệm vụ KHCN hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về tài chính – NSNN; Nhóm các nhiệm vụ KHCN nghiên cứu về các chính sách tài chính; Nhóm các nhiệm vụ KHCN về hội nhập tài chính quốc tế và các lĩnh vực khác.

Thay mặt Thường trực Hội đồng KH&CN ngành Tài chính, Viện trưởng Viện CLTC Nguyễn Như Quỳnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN ngành Tài chính giai đoạn 2021-2024

Trong giai đoạn 2021-2024, hầu hết nhiệm vụ KHCN được triển khai và tổ chức nghiệm thu đúng tiến độ, đáp ứng các yêu cầu về kết quả đầu ra và các nội dung liên quan đến nhiệm vụ nghiên cứu theo kết luận của Hội đồng Bảo vệ đề cương, Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu..

Đáng chú ý, trong giai đoạn này đã có khoảng 196 bài báo/bài tham luận hội thảo được công bố từ kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, trong đó có 184 bài báo được công bố trong nước và 12 bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế/hội thảo quốc tế. Việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước đã góp phần cung cấp thông tin kịp thời, đánh giá nhiều chiều về cơ chế chính sách tài chính, cũng như hoạt động của ngành Tài chính; chuyển tải thông tin, tuyên truyền chính sách, chỉ ra các hạn chế, vướng mắc của cơ chế, chính sách tài chính, cũng như trong công tác quản lý của ngành; từ đó, bổ sung, hoàn thiện và triển khai cơ chế chính sách phù hợp.

“Các hoạt động KHCN của ngành Tài chính trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng nhiều đề án lớn của Chính phủ, ngành Tài chính; góp phần xây dựng Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các chiến lược ngành”, TS Nguyễn Như Quỳnh cho biết.

Đồng thời, hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Tài chính đã tập trung vào những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực kinh tế - tài chính; tham gia tư vấn, xây dựng và đề xuất các chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ về tài chính quốc gia và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam...

Nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu khoa học

Ông Nguyễn Như Quỳnh cho biết, trong thời gian tới, định hướng nghiên cứu KHCN ngành Tài chính giai đoạn 2024 - 2026 cần tập trung vào 06 nội dung: (i) Nghiên cứu các vấn đề về kinh tế vĩ mô và Chiến lược; (ii) Nghiên cứu về chính sách tài chính công; (iii) Nghiên cứu về chính sách tài chính phát triển doanh nghiệp, ngành kinh tế; (iv) Nghiên cứu về chính sách phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; (v) Nghiên cứu về kinh tế thế giới và hội nhập quốc tế về tài chính; (vi) Nghiên cứu một số nội dung cụ thể khác trong lĩnh vực tài chính.

Tiếp tục nâng cao vai trò của Thường trực Hội đồng KHCN ngành Tài chính trong việc xây dựng định hướng, xác định nhiệm vụ KHCN và tham mưu cho Hội đồng KHCN ngành Tài chính và Lãnh đạo Bộ lựa chọn các nhiệm vụ KHCN của Bộ để nghiên cứu phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính.

Toàn cảnh Hội nghị

Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp thường xuyên giữa các thành viên Hội đồng KHCN ngành, giữa thành viên Hội đồng với Thường trực Hội đồng KHCN ngành (thông qua sinh hoạt khoa học, hội thảo...) để tư vấn sát hơn trong việc xác định các nhiệm vụ KHCN ngành Tài chính.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới quy trình giao nhiệm vụ, quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm đảm bảo tính kết nối ngày càng cao giữa hoạt động nghiên cứu với việc hoạch định, xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính - NSNN. Đôn đốc, thu sản phẩm và tổ chức đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ KHCN theo quy định.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm KHCN nhằm đề xuất các giải pháp để tham mưu, hoạch định chính sách trong lĩnh vực tài chính - NSNN, gắn kết quả nghiên cứu KHCN với các nhiệm vụ về tài chính - NSNN.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu khoa học và để đảm bảo các nhiệm vụ KHCN ngành Tài chính sẽ phục vụ hiệu quả cho công tác hoàn thiện cơ chế chính sách, quản lý điều hành của Bộ Tài chính, trong thời gian tới, cần nâng cao chất lượng đề xuất nhiệm vụ, bảo đảm bám sát chủ trương tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, định hướng nghiên cứu KHCN ngành, chương trình xây dựng pháp luật của Bộ Tài chính, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính; thường xuyên cập nhật, bám sát tình hình kinh tế - tài chính thế giới và Việt Nam có tác động đến chính sách tài khóa. Bên cạnh đó, các đơn vị cần quan tâm hơn nữa trong khâu đề xuất nhiệm vụ, xây dựng dự toán ngân sách KHCN hằng năm, theo đó mới đảm bảo được kinh phí cho hoạt động KHCN hằng năm.

Ông Quỳnh cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính cần quan tâm hơn nữa đến việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn quản lý điều hành tài chính - NSNN tại các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Bộ và các đơn vị có liên quan; đồng thời, gửi các báo cáo ứng dụng kết quả nghiên cứu cho Bộ KHCN theo quy định. Ngoài ra, chú trọng đến hàm lượng khoa học của các nghiên cứu KHCN cấp Bộ; thường xuyên xã hội hóa các kết quả nghiên cứu dưới dạng các báo cáo, bài đăng tạp chí trong quá trình nghiên cứu, để phục vụ kịp thời công tác hoàn thiện thể chế, chính sách.

Sản phẩm đầu ra phải mang tính ứng dụng cao

Phát biểu kết luận, thay mặt Hội đồng KHCN ngành Tài chính, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao công tác nghiên cứu khoa học của các đơn vị thuộc Bộ trong những năm qua. Đồng thời, để nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học của ngành trong thời gian tới, Thứ trưởng nhấn mạnh: các nhiệm vụ khoa học cấp Bộ cần phải được lựa chọn kỹ lưỡng và kiểm đếm được sản phẩm đầu ra, đặc biệt là phải mang tính thực tiễn và ứng dụng cao.

Thứ trưởng Bùi Văn Khắng phát biểu kết luận Hội nghị

Để thực hiện được, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học cần phải có phương pháp nghiên cứu một cách tổng thể, dữ liệu đầu vào phải phong phú, cũng như các đơn vị chủ trì cần tạo điều kiện cho chủ nhiệm và các nhóm thực hiện đề tài thu thập dữ liệu thông tin, khảo sát thực tiễn cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần đánh giá phân tích và nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng.

Đối với Hội đồng KHCN của ngành, Thứ trưởng đề nghị hoạt động của Hội đồng cần bám sát vào quy chế, đúng quy định và tôn chỉ mục đích, đồng thời, Thứ trưởng giao Viện CL&CSTC sớm trình Bộ sửa đổi quy chế, thành phần, chức năng, phương hướng hoạt động của Hội đồng cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn.

Về định hướng nghiên cứu khoa học trong thời gian tới, Thứ trưởng cho rằng nhiệm vụ nghiên cứu mang tính chiến lược của ngành đó là phải cải cách mạnh mẽ mang tính cách mạng cho ngành Tài chính. Để thực hiện, chúng ta cần nghiên cứu 3 đột phá chiến lược đó là: Thể chế tài chính (tạo ra nguồn lực, tạo ra sự phát triển của ngành Tài chính) để làm được, chúng ta cần phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong và ngoài nước, thu thập dữ liệu; Hạ tầng (hạ tầng công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng trí tuệ nhân tạo, cũng như hạ tầng về pháp lý); Nguồn nhân lực (có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực chất lượng cao).

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng đề nghị Hội đồng KHCN ngành cần quan tâm nghiên cứu phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính theo hướng bền vững./.

H.Thọ

Tag:

File đính kèm