Sign In

"Cục Quản lý giá cần chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng văn bản pháp luật"

13:06 27/12/2023

Chủ động tham mưu các kịch bản điều hành giá phù hợp trong từng thời điểm

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng cho biết, lạm phát năm 2023 được kiểm soát, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu ở mức cao.

Thứ trưởng Lê Tấn Cận phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 3,22%, dự báo CPI bình quân cả năm trong khoảng 3,2-3,4% (trong phạm vi mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức khoảng 4,5%).

Ông Nguyễn Văn Bình nhận định, việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương là yếu tố then chốt giúp cho việc kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức vừa phải, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Trong vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát nhằm nhận định diễn biến kinh tế, chính trị thế giới tác động đến trong nước; qua đó phân tích, đánh giá các yếu tố tố có thể tác động lên mặt bằng giá để xây dựng các kịch bản điều hành giá chi tiết theo từng quý và cả năm 2023. Việc xây dựng kịch bản điều hành giá sát với thực tiễn là một trong các cơ sở quan trọng cho việc định hướng, triển khai chính sách tài khóa phù hợp, phối hợp cùng với các chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác hiệu quả, hướng đến mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt.

Ngoài ra, đơn vị cũng đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, từ đó nắm bắt thực tiễn, nắm bắt những chính sách vướng mắc trong thực hiện cơ chế chính sách về giá, đồng thời có chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi sai phạm.

Cục trưởng Nguyễn Minh Tiến cho biết Cục Cục Quản lý giá đang xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Giá

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá, năm 2023, Cục Quản lý giá đã tham mưu báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Giá 16/2023/QH15 tại Kỳ họp thứ 5 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Đây là văn bản pháp luật quan trọng, tạo lập môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực giá; đẩy mạnh phân công, phân cấp và nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.

Để triển khai thi hành Luật Giá số 16/2023/QH15, Cục Quản lý giá đã chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật (gồm 3 Nghị định và 19 Thông tư).

Chia sẻ về kế hoạch năm 2024, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, trong năm 2024, Cục Quản lý giá tiếp tục chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt háng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá; các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá...

Hiện nay, Cục Quản lý giá đang theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các mặt hàng có nhu cầu cao dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Hoàng Minh Tuấn đề nghị

Cục Quản lý giá chú trọng công tác tuyên truyền

Tại Hội nghị, đại diện một số đơn vị trong Bộ đánh giá cao sự nỗ lực của Cục Quản lý giá vượt lên khó khăn hoàn thành tốt nhiệm của Cục Quản lý giá trong năm 2023. Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Hoàng Minh Tuấn nhận định, khối lượng công việc và khối lượng văn bản Cục Quản lý giá dự kiến triển khai trong thời gian tới là rất lớn. Do đó, Cục Quản lý giá cần phối hợp tốt với Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan để triển khai công tác tuyên truyền hiệu quả.

Điều hành giá cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đánh giá cao những kết quả mà Cục Quản lý giá đã đạt được trong năm 2023. Theo Thứ trưởng, quản lý giá là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, nhưng đơn vị đã chủ động, nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp trong điều hành giá.

Đối với phương hướng, nhiệm vụ của đơn vị trong năm 2024, Thứ trưởng Lê Tấn Cận đề nghị Cục Quản lý giá phấn đấu khắc phục những khó khăn, tồn tại trong năm 2023; vượt qua thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024.

Toàn cảnh Hội nghị

Ngoài ra, Thứ trưởng lưu ý Cục Quản lý giá cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo kịp thời về thời gian và chất lượng; đồng thời tăng cường sự phối hợp trong nội bộ và các bộ, ngành liên quan trong triển khai công tác điều hành giá cũng như hoạt động của Ban chỉ đạo điều hành giá. Ngoài ra tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thẩm định giá, chấp hành pháp luật về giá; Thực hiện tốt vai trò tham mưu trong công tác thẩm định giá tài sản nhà nước... và chủ động vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về giá để phục vụ công tác điều hành giá.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, trong năm 2024, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành giá; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra là CPI bình quân 4,0 - 4,5%./.

Mộc Lan

 

Tag:

File đính kèm