Sign In

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại Bình Định

17:00 13/05/2024

Chiều 13/5, tại xã Hoài Ân, Bình Định, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có buổi tiếp xúc chuyên đề với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang của huyện Hoài Ân. Tại Hội nghị, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định-Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trực tiếp ý kiến của các cử tri, tập trung vào nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý, đời sống dân sinh trên địa bàn huyện như: chi trả chi phí điều trị nội trú; vấn đề lừa đảo qua mạng; chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng cho phù hợp thực tiễn; Nâng mức khoán bảo vệ rừng; trách nhiệm của nhà mạng trong quản lý sim rác; kéo dài thời gian phục vụ một số cấp trong quân đội…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại xã Hoài Ân

Tới dự cuộc tiếp xúc cử tri có bà Lý Tiết Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định; đại diện lãnh đạo huyện Hoài Ân và đông đảo bà con thuộc huyện Hoài Ân.

Kỳ họp của công tác xây dựng lập pháp

Trước khi lắng nghe các kiến nghị của cử tri, bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã thông tin đến các cử tri nhiều nội dung quan trọng sẽ được xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Trong đó, bà Lý Tiết Hạnh cho biết, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV là kỳ họp nặng về công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, xem xét cho ý kiến đối với 11 dự án luật.

Đối với 11 dự án luật đều là các dự án luật đã xem xét cho ý kiến tại kỳ họp trước đó. Kỳ họp này có nhiều nội dung có liên quan thiết thực đến đời sống dân, do đó Quốc hội sẽ xem xét kỹ lưỡng. Trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh, Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ...

Bà Lý Tiết Hạnh cung cấp thông tin về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội XV

Theo bà Lý Tiết Hạnh, kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 3 Nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng…

Về công tác giám sát, các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tại phiên họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Toàn cảnh buổi họp

Bà Lý Tiết Hạnh cho biết, Quốc hội đặc biệt xem xét các vấn đề cử tri gửi đến kỳ họp. Quốc hội đã lắng nghe, tiếp thu và trả lời thấu đáo các kiến nghị của cử tri.

“Hàng tháng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có báo cáo Ban Dân nguyện của Quốc hội, xem xét các kiến nghị của cử tri đã được xem xét thấu đáo hay chưa, trả lời của các bộ ngành đã được bà con đồng thuận hay chưa?”, bà Hạnh thông tin.

Cũng tại Hội nghị, cử tri đã gửi đến đoàn ĐBHQ nhiều vấn đề liên quan đến các cấp trung ương như: chi trả chi phí điều trị nội trú; vấn đề lừa đảo qua mạng; chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng cho phù hợp thực tiễn; Nâng mức khoán bảo vệ rừng; trách nhiệm của nhà mạng trong quản lý sim rác; kéo dài thời gian phục vụ một số cấp trong quân đội…

Đề xuất sửa các quy định hỗ trợ bảo vệ rừng, chính sách với dân quân tự vệ

Sau phần kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tiếp thu, ghi nhận và trả lời các kiến nghị cử tri.

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận các kiến nghị của cử tri huyện Hoài Ân để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành có liên quan, đáp ứng kiến nghị cử tri.

Cử tri gửi ý kiến kiến nghị tới Đoàn đại biểu

Liên quan đến giá dịch vụ mức thu thủy lợi phí, thực hiện theo Nghị định số 96/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Theo đó, thẩm quyền của UBND tỉnh thẩm định và quyết định giá cụ thể đối với từng loại giá dịch vụ thủy lợi phí. Liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật, giá vật tư và nhân công, lâu nay chúng ta chưa điều chỉnh, trong khi vật liệu, nhân công luôn thay đổi. Do đó, Bộ Tài chính đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chính sách cho phù hợp, trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành đơn giá phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Về chuyển từ đất rừng phòng hộ sang đất nông nghiệp, theo Luật đất đai, mục đích sử dụng như thế nào thì tính sang tiền sử dụng theo mục đích mới. Đối với tiền sử dụng đất phi nông nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ cho dừng “cả nước thu có vài trăm tỷ đồng trong khi rất nhiều công sức bỏ ra, chúng ta đang khoan sức dân nên chúng tôi dự tính trình dừng”, Bộ trưởng cho biết.

Trả lời kiến nghị cử tri về cơ chế khoán bảo vệ rừng còn thấp Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất sửa đổi quy định mức hưởng từ 300.000 đồng tăng lên 600.000 đồng “Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để bảo vệ rừng tốt hơn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Liên quan đến chế độ phụ cấp cho lực lượng thôn đội trưởng. Cơ chế này thực hiện theo Nghị định 72/2020/NĐ-CP, theo đó HĐND tỉnh quyết định. Hiện nay đang sửa đổi Nghị định 72 tăng thêm 20,8% so với quy định (mức tối thiểu), mức tối đa do HĐND tỉnh quyết định căn cứ khả năng cân đối của ngân sách. Tỉnh nào đảm bảo ngân sách thì tăng cao hơn, còn tỉnh nào ngân sách khó khăn thì chi theo mức tối thiểu của Nghị định 72”./.

NA

Tag:

File đính kèm